Nghĩ về hai chữ “Tùy” và “Tiện”
(Dân trí) - Tiếng Việt vốn đa dạng và phong phú cả về âm và nghĩa. Cùng một từ, nhưng khi dùng trong những văn cảnh khác nhau, với dụng ý khác nhau, lại chứa đựng hàm nghĩa hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt, nhiều từ đơn âm tiết biểu đạt một nét nghĩa riêng, nhưng khi ghép với một từ đơn khác lại mang một nét nghĩa mới. Xin minh chứng từ trường hợp 2 từ: “Tuỳ” và “Tiện”
Theo “Từ điển Tiếng Việt”, “tuỳ” vốn là từ thuần Việt, thuộc loại động từ, chứa đựng 2 nét nghĩa chính: “dựa theo điều kiện, tình thế mà làm cho phù hợp” và “để cho người nào đó theo ý muốn của mình mà quyết định” [1]. Còn “Tiện” cũng là từ thuần Việt, nó có thể là động từ khi gắn với hoạt động nghề nghiệp (Nghề tiện), nhưng cũng có thể là tính từ khi biểu đạt tính chất của sự việc (Thuận tiện, tiện thể).Khi hai từ này ghép với nhau, sắc thái của nét nghĩa lại không còn đơn giản, “hiền lành” như khi đứng độc lập nữa. “Tuỳ tiện” theo đó đã hàm nghĩa đánh giá mang tính tiêu cực. Cũng trong “Từ điển Tiếng Việt”, “Tuỳ tiện” được giải thích là “Tiện đâu làm đấy, không theo nguyên tắc nào cả”.Điều đáng nói là, từ ghép “tuỳ tiện” lại xuất hiện khá nhiều khi phát hiện sai phạm trong hoạt động lãnh đạo, quản lý tại các tổ chức công, nhất là trong công tác cán bộ.Dư luận đã từng “dậy sóng” khi báo chí đưa tin về hiện trạng bổ nhiệm lãnh đạo “thần tốc” ở nhiều địa phương và các cơ quan Bộ, Ngành, bất chấp cả những nguyên tắc, những chủ trương và quy định của Đảng và Nhà nước. Không ít trường hợp chỉ cần có một tiêu chuẩn “cứng” là con, cháu một vị lãnh đạo nào đó, còn các tiêu chuẩn khác theo quy định lại trở thành tiêu chí “mềm”. Người ta sẵn sàng “hợp thức hoá” với quy trình khép kín (mà điều này hoàn toàn không khó), và một bộ hồ sơ đề bạt, bổ nhiệm đầy đủ, không sai vào đâu được, thế là “cháu nó, em nó” xứng đáng với vị trí được cất nhắc…(!).Điều đáng nói, quy trình đôi khi cũng là cái cớ nếu người lãnh đạo muốn loại bỏ một ai đó không cùng “cạ” với mình. Khi rơi vào “bẫy” quy trình, người đủ tiêu chuẩn nhất cũng có thể bị loại khỏi quy hoạch hoặc mất cơ hội phát triển mà không biết kêu ai. Trong trường hợp này, dùng từ “tuỳ tiện” để đánh giá sự lạm dụng chức vụ, quyền lợi vì động cơ cá nhân mới thực sự thích hợp.
Tôi khá tâm đắc với ý kiến trong một bài báo được đăng tải trên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: “Khi người đứng đầu “cầm cân” nhưng không “nảy đúng mực” ắt sẽ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của đơn vị và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc quyết định bổ nhiệm một số cán bộ không bảo đảm nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn
Xác định “Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, và rộng hơn nữa là toàn bộ sự nghiệp đổi mới”, do đó, việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ ngay từ các đơn vị, tổ chức hành chính hay sự nghiệp công lập phải tránh bệnh “tuỳ tiện”, bất chấp những nguyên tắc, quy định. Sự cố tình sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý mang tính chủ quan, duy ý chí, độc đoán mà không đếm xỉa đến qúa trình phấn đấu, thực tế cống hiến cũng như những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ là nhân tố gây bất ổn trong tổ chức, làm mất lòng tin trong quần chúng, phá vỡ kỉ cương, pháp luật.
Công tác cán bộ ở cấp chiến lược phải được bắt đầu ngay từ công tác cán bộ ở cấp cơ sở. Một “bộ lọc” tốt sẽ lựa chọn được những nhân tố tích cực. Có như vậy chúng ta mới yên tâm về những cán bộ lãnh đạo “vừa hồng, vừa chuyên’ để chuẩn bị tốt nhất cho những bước nhảy vọt của đất nước trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
TS. Nguyễn Thị Hường