Bạn đọc viết:

Lý giải về phí lưu hành xe khó chấp nhận

(Dân trí) - Phản hồi lại các lý giải cho chủ trương thu phí lưu hành xe của Phó Chủ tịch UB ATGT quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, chúng tôi xin trích một số trong cả ngàn ý kiến bạn đọc vạch rõ những điểm không hợp lý, khiến người dân không đồng thuận…

Lý giải về phí lưu hành xe khó chấp nhận
Từ 1/6, ô tô xe máy phải đóng quỹ bảo trì đường bộ (ảnh: dothi.net)
 

Nhiều  bất hợp lý
 

Thư gửi bác Thăng. Là người dân của nước Việt Nam, cháu xin phép có vài ý kiến đóng góp về viêc thu phí mới của bác. Bác thử nghĩ xem, thu phí phương tiện giao thông kiểu đấy có mấy điều bất hợp lý như sau:

 

Thứ 1: liệu có công bằng không? Đối với những người giàu có có tiền mua ôtô thì có thể mức phí đấy sẽ không quá lớn đối với họ. Nhưng đối với những người dân bình thường phải lo làm ăn, ví dụ họ có một chiếc xe nhỏ để chở hàng kiếm sống nhưng hàng năm phải đóng một mức phí như vậy thì có hợp lý không, có phải là quá không? Áp phí nặng như vậy liệu có gây oán thán cho người dân không?

 

Thứ 2: Nếu áp mức phí như vậy, những cửa hàng ôtô sẽ gần như không bán được hàng. Như vậy liệu kinh tế có phát triển được không khi thương nghiệp không phát triển? Nếu đóng phí ôtô hàng chục triệu một năm, liệu có mấy người dám mua ôtô? Trong khi xe máy thì chỉ đóng phí vài trăm ngàn thì liệu có hạn chế được người ta không mua không? Những người đang có ý định mua ôtô thay cho xe máy liệu có còn ý định ấy nữa không?

 

Bây giờ cháu xin có ý kiến như thế này để thành phố Hà Nội có thể giảm ùn tắc. Đó là nếu có thể chỉ cần chuyển hết các trường đại học ra ngoại thành, sẽ làm giảm một lượng lớn người lưu thông. Ngoài ra còn thu lại được một lượng lớn diện tích. Nếu các trường chuyển ra ngoại thành thì hoàn toàn có thể xây rộng rãi hơn mà không mất gì cả.

 

Mặt khác, để giảm ùn tắc cần tăng cường tuyên truyền ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đây cũng là một ý không tồi. Nhưng để được thế thì trước hết đội ngũ lái xe và phụ xe của xe bus phải cải tổ lại, chứ như tình hình hiện giờ thì có tuyên truyền thế nào cũng không có tác dụng (vì nói chung lái xe và phụ xe còn rất kém về văn hóa ứng xử với hành khách). Ngoài ra kiểu xe điện đi theo chặng đường ngắn cũng rất hay.

 

Trên đây là một vài ý kiến của cháu, rất mong được bác lưu ý. Cháu cũng không biết và không hiểu nhiều lắm vấn đề, nhưng cháu chỉ nói lên những điều mình suy nghĩ.

 

Nick Alo 

email:  minh_dktd@yahoo.com

 

Cách thu phù hợp hơn

 

Kính  gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng. Tôi có biết từ ngày 1 tháng 6 tới sẽ triển khai thu phí đường bộ, nhưng theo tôi, với cách thu phí đổ đầu đã nêu ra sẽ không khả thi, vì nó không công bằng giữa người sử dụng ít và người làm dịch vụ sử dụng nhiều.

 

Với những trăn trở đó, tôi có một vài ý tưởng mong Bộ trưởng tham khảo, biết đâu lại có thể giúp ích cho Bộ trưởng trong vấn đề thu phí đường bộ ở Việt Nam.

 

Theo tôi,  thay vì thu phi giao thông theo phương pháp “đổ đầu”, sao ta không thu phí theo phương pháp tính km lưu thông. Ví dụ: theo cách tính 200đ/ 1km, nếu một người sử dụng phương tiện giao thông một ngày lưu thông khoảng 50km sẽ hết khoảng 10.000đ. Còn các phương tiện dịch vụ lưu thông nhiều sẽ phải trả phí lưu hành nhiều.

 

Về vấn đề thu phí, trước khi chưa thể triển khai thu phí lưu thông điện tử thì ta triển khai thu phí qua đăng kiểm chẳng hạn. Lần đăng kiểm này có số km là 100km, lần đăng kiểm sau là 1.000 km thì số km sử dụng là 900 km. Từ đó ta sẽ nhân với giá tiền đã niêm yết, ví dụ là 200d/km thì 900km nhân với 200đ = 18.000đ.

 

Hay chúng ta có thể triển khai thu phí ở các cây xăng. Ví dụ khi mua xe anh phải lắp một thiết bị tính phí, theo đó nếu anh nạp tiền vào thì số km anh được đi sẽ hiện lên. Khi anh đi hết số km trên thì anh phải nạp tiền vào thông qua các điểm nạp tiền như trạm đổ xăng…

 

Nếu như hiện đại hơn ta nên phát triển hệ thông thanh toán như trên điện thoại, khi sử dụng hết số km mà anh đã mua thì anh có thể nạp thẻ để có thêm km lưu hành, có thể thông qua thẻ điện thoại hay thẻ ATM ….

 

Còn với xe máy thì ta nên thu theo năm khoảng 80 ngàn đến 100 ngàn đồng/năm là hợp lý. Về cách thu thì vẫn thu qua bảo hiểm, kiểm tra việc thu phí xe máy thì nên định kỳ 3 năm đăng kiểm xe máy 1 lần. Như vậy vừa kiểm tra được chất lượng xe máy, vừa kiểm tra xem chủ xe đã thanh toán phí đường bộ hay chưa. Đồng thời cũng phát hiện được cả xe gian, vì khi CSGT phát hiện xe không có đăng kiểm sẽ có thể  tạm giữ đưa về xử lý.

 

Còn theo tôi, về phí môi trường nên thu theo xe thải ít chất thải thì thu ít, xe thải nhiều chất thải thì  nhiều, cũng thông qua hệ thống đăng kiểm.

 

Còn khung hình phạt thì tôi cũng chỉ  góp ý như sau: nếu xe vi pham mà không thanh toán phí lưu hành đường bộ, ta sẽ tính số km vi phạm và nhân gấp đôi lên rồi tính tiền để chủ xe thanh toán…

 

Những ý kiến trên của tôi xin được chuyển đến Bộ trưởng xem và nhận xét. Tôi cũng có một số ý kiến về giảm ùn tắc giao thông, nếu có cơ hội xin trình bày với Bộ trưởng khi được gặp ông.

               

Lê Anh Tài (tổ 5, Trung Thành, Thái Nguyên)

email:  muatrencuoctinh_iyo@yahoo.com.vn

 

Thu để làm gì và hạn chế gì?

 

Tôi hiểu được các nhà quản lý luôn đưa ra lý giải: Đáng lẽ phải thu tiền và thu thêm tiền để hạn chế. Nhưng vấn đề chính là thu tiền để làm gì và hạn chế cái gì?

 

+ Thu tiền để làm gì? Nói thu tiền để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng thực tế việc đầu tư này đến đâu và hiệu quả thế nào, có giải quyết được vấn đề tắc đường như thế nào, thì vẫn không thấy có quan chức nào đưa ra giải trình và đưa ra luận chứng khoa học cả. Tất nhiên đề án thu thì có tiền, nhưng đánh giá hiệu quả lại không có rõ ràng.

 

+ Hạn chế cái gì? Thực tế với tình hình ô nhiễm, tắc đường nghiêm trọng như hiện nay thì tôi tin không nhiều người muốn mua phương tiện để rồi… đi cho vui đâu. Thường thì phương tiện là để người dân giải quyết công việc của mình (di chuyển, phục vụ công việc). Vì thế nếu thu và thu nữa thì người cần vẫn phải mua và phải nộp, như vậy chỉ tăng thu  mà không giảm số phương tiện lưu thông trên đường.

 

Còn với những người mua xe để chơi thì thường là người có tiền, với họ việc nộp thêm phí có lẽ cũng không đáng lo. Và như vậy vẫn không giảm được mật độ tham gia giao thông.

 

Do vậy, nói rằng thu và thu thêm nữa để giảm lượng phương tiện thì tôi thấy chỉ là ngụy biện mà thôi. Mật độ phương tiện chỉ giảm khi giảm mật độ người hoặc có phương tiện thay thế. Nhưng xem ra không ai muốn giải quyết vấn đề này vì nó quá lâu dài và không mang lại tiền trực tiếp.

 

(Theo tôi, có lẽ phản hồi này không được coi là “ý kiến xây dựng” nên chắc không được đăng. Nhưng tôi rất không đồng ý với những phát biểu không mang tính khoa học, mà chỉ hô hào theo phong trào... Dù sao tôi cũng muốn gửi phản hồi, bởi không muốn chỉ có những ý kiến mang tính một chiều càng làm cho người dân hoang mang và bất bình).

 

Nick Tien va Tien 

 
Lý giải về phí lưu hành xe khó chấp nhận
Thu phí bảo trì đường bộ liệu có đúng mục đích đề ra? (ảnh: Đạt Lê, báo Lao Động)

 

Sự “đồng bộ” chưa bao giờ thực hiện được

 

Thưa ông Phó Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp. Tôi thấy những điều ông nói chưa đúng. Ông bảo 3 năm nữa Hà Nội, TPHCM sẽ không còn chỗ để xe, nói gì chỗ để đi? Tôi hỏi ông: nguyên nhân do đâu?

 

Chắc ông lại đổ cho phương tiện cá nhân? Ông có hiểu rằng phương tiện cá nhân nó có tự xuất hiện được đâu nhỉ, phải có người điều khiển chứ. Thế người điều khiển sao lại đi xe vào TP? Vì nhà họ ở đó (nhập khẩu thoải mái, chung cư cao tầng xây thoải mái), cơ quan họ ở đó (quy hoạch các cơ quan tập trung vào trung tâm). Theo ông thì hạn chế phương tiện cá nhân để các TP toàn những người là  người rồi tính sao?

 

Nhân dân chờ các ông quá lâu rồi, khi họ thấy các ông không giúp giải quyết được phương tiện đi lại thì họ phải tự bỏ tiền ra mua phương tiện để dùng. Bởi vậy, dù biết rằng ô tô, xe máy người ta bán ở VN với giá “trên trời” nhưng họ vẫn phải mua, là vì sao? Vì mưu sinh và đóng thuế đấy, và còn để nuôi dưỡng những thế hệ tương lai đất nước đấy, thưa ông?

 

Tôi đi xe công cộng đi làm mà muộn giờ làm là tôi bị trừ lương, bị đuổi việc, liệu ông có trả lương cho tôi hoặc xếp việc cho tôi không?

 

Ông nói Nhà nước chỉ chịu được 17 triệu đồng/01 km đường, thế hiện tại làm đường hết bao nhiêu tiền / 01km? Chắc gấp 100 lần con số nhà nước chịu được, thế mà vẫn xây đấy thôi thì tiền ở đâu ra?

 

Phải chăng vì cần tiền nên giờ các ông mới đề ra cả bao nhiêu loại thuế và phí (thực ra phí thì cũng là thuế thôi). Không cấm để khỏi dụng đến quyền cơ bản của nhân dân, nhưng phí thật cao để gần như cấm? Thật tình tôi thấy đúng là các ông chỉ giỏi bao biện cho sự yếu kém về quản lý mà thôi.

 

Ai cũng thấy nói hay và nhấn mạnh cần giải pháp "đồng thời", "đồng bộ". Nhưng cái đồng bộ của các vị đưa ra chưa bao giờ thực hiện được.

 

Ông biết khi áp dụng thuế, phí lên phương tiện giao thông thì sẽ thế nào không? Lĩnh vực buôn bán nhỏ (kinh tế gia đình) sẽ chậm lại vì người dân phải đi bộ, các mặt hàng sẽ tăng giá vì phí vận chuyển sẽ cao lên ....Nhân dân nộp thuế làm đường thì phải đi bộ, trong khi các vị giới chức được đi ô tô công…. Thật nghịch lý!

 

Nói chung chúng tôi thấy ông phát biểu thế là từ vị thế của mình thôi, chứ phát biểu trên vai trò  người dân như đa số chúng tôi thì chắc chắn ông sẽ phản đối cái phí đó đấy, thưa ông…

 

Quốc Toàn 

email:  quoc_toan99@yahoo.com

 

Áp đặt vô lý!

 

Tôi không đồng tình với đề xuất này của các nhà quản lý, vì với mức thu quá cao và quá nhiều phí như thế này là vô hình trung đẩy đa số bộ phận người dân vào hoàn cảnh khốn khó hơn.

 

Mà các vị có biết rằng với tình hình kinh tế như hiện nay thì đội chi phí lên dù nhỏ, cũng sẽ tác động không nhỏ đến đời sống của những người sống nhờ phương tiện giao thông như chúng tôi không?

 

Những người dân như chúng tôi sống ở ngoại thành, cố dành dụm tích cóp để mua một chiếc xe oto cũ để làm phương tiện kiếm ăn thì chúng tôi lấy tiền đâu ra để đóng mức phí lên đến mấy chục triệu/ năm? Thu phí như thế này là gián tiếp hủy hoại tài sản công sức của chúng tôi và đẩy chúng tôi vào cảnh khó khăn hơn, vì sao? Vì nếu không có tiền đóng phí thì xe không lưu hành được, mà không lưu hành được thì chỉ biết nhìn tài sản của mình mất giá trị dần theo thời gian mà không dám sử dụng.

 

Có người nói mức thu như vậy là bình thường, là chấp nhận được. Nhưng đó là vì các vị ấy đi bằng xe công, hoặc là những người có thu nhập không bằng lương và không bằng tiền công lao động đơn thuần.

 

Chứ với tôi đang ở ngoại thành Hà nội và sinh sống bằng nghề đưa đón khách bằng xe ô tô ngoại tỉnh và không bao giờ đi vào nội thành, mà  bị “bắt”  phải đóng phí như thế thì không thể nói là công bằng được. Chắc chắn tôi phải bỏ nghề và có nguy cơ mất tiền đã mua tài sản của mình. Vậy các ngành, các cấp hữu quan có hiểu cho những người dân như chúng tôi không?

 

Nếu chống ùn tắc trong thành phố, thì tôi đồng tình việc cấm hẳn xe vào nội thành và đầu tư nâng cấp phương tiện công cộng  đáp ứng cho người dân đi lại được thuận tiện, chứ đừng áp đặt vô lý cho chúng tôi như thế....Tôi buồn về cách nghĩ cũng như khoảng cách quá xa giữa lời nói với việc làm của một số vị giới chức bộ, ngành này quá. AN SINH XÃ HỘI đâu phải là những quyết sách như thế này???

 

Duc Dong 

email:  thuyduong81@gmail.com

 

Chưa xác định rõ đối tượng

 

Tôi không đồng tình với cách lý giải theo kiểu áp đặt như thế. Theo tôi, nói như vậy rõ ràng là các vị không tìm được phương án tối ưu, không có cách quản lý khoa học, để rồi đành phải mượn ý tưởng chống ùn tắc giao thông để thu càng nhiều càng tốt.

 

Có vẻ như các vị không xác định rõ đối tượng nào cần bị thu, đối tượng nào không thu và thu như thế đã phù hợp chưa? An sinh xã hội thì giải quyết thế nào? Cuộc sống hàng ngày của người dân đã tìm hiểu và chia sẻ chưa?

 

Kiểu thu phí cao rồi thì "cứ để người ta đi đi" thì có khác nào mục đích chính là  thu phí chứ đâu phải là hạn chế chống ùn tắc? … Người có xe mà không đi vào nội thành thì sao? Người không đủ tiền nộp phí thì không được kiểm tra xe và cấp giấy lưu hành, vậy họ phải vứt bỏ tài sản của mình đi hay sao?

 

Với những người sử dụng xe công cũng như những người không sống bằng lương và thu nhập bằng sức lao động thuần túy, thì họ có cảm nhận được đâu. Tôi mong muốn Quốc hội và Chính phủ hãy nghĩ đến đa số người dân đang sống với mức thu nhập thấp và kiếm sống bằng phương tiện giao thông, mà không tham gia vào gây ùn tắc giao thông trong thành phố như chúng tôi. Hãy cùng chia sẻ với chúng tôi trong giai đoạn kinh tế khó klhăn, đồng tiền mất giá, giá cả tăng cao như thế này.

 

Vu Duc 

email:  vuduc161071@gmail.com

 

Thu nhiều phí là tận thu hay giải pháp giao thông?

 

Chắc chắn rằng, một đô thị sẽ đẹp và văn minh hơn rất nhiều nếu trên đường chủ yếu là ôtô và phương tiện công cộng. Như vậy, chúng ta có thể hình dung trong tương lai loại phương tiện giao thông nào sẽ được ưu tiên, loại nào phải hạn chế.

 

Nhưng với điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông như hiện nay ở nước ta, thì xe máy vẫn sẽ là phương tiện chủ yếu và còn lâu nữa mới có thể hạn chế được. Và một điều chắc chắn là, chúng ta sẽ không thể cải thiện tình hình được khi mà phương tiện giao thông công cộng cũng như cơ sở hạ tầng không cải thiện. Mọi thứ sẽ lại đi vào vòng luẩn quẩn như các phương án đang bàn hiện nay.

 

Hãy nhìn thẳng vào nguyên nhân. Cái sai ở đây có 2 nguyên nhân chính.

 

1. Sai về quy hoạch bao gồm:

 

- Thành phố đã để cho mật độ dân số cơ học quá cao mà không có cách nào quản lý được, trong khi các khu chung cư vẫn cứ được xây dựng một cách hệ thống hoặc nhỏ lẻ trong nội đô mà không hề được tính trên cơ sở đáp ứng của cơ sở hạ tầng. Tất cả đều đổ hướng vào trung tâm.

 

- Hệ thống giao thông và phương tiện giao thông công cộng có cải thiện nhưng không theo kịp đà phát triển, chủ yếu là do mất cân đối và chất lượng kém.

 

2. Quản lý giao thông rất kém:

 

Điều này liên quan tới hệ thống luật và thi hành luật còn yếu kém. Chính yếu kém về luật và ý thức người dân đã làm cho người dân không tuân thủ và hình thành thói quen xấu. Rất khó thay đổi.

 

Như vậy, nếu trước đây 10 năm ta làm tốt công tác quản lý nhà nước hay thu phí cao - cái gì là giải pháp ??? Thu nhiều phí là tận thu hay giải pháp giao thông?

 

Nhà quản lý thì cho là giải pháp, còn đai đa số dân cho là tận thu. Như vậy rõ ràng cái giải pháp đã không nhận được sự đồng thuận của xã hội. Cần xem xét lại. Nếu nhà quản lý nói đúng thì liệu có ai dám nhận trách nhiệm rằng: khi các giải pháp không có hiệu quả (chưa nói đến mặt trái của nó) thì họ sẵn sàng từ chức không? hay hết nhiệm kỳ thì thôi?

 

Trách nhiệm của ai ? Trách nhiệm chủ yếu phải là của địa phương chứ không phải của chính phủ, bộ ngành hoặc chung chung là toàn dân. Từ trước tới nay, chúng ta chủ yếu thấy tiếng nói của các bộ, ngành, quốc hội, chính phủ chứ không thấy của địa phương. Tôi thấy như vậy là chúng ta vẫn đang đi ngược rồi. Cuối cùng là người dân phải gắng chịu hậu quả (?)

 

Hoang Viet 

email:  vietminhhoang_vx@yahoo.com