Lỗi tại cái tăngđơ
(Dân trí) - Nhìn hình ảnh “ốc neo tăngđơ” của cây cầu treo vừa bị sập tại bản Chu Va 6 (Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu) không chỉ dân trong nghề, mà ai cũng không thể tin nổi. Chung quan điểm với giới chuyên môn, đồng thời nhiều phản hồi cũng nêu thêm các nghi vấn.
Trông mặt mà bắt hình dong
Không mổ xẻ sâu thêm những điều đã được giới chuyên môn nhận định như: kết cấu neo tăngđơ không đồng bộ với cáp, không có bảo vệ tăngđơ nên bộ phận này rất dễ bị gỉ sét, qua thời gian rất dễ bị bào mòn, ảnh hưởng đến chất lượng cây cầu…nhiều bạn đọc nhanh chóng rút ra kết luận chua xót bởi..."nghe nhạc hiệu" là có thể "đoán chương trình":
“Vậy kết quả điều tra rõ rồi, cầu sập là do tăngđơ. Đề nghị truy tố cái tăngđơ này, bắt cái tăngđơ này đem ra nấu chảy để… làm gương cho các tăngđơ khác” – Qua Duong: kgcoemail@yahoo.com
“Qua hình ảnh tăngđơ cho thấy: Tăngđơ bị đứt tại vị trí có tiết diện chịu lực nhỏ nhất là hợp lý. Tuy nhiên có vẻ như khi thi khoan lỗ tăngđơ này, đơn vị thi công dùng gió đá để khoét lỗ chứ không phải khoan lỗ. Nếu thực sự dùng gió đá để khoét lỗ là hoàn toàn sai về kỹ thuật, vì khi sử dụng gió đá, toàn bộ thép tại vị trí này bị gia nhiệt biến thành gang nên rất giòn, không còn dẻo và chịu lực tốt như thép được. Tóm lại theo tôi, nguyên nhân là do khoét lỗ tăngđơ chịu lực bằng gió đá, gây giảm độ chịu lực tại tiết diện này. Nếu đúng kỹ thuật thì phải khoan lỗ...” - Bùi Văn Tuấn: evn2005@yahoo.com
“Nhìn góc độ nghề nghiệp, tôi thấy con ốc này được gia công một cách cẩu thả bằng vật liệu sắt rẻ tiền. Trong khi cả một cây cầu đồ sộ như thế và bị cộng hưởng bởi đám đông thì chuyện sập là chuyện đương nhiên rồi. Đây rõ ràng là do lỗi thiết kế hoặc thi công phải chịu trách nhiệm” - Nguyễn Anh Vũ: nguyenanhvu@gmail.com
“Chính xác là vậy! Tôi là kỹ sư kết cấu. Từ khi xảy ra vụ này tôi đã nghĩ tới nguyên nhân là do tăngđơ, dây cáp được thi công không đúng thiết kế được duyệt. Còn trường hợp cộng hưởng không thể xảy ra. Theo tôi nghĩ, cơ quan giám sát có lẽ là lơ mơ, chẳng biết gì nên nghiệm thu đại cho xong việc? Thực tế ốc neo tăngđơ không đảm bảo cường độ do tk quy định trong thiết kế. Chờ xem kết luận của cơ quan chức năng nhé (tuy nhiên chắc cuối cùng thì cũng kết luận chung chung, sao cho không có bên nào chịu trách nhiệm chính - Xin lỗi kiểu VN mà!)” - Phạm Việt Tâm: hoapht@gmail.com
“Nhìn chiếc ốc tăngđơ họ gia công dùng mỏ khò thổi ở giữa, vậy sao chẳng đứt. Mình làm nghề gia công cơ khí, nhìn biết ngay mà. Ốc gia công không đúng tiêu chuẩn rùi, cần gi phải điều tra tốn tiền thuế của dân. Chán!” - Bui Bac: buibac87@gmail.com
“Nhìn cái ốc là biết chất lượng quá kém rồi. Hơn nữa cây cầu được làm chưa đúng chỉ tiêu chất lượng. Mọi người đừng đổ cho người dân đi quá tải trọng, ai làm trong ngành kỹ thuật cũng đều hiểu bất kỳ một sản phẩm nào tương tự cũng đều phải có một hệ số an toàn nhất định. Không những thế cây cầu này có tính chất ảnh hưởng rất cao đến mạng sống những người lưu thông, nên cần phải được tính toán đặt một hệ số an toàn rất cao. Nếu tải trọng ghi là 1,5 tấn thì ít nhất tải trọng có thế phá hỏng cây cầu cũng phải ở mức 5 tấn. Như vậy là đủ biết cây cầu được thi công quá ẩu. Nên xem xét lại trách nhiệm đơn vị thiết kế và thi công” - Phương: mptb85@yahoo.com
Lo biết mấy những cây cầu…
Đã có bao hồi chuông cảnh báo được gióng lên về nguy cơ được nhìn thấy trước từ những cây cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa như cầu Chu Va 6. Để rồi dư luận lại vẫn phải lo thay cho những con người hàng ngày phải “đánh cược” số phận với những cây cầu “dọa sập” bất cứ lúc nào!
“Huyện Tam Đường là chủ đầu tư cầu Chu Va, việc thiết kế, thi công, bảo trì theo quy trình nào??? Nhìn ảnh chụp hệ thống neo cáp khô gỉ, mảnh vỡ như gang thép… Đa Hội ấy? Chắc chả có ai kiểm tra hóa, lý của bộ phận quan trọng này? Cầu bị đứt gãy là chuyện sớm hay muộn thôi. Hãy kiểm tra và thay thế chi tiết này của hơn 30 cây cầu treo khác tại Lai Châu khi cầu Chu Va đã cảnh báo sớm. Hy vọng không lặp lại như tai nạn do xe khách thường gây ra mà chẳng nhà xe nào chịu rút kinh nghiệm!!!” - Nguyễn Trung Chính: trungchinhhd@yahoo.com
“Đang thực tập ở đây, nghe mà hoảng hồn! Không thể treo tính mạng của người dân trước cửa tử thần như vậy được, các cấp chức năng nên rà soát và xây dựng lại cẩn thận ngay đi thôi” - Nông Văn Việt: vietlaocai0105@gmail.com
“Cầu cho khu vực miền núi thì dài và cũng chỉ cần tải trọng thấp thôi bạn. Vấn đề là cần làm rõ thiết kế cầu là tăngđơ hay là bulông cường lực? Do nhà thầu tự ý thay đổi hay do khâu thiết kế, thẩm tra. Theo ý kiến chủ quan của mình thì sẽ có trách nhiệm của bên giám sát ở đây, vì để nghiệm thu đưa vào sử dụng cần phải có biên bản do tư vấn giám sát và chủ đầu tư ký” - Việt Dũng: vietdungtl@gmail.com
“Tôi đi Yên Bái cũng qua các cầu treo, thấy làm cầu mất nhiều tiền mà bảo dưỡng hầu như không có…Thiết bị nhìn hoen ố, trông đau xót quá! Còn có nhiều cầu đe dọa sập nữa đấy, vì không ai chịu trách nhiệm bảo dưỡng cả. Chỉ chết dân thôi!” - Tran Ba Cuong: songngoc20022007@gmail.com
“Quá đau xót cho những người dân vô tội. Nếu cứ thế này không biết mình có bị như vậy không vì mình ở Lào Cai, cạnh Lai Châu thôi và cũng thỉnh thoảng đi qua Lai Châu lên Điện Biên. Khỏi điều tra làm gì, cứ đi vòng quanh các vùng miền núi mà kiểm tra lại các công trình giao thông đi. Tôi được chứng kiến 1 đơn vị làm đường QL70 nay là AH14, có 0,5km đổ bê tông cống mà các anh nhà thầu đã tiết kiệm được 4 tấn ximăng để bù vào tiền xăng xe, thuốc nước....Nếu tính vài trăm km cống bê tông thôi, không biết họ tiết kiệm được bao nhiêu. Chỉ có công trình đường liên thôn là ổn nhất, dân làm, dân giám sát, léng phéng là ăn biên bản + trói lại gọi CA ngay. Sức mạnh quản lí của người dân vẫn hơn các anh cán bộ nhiều lắm” - Tuấn Phong: maichung4569@gmail.com
Dẫu sao thì bước đầu cũng đã xác định được “thủ phạm”, còn hơn là quả bóng trách nhiệm cứ được đá qua đá lại. Vấn đề quan trọng nhất theo ý nguyện của nhiều người dân là: sửa chữa sao cho đảm bảo an toàn trước, quy trách nhiệm sau!
Khánh Tùng