Nên hay không nên?

Hiện đang có nghịch lý lớn là lao động qua đào tạo trình độ càng cao thì tỉ lệ thất nghiệp càng lớn


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Đó là câu hỏi dư luận đặt ra sau khi Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo ký quyết định phê duyệt đề án “Thí điểm đổi mới tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ của trường ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020” ngày 4/10/2016. Theo đó, chương trình đào tạo cao học theo định hướng nghiên cứu sẽ tổ chức tuyển sinh theo phương thức xét tuyển, không qua thi tuyển. Vậy phương thức, đề án đó có khả thi không trong bối cảnh thực trạng giáo dục nước nhà đang “bấn loạn” về phương cách đào tạo, sử dụng thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay? Sau khi tham khảo một số ý kiến của một số cựu giáo chức, người viết xin góp một góc nhìn như sau:

Mặc dù trong đề án Trường có đưa ra một số yêu cầu khi xét tuyển: Tốt nghiệp ĐH loại khá trở lên, thời gian tốt nghiệp không quá 3 năm tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển, ngành đào tạo ĐH đúng với ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn…Nhưng ắt hẳn chúng ta thừa biết, thừa hiểu rằng những điều kiện đó chẳng có nghĩa lý gì trong bối cảnh một nền giáo dục chú trọng bệnh thành tích. Do đó, việc xét tuyển sẽ càng trở nên dễ dàng và ào ạt. Theo đó việc xét tuyển sẽ không thể sàng lọc được một cách khách quan so với thi tuyển về năng lực người học. Đặc biệt là ngoại ngữ. Ngành nghề khoa học nào dù là ứng dụng hay nghiên cứu cũng cần kỹ năng ngoại ngữ bên cạnh năng lực chuyên môn cả.

Trao đổi với tôi, Thầy Hoàng Ngọc Vĩnh – cựu giáo chức Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế chia sẻ: Có thể hiểu đề án cố gắng mang lại tính đột biến trong việc đào tạo bậc sau ĐH, nhưng trong bối cảnh hiện nay chưa phù hợp.

Như ta đã biết, hiện nay cả nước đang có hơn 225.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, và con số đó vẫn tăng lên hàng ngày. Bên cạnh đó là hơn 24.000 tiến sĩ so với 90 triệu dân thì không phải nhỏ chút nào. Ngày 7/10/16, trong phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị Báo cáo của Bộ LĐ - TB&XH cần xem xét lại các con số về tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ lao động qua đào tạo vì cho rằng, hiện đang có nghịch lý lớn là lao động qua đào tạo trình độ càng cao thì tỉ lệ thất nghiệp càng lớn. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá: Đào tạo hiện nay không theo thị trường mà theo thị hiếu và lợi nhuận.

Đã có không ít người ảo tưởng về sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam khi có những cá nhân học sinh, sinh viên…đạt huy chương ở các cuộc thi quốc tế, hoặc những nhà nghiên cứu trẻ được làm việc ở các tổ chức, trường quốc tế. Xin thưa rằng, đó chỉ là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của các cá nhân đó thôi! Chứ nó không thể là tấm gương lớn phản chiếu cho cả một nền giáo dục sách vở. Hơn nữa, sự phát triển cả cả một nền kinh tế, xã hội không thể dựa vào một vài cá nhân, mà nó là tổng hợp sức mạnh của cả một tập thể đấy chứ.

Ở đây người viết không nói là việc “đề án” không đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, còn biết bao nhiêu dấu chấm hỏi dư luận vẫn ngóng chờ câu trả lời: Bao nhiêu tỉ đồng trích cho hoạt động nghiên cứu khoa học hàng năm? Bao nhiêu tỉ đồng cho ngành giáo dục hoạt động? Hiệu quả của nó đến đâu? … Trong khi đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức như: hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, nhân tai từ đất liền đến hải đảo… Những câu hỏi đó đã bao giờ có lời đáp chưa và tính hiệu quả của các công trình nghiên cứu khoa học phải chăng chỉ là chiếc “bánh vẽ”.

Từ đó ta thấy, giai đoạn đầu của công việc nghiên cứu khoa học mà không được sàng lọc, đánh giá nghiêm khắc, nghiêm túc, chỉ là xét tuyển thôi thì thêm một lần nữa dư luận có quyền nghi ngờ về tính hiệu quả chân thực mà đề án được phê duyệt?!

Thạc sĩ Lầu Văn Thanh