Nghĩ suy từ hai cái chết thương tâm của hai cô giáo

(Dân trí) - Chỉ trong vòng 1 tháng, ngành Giáo dục xảy ra hai vụ cô giáo tự tử. Điều xót xa là, hai giáo viên này đều có những câu chuyện buồn và tuyệt vọng vì thái độ đối xử của hiệu trưởng.

Và không biết Công đoàn giáo dục ở các nơi đó đã làm tròn trách nhiệm trong việc giúp đỡ các đoàn viên của mình chưa?

 

Câu chuyện thứ nhất:

 

Trưa ngày 1/9, cô Nguyễn Thị Lan (Giáo viên Trường Tiểu học Hồng Hà, Đan Phương, Hà Nội) đi khỏi nhà, đến suốt đêm và ngày hôm sau vẫn không thấy về. Cả gia đình tá hỏa, sợ có chuyện chẳng lành xảy ra bèn gọi tất cả anh em thân thích chia nhau đi tìm nhưng không có kết quả. Sáng ngày hôm sau, 2/9, cái ngày mà dân làng Bồng Lai (xã Hồng Hà) không khỏi bàng hoàng khi nhận được hung tin cô giáo Nguyễn Thị Lan đã chết dưới lạch nước bãi Tân Bồi.

 

Cô Lan chết đi để lại rất nhiều di thư xót xa, uất hận. Đọc những bức di thư này, gia đình mới được biết, cô Lan tự tìm đến cái chết là do quá tuyệt vọng về việc hành xử thiếu tính nhân văn, có dấu hiệu trù dập, xúc phạm danh dự nặng nề cấp dưới của hiệu trưởng.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trong bức di thư để lại trên bãi cỏ bên lạch nước Tân Bồi, cô Lan tâm sự: “Những điều muốn nói: Tôi dạy học đã 37 năm. Kết quả đã được các cấp Lãnh đạo trong ngành, các chị em đồng nghiệp cùng trường ghi nhận.

 

…Hè 2010 và ngày 30/9/2010, ai cũng nghe rõ, tôi cũng đã trả lời phản đối ngay nhưng cũng không trả lời được hết vì đầu đã ức chế nên những điều ác đó cứ ám trong đầu tôi, tinh thần tôi bị hủy diệt dần trong sự sống…

 

Vậy tôi muốn các cấp Lãnh đạo ở Phòng, trường, các anh chị em đồng nghiệp một lời nói nào đó về sự việc này.

 

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nụ ( Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà-PV) làm và nói những điều ác đó với giáo viên thì có xứng đáng làm Hiệu trưởng không?”

 

Như vậy, lá thư tuyệt mệnh này có liên quan đến việc hàng loạt cha mẹ học sinh ký tên đòi cô Lan không dạy lớp mà con họ đang học do cô Lan phụ trách và thái độ vô cảm của vị Hiệu trưởng Tiểu học Hồng Hà trước sự việc trên. Vì sau sự việc này, cô Lan đã tìm Hiệu trưởng để giải trình. Thay vì biết lắng nghe, sẻ chia, đồng cảm, tìm hiểu nguyên do và tìm cách xử lí thấu tình đạt lí, cô Hiệu trưởng đã mỉa mai và có những lời nói, cách hành xử làm cho giáo viên này bị ức chế, trầm cảm và rơi vào tuyệt vọng, để rồi tự tìm đến cái chết, một kết cục không thể bi thảm hơn.

 

 Câu chuyện thứ hai:

 

Câu chuyện buồn về cô giáo Lan, Trường Tiểu học Hồng Hà chưa lắng xuống thì vào khoảng 11h sáng ngày 3-10, tại phòng nội trú trường THCS Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), nhiều người bàng hoàng phát hiện cô giáo Nguyễn Thị Hồng (sinh 1979) đã chết trong tư thế treo cổ. Cô Hồng trú quán tại thôn Vĩnh Phúc, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, là giáo viên dạy Toán Tin tại trường Đồng Lộc, vừa chuyển công tác vào Trường THCS Mỹ Lộc, huyện Can Lộc gần một năm nay nhưng do chưa có chỗ ở ổn định tại nơi dạy mới nên cô Hồng đang được trường THCS Đồng Lộc cho ở tạm. Cái chết của cô làm cho nhiều giáo viên và người dân không khỏi bàng hoàng, sửng sốt.

 

Cô Hồng có chồng và hai đứa con, chồng đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc đến đợt này mới trở về quê. Những ngày chồng cô Hồng đi làm ăn xa, hạnh phúc gia đình bị rạn nứt.

 

Theo đó, ngày 8/11/2010, cô Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1979, trú quán tại thôn Vĩnh Phúc, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) - GV Toán Tin trường THCS Đồng Lộc đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng tố cáo: trong khoảng thời gian từ 2/2009 đến 7/2009, ông Nguyễn Công Trà - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Lộc (nơi cô công tác) đã nhiều lần gạ gẫm đòi “quan hệ bất chính” nhưng đều bị cô Hồng cự tuyệt. Sau những lần đòi “quan hệ” bất thành đó, ông Trà đã gây khó dễ cho cô trong công tác. Gần đây nhất là lúc hai trường THCS Trung Lộc, THCS Đồng Lộc sáp nhập thành Trường THCS Trung Đồng, ông Trà lại dọa đề nghị lên cấp trên thuyên chuyển cô đi nơi khác.
 
Nghĩ suy từ hai cái chết thương tâm của hai cô giáo  - 1

Từ trái qua phải: Thư tuyệt mệnh của cô giáo Nguyễn thị Lan - Đơn tố cáo của cô giáo Nguyễn Thị Hồng -Giấy vay nợ của hiệu trưởng

 

Chưa hết, cô Nguyễn Thị Hồng còn tố cáo thầy hiệu trưởng nhà trường đã vay cô (có giấy vay tiền, ký xác nhận và đóng dấu đỏ của hiệu trưởng) 80 triệu đồng nhưng đến nay không thanh toán. “Tôi có cho thầy Nguyễn Công Trà - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vay với số tiền là 80.000.000Đ (tám mươi triệu đồng). Thời gian cho vay là 3 năm (lãi suất 0,5%/tháng). Lãi và gốc sau 3 năm trả 1 lần (được tính từ ngày vay)”. Chứng cớ là Giấy vay nợ được hai bên lập vào ngày 14/03/2008. Người cho vay tiền: Nguyễn Thị Hồng. Xác nhận của Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Lộc: Nguyễn Công Trà (đã ký và đóng dấu).

 

Nghiêm trọng hơn, cô Nguyễn Thị Hồng còn cung cấp cho các cơ quan chức năng một đĩa in sao đoạn video clip quay bằng di động cảnh ông Hiệu trưởng Nguyễn Công Trà trong tư thế “mát mẻ”.

 

Vụ việc đã được chuyển cho Cơ quan Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) điều tra thì ngày 3/10, chúng tôi nhận được hung tin cô Hồng đã tự tử treo cô trong phòng trọ.

 

Vai trò, trách nhiệm của Công đoàn Giáo dục ở đâu?

 

Như vậy, trong hai sự việc dẫn đến hai cái chết đau lòng của hai cô giáo này đều có những câu chuyện buồn liên quan đến hai vị hiệu trưởng. Một vị thì có thái độ thờ ơ, vô cảm, có những việc làm, lời nói ác ý làm cho giáo viên dưới quyền của mình bị ức chế nặng nề dẫn đến bị trầm cảm, tự tìm đến cái chết. Còn một hiệu trưởng khác thì lại có những hành động mờ ám đối với giáo viên nữ dưới quyền của mình khi chồng cô vắng nhà. Hệ lụy bi thảm về sau là khó tránh khỏi, để đến nỗi nữ giáo viên ấy lâm vào cảnh bế tắc phải tìm đến cái chết bi thảm.

 

Trong cả hai sự việc đều xảy ra trong thời gian dài và có nhiều giáo viên trong trường biết. Lẽ ra, môi trường giáo dục là môi trường nhân ái, sẻ chia; lẽ ra, tổ chức Công đoàn Giáo dục phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho giáo viên, phải cắt cử người đến với họ trong lúc khó khăn, tuyệt vọng để động viên, an ủi và tìm giải pháp khắc phục. Nhưng ở đây, trong cả hai trường hợp đau lòng trên đều không thấy bóng dáng của tổ chức Công đoàn giáo dục trong trường học.

 

                                                    Lê Quốc Châu

                    (Trường THPT Cù Huy Cận-Vũ Quang-Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Đọc bài viết trên đây ai cũng thấy đau lòng về hai cái chết thương tâm của hai cô giáo có liên quan với sự đối xử của hai người hiệu trưởng. Điều đó sẽ được các cơ quan điều tra và pháp luật làm rõ. Nhưng vấn đề đặt ra từ bài viết là tình người, tình đồng nghiệp trong môi trường giáo dục lẽ ra phải giầu lòng nhân ái và quan tâm đến nhau, nhưng trong cả hai trường hợp đều phải tự vẫn do bị uất ức mà thiếu sự sẻ chia, khuyên can của các đồng nghiệp.

 

Hơn nữa, Công đoàn giáo dục ở hai trường học này đã làm gì để giáo dục và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các đoàn viên?

 

Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho nhiều cơ sở giáo dục khác, không để tái diễn sự việc đáng tiếc như vậy.