Thu phí lưu hành: Chuyện vẫn phải nói…

(Dân trí) - Chuyện phí lưu hành xe đến giờ người dân cũng hiểu là có bàn lùi cũng không thay đổi được nữa. Nhưng vậy rồi xe to, xe nhỏ hầu như nhà nào cũng có biết tính sao. Bán rẻ đi ư? Ai mua? Mà bán rồi lấy gì đi lại, làm ăn, kiếm sống…

Thu phí lưu hành: Chuyện vẫn phải nói…
Trạm thu phí Sóc Sơn (quốc lộ 3) là 1 trong những trạm thu phí tạm dừng hoạt động (ảnh: Tintuc.xalo.com)

 

Tay phải, tay trái…

 

Những tiếng thở dài cùng sự lúng túng như gà mắc tóc của đa số cư dân có thể thấy rõ qua lời than thở của gần như 100 % bạn đọc gửi ý kiến phản hồi.

 

“Không ai bảo là không nên thu, đúng là các bác thấy cần thu thì cứ thu. Nhưng thu như thế nào, bao nhiêu, với đối tượng nào thì cần nghiên cứu kĩ lưỡng. Không thể đánh đồng tất cả mọi người vào như nhau 1 loại tiền. Có những người họ kiếm sống nhờ phương tiện, họ di chuyển nhiều, họ phải nộp nhiều hơn là những người cả năm chỉ dùng đến chiếc xe vài lần. Như các bác về hưu, thi thoảng đi thăm nhau, đi thăm con cháu.

 

Cũng nên nghiên cứu để tiền phí lưu hành xe thu cùng tiền xăng, như hiện tại xăng đang là 22.900đ/lit, có thể thu thêm 1.000đ/lit xăng coi như thu phí đường bộ. Ai đi nhiều, đi ít, xăng xe là thước đo chính xác nhất. Đi nhiều, hại đường nhiều thì nộp nhiều tiền, đi ít thì nộp ít tiền, chứ cứ ai có xe là nộp 1 cục như nhau thế này thì thật sự không phải là hợp lý với rất nhiều người.

 

Chúng tôi hiểu nhà nước đúng là cần nguồn thu để sửa chữa đường, không sai. Nhưng thu như thế nào để dân tình chấp nhận và thấy hợp lí, thì mong các cơ quan chức năng nên nghiên cứu thêm trước khi áp dụng” - Dương Ngọc: duongphuongngoc@gmail.com

 

Số ít đành chấp nhận cũng còn nêu bao bất hợp lý như vậy. Còn số đông không đồng tình càng “lẩy” ra được nhiều “hạt sạn” hơn. Trước hết đó là nghịch lý:

 

“Tôi thấy phương án thu  thu phí lưu hành phương tiện ô tô nhằm mục đích hạn chế tốc độ gia tăng của loại phương tiện này là chưa được khả thi lắm. Tại sao muốn hạn chế loại phương tiện này các ông không tính đến phương án: Trong những năm tới nên hạn chế nhập khẩu xe, hạn chế sản xuất xe thì có hiệu quả hơn không?

 

Tôi thường được nghe nói:  Chữa bệnh thì phải chữa từ nguyên nhân. Nếu nước bị ô nhiễm thì phải làm trong sạch từ nơi xuất xứ, chứ không phải từ hạ lưu. Thế đấy!” -  Kim Anh:  vungvinakip@gmail.com

 

“Ngành công nghiệp xe máy và ngành công nghiệp ô tô thì hô hào phát triển. Nhưng lại hạn chế xe máy và ô tô lưu hành vì hệ thống giao thông và chỗ đậu xe phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Có phải là nghịch lý?

 

Tôi dự định mua ô tô, nhưng nghe nói hiện nay có hàng chục loại phí đổ lên đầu phương tiện giao thông, giá xăng dầu tăng đều đều và giá xe cũng cao ngất ngưởng. Có lẽ tôi phải chọn giải pháp an toàn cho gia đình và bản thân. Một là thuê xe tự lái. Hai là sử dụng taxi hoặc phương tiện giao thông công cộng khác để tránh phiền phức. Nhưng tôi  tin chắc rằng ngành công nghiệp sản xuất ô tô con thời gian tới sẽ vô cùng khó khăn, vì giới trung lưu sẽ từ bỏ ý định mua ô tô con và giới bình dân cũng không còn háo hức sắm các loại xe máy đời mới nữa” - Quế Thanh: quethanh@yahoo.com

 

“Nếu mục đích của Bộ GTVT là hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì tại sao không dừng việc sản xuất ô tô xe máy mới cho thị trường nội địa. Tại sao không dừng việc đăng ký xe mới? Với những chủ trương mới ban hành, thì liệu người dân chúng tôi có thể hiểu rằng: tay phải các ông cho đăng ký, thu các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT... Tay trái các ông kéo lại thu các loại phí như an toàn đường bộ, hạn chế phương tiện giao thông, môi trường... Nói chung, chúng tôi nghĩ đó thực ra là các vị muốn thu tối đa thôi” - Le Anh:  lenav@vnn.vn
 
Thu phí lưu hành: Chuyện vẫn phải nói…
Công nhân bảo trì đường (ảnh: giaothongvantai.com.vn)

 

Bên nặng, bên nhẹ

 

Đòi hỏi về sự công bằng (dù chỉ là tương đối như một vị giới chức ngành GTVT đã nêu) cũng luôn được người dân nhấn mạnh. Và điều khiến đa số không đồng tình ở đây là nếu đã quy định thu phí, sao vẫn tạo ra những khoảng cách dễ gây bất bình, khiến người dân khó có thể “tâm phục, khẩu phục” được. Vì dù là ai cũng đều là những công dân bình đẳng của đất nước…

 

Bởi vậy, để thực thi chủ trương mới này, nhiều người vẫn tiếp tục đặt câu hỏi. Đồng thời nêu rõ: để chứng minh cho tính khả thi của biện pháp, các vị giới chức cần nêu gương thực hiện trước cho người dân noi theo.

 

“Thưa ông Phó Chủ tịch UB ATGT, sao các ông không cấm nhập khẩu xe ô tô và xe máy từ nước ngoài, đồng thời cấm luôn sản xuất ô tô và xe máy trong nước? Đằng này các vị dường như chỉ muốn dân gánh chi phí, trong khi các vị đi xe biển xanh... thì có gì phải lo đâu. Tôi đề nghị các vị giới chức làm gương đi xe buýt đến trụ sở làm việc cho dân noi theo đi. Các vị cũng nên đề nghị cả gia đình và bạn bè mình làm theo như thế, xem có ai đồng tình không. Các vị cứ vừa hô hào thu phí này nọ, nhưng vẫn cho nhập xe máy, ô tô từ nước ngoài... Tiền thuế ấy để làm gì nhỉ? Các hãng xe trong nước thì cứ lên kế hoạch tăng trưởng đấy thôi. Mong các vị suy nghĩ cho thấu đáo trước khi đề ra hết khoản phí này tới khoản thu khác, mà theo chúng tôi nghĩ thì chỉ càng đè thêm gánh nặng lên người dân chúng tôi thôi” - Thanh Hai:  thanhhainguyen445@gmail.com

 

“Tôi không biết các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng đã bao giờ đi xe buyt chưa. Rất mong rằng các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT thử đi các phương tiện giao thông công cộng vài lần để đánh giá tình trạng thực tế của các phương tiện giao thông công cộng nước ta xem sao. Rồi các đồng chí hô hào sao cũng được.

 

Giao thông lộn xộn không đảm bảo yêu cầu phát triển của xã hội, người dân chúng tôi có phải là người xây dựng các đề án phát triển giao thông đô thị tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng đó không? trách nhiệm thuộc về nhân dân sao? Chúng tôi không biết các đồng chí thứ, bộ trưởng Bộ GTVT  hàng ngày đi làm bằng cái gì? Liệu các đồng chí có thể rời ô tô ra để đi làm bằng các phương tiện khác không? Các khoản thu nhập chính đáng của các đồng chí có đủ để trang trải chi phí cho một cái xe không?...” -  Vo danh tieu tot:  QuangHung2011@gmail.com

 

“… Đối với một chính sách mang tầm quốc gia, có ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động kinh tế xã hội như áp phí giao thông, sao lại áp đặt một cách chủ quan như thế? Tôi thấy đây là một chính sách không có lộ trình rõ ràng, không được nghiên cứu dư luận quần chúng nhân dân một cách đầy đủ. Sao một chính sách quá vội vàng như thế lại được một Bộ có tầm ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động của đất nước đề xuất áp dụng ngay?

 

Việc Bộ trưởng Bộ GTVT đưa ra các lập luận và mức phí thu đối với các phương tiện xe cơ giới như lâu nay báo chí đưa tin, theo tôi là không thỏa đáng. Dân quá nghèo, nước còn quá nghèo, trong khi đó phí chồng lên phí, thì đa số người dân sao chịu nổi? Ông Bộ trưởng có xe của nhà nước đưa đón, làm sao biết nỗi khổ của bao người dân còn nghèo trên khắp đất nước hàng ngày phải vật lộn chạy chợ mới có đủ cái ăn bằng những chiếc xe máy "cà tàng", thì họ lấy tiền đâu đóng phí?... “ - Linh Giang:  hoanglinhgiang@gmail.com

 
Thu phí lưu hành: Chuyện vẫn phải nói…
Qũy Bảo trì đường bộ ra đời được cho là sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vốn trầm trọng cho bảo trì đường bộ hiện nay (ảnh: giaothongvantai.com.vn)
 

Mức thu và cách thu

 

Và hãy xem tiếp những gợi ý từ phía người dân:

 

“Có một cách mạnh tay sẽ làm giảm ngay phương tiện cá nhân. Đó là cấm nhập khẩu, cấm sản xuất các loại phương tiện. Như thế, dân có muốn mua cũng không có ai bán. Như thế, chỉ trong 3 năm lượng xe không những không thể tăng mà còn giảm đáng kể. Nhưng khi đó liệu người dân VN sẽ như thế nào nhỉ… Liệu có ai cảm thấy thích hơn vì được tự do tự tại, chẳng phải lo đóng một loại phí nào…” - Tiền:  tien@yahoo.com

 

“… Để tránh ùn tắc, không nên triệt để hạn chế phương tiện cá nhân mà chỉ nên HẠN CHẾ SỬ DỤNG XE CÁ NHÂN. Ai dùng nhiều trả nhiều, ai dùng ít trả ít. Nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân vào những thời điểm, không gian và mục đích hợp lý là nhu cầu chính đáng của người dân. Như vậy vừa hạn chế ùn tắc vừa không ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô. Chỉ cần đánh giá và điều chỉnh việc thực thi các quy định cũ cho nghiêm là được. Thuế/phí về mục đích như đề xuất đã chồng nhau rồi…” -  Lương Văn Xuân:  luongvanxuan68@yahoo.com

 

“Lệ phí giao thông phải thu để có nguồn kinh phí để cho phát triển hạ tầng giao thông. Chỉ cần chú ý mức thu và cách thu cho công bằng. Sau đây là một cách thu tôi cho là công bằng, không tốn kém, đúng, đủ cho ngân sách:

 

1. Đưa vào xăng dầu, dùng 70% số thu được cho giao thông, 30% còn lại dành cho môi trường và y tế.

 

2. Đưa thêm vào lốp (vỏ) xe các loại có tiết diện từ 2.5 - 17 trở lên.

 

Hai phương pháp thu trên đảm bảo thu đủ lệ phí giao thông. Nhân lực dùng cho công việc này không quá 2 người trong 1 năm đối với cả nước” -  Đỗ Hải Thắng:  Hoangminhduongtrading@yahoo.com

 

Bao giờ cho đến… ngày 1/6? Chuyện phải làm thì chắc chắn rồi, nhưng khi người dân vẫn còn quá nhiều bức xúc thì phản ứng không đồng tình với việc phải đóng thêm phí chồng thuế chắc không thể giảm được, bởi đây là chuyện cơm áo gạo tiền của nhà nhà, người người…

 

Khánh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm