Không về quê với bố mẹ, sao gọi là Tết sum vầy?

Minh Việt

(Dân trí) - "Các bạn có nghĩ bố mẹ ở nhà cũng chỉ mong chờ Tết để được gặp con cháu đông đủ không? Liệu các bạn gặp bố mẹ được mấy lần nữa?"

Tết là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, là dịp đại gia đình sum họp. Không nên vì ngại tốn kém, mệt mỏi nọ kia mà không về quê đón Tết cùng bố mẹ già. Đừng "vật chất hóa" ngày Tết, đừng để việc không về quê ăn Tết trở thành thói quen.

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc, phản hồi về bài viết "Có nhất thiết, cứ Tết là phải về quê?"của tác giả Trà My được đăng trên Dân trí gần đây.

Theo bạn đọc Bông Xu: "Không có luật nào yêu cầu việc phải về sum họp với gia đình, bố mẹ dịp Tết. Chỉ là không hiểu trong tâm can bạn sẽ cảm thấy thế nào khi bạn đang vui vẻ ở một nơi nào đó trong khi bố mẹ bạn (thậm chí chỉ còn một mình) đang lủi thủi đơn độc, buồn tủi đón Tết ở nơi mà bạn đã sinh ra và lớn lên?"

Tán thành quan điểm về quê ăn Tết, bạn đọc An Chu cho hay: "Cứ nghĩ thế là tiên tiến, phát triển à. Người nước ngoài họ cũng rất muốn về bên gia đình những dịp cuối năm. Đừng vì khó khăn mà muốn bỏ đi những văn hóa tốt đẹp của dân tộc".

Không về quê với bố mẹ, sao gọi là Tết sum vầy? - 1
Tết là truyền thống văn hóa tốt đẹp, nên không nên câu nệ chuyện vật chất, quà cáp

 "Làm cả năm bận rộn chỉ có Tết là dịp để về thăm bố mẹ, anh em, họ hàng nếu không có Tết chắc là bán quê luôn ấy chứ ! Rồi những người đi làm ăn xa về gặp mặt nhau!", độc giả Quangphu Wit chia sẻ.

Bạn đọc Đặng Quốc Bảo bày tỏ, "Các bạn có nghĩ bố mẹ ở nhà cũng chỉ mong chờ Tết để được gặp con cháu đông đủ không? Liệu các bạn gặp bố mẹ được mấy lần nữa? Hãy nhớ rằng bố mẹ luôn luôn mong con cháu về chơi vì tình cảm gia đình không phải vì đống quà cáp của bạn. "Mỗi dịp Tết về là phải chuẩn bị cả chục suất quà để biếu bố mẹ, cô dì chú bác… rồi cả sấp tiền mừng tuổi", có "sĩ" không?"

Bạn đọc Cam Kien cho rằng, mọi thứ đều do con người đặt ra, cho nên tùy từng trường hợp, hoàn cảnh mà tính toán, cân nhắc cho phù hợp, chứ cứ vì cái Tết mà phải gồng mình lên thế này, thế kia thì Tết là khổ chứ vui gì. Nhiều người cứ Tết là làm màu làm mè, về quê khoe mẽ với làng xóm, trong khi cả năm chưa chắc đã quan tâm tới cha mẹ.

Cùng chung ý kiến, bạn đọc Khac Nguyen bày tỏ: "Hãy đơn giản nghĩ Tết là sum vầy, đoàn viên. Các thành viên ngồi lại với nhau, nhâm nhi chén rượu xuân, kể năm, ba câu chuyện vui... Với những cách tiếp cận khác nhau thì sẽ có những áp lực khác nhau thôi mà... Tết về quê là vui lắm..."

"Quan trọng là bố mẹ cần gì và nghĩ gì, không có đúng sai ở đây mà tùy từng gia đình, từng hoàn cảnh để quyết định. Chúng ta cũng nên đơn giản việc về quê thăm bố mẹ, đôi khi bố mẹ chỉ cần con cháu có mặt là vui và hạnh phúc rồi. Quà cáp cho bà con hàng xóm để nở mặt nở mày cũng chỉ là sĩ diện, có thì tốt không có cũng chẳng sao vì cái chính là chúng ta về với bố mẹ," Bạn đọc Thành Long chia sẻ.

Bạn đọc Nguyễn Lộc thẳng thắn giãi bày: Người già chỉ cần thấy con cháu sum vầy là vui rồi. Còn việc tiệc tùng bia rượu là do ý thức của từng người mà thôi, đã là "bợm nhậu" thì không có Tết cũng cứ nhậu. Vị độc giả này cho rằng, "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi cảnh" nhưng nếu có điều kiện chắc hẳn ai cũng muốn về quê ăn Tết. Còn khó khăn quá thì ông bà, cha mẹ cho dù buồn nhưng cũng thông cảm cùng con cháu...Vì thế chúng ta đừng đặt câu hỏi có nên về quê ăn Tết hay không? Có người cứ lo làm ăn đến khi cha mẹ già đau yếu, cứ tưởng gửi tiền về là xong, vậy ai ở nhà chăm sóc, trực bệnh viện? Lúc này Zalo, Facebook, Viber có trực thay được không?

"Có thể áp dụng cho tình thế khó khăn của năm nay thì được chứ nếu để suy nghĩ đó trở thành thói quen thì không nên. Nói như vậy thì làm gì còn truyền thống gì nữa, làm gì còn ý nghĩa của "Tết cổ truyền" nữa. Nếu việc chuyển tiền banking, nói chuyện với bố mẹ qua Zalo, Facebook có thể thay thế được việc gặp mặt sum vầy, ăn với bố mẹ một bữa cơm thì xã hội này làm gì còn con người nữa, biến thành robot hết rồi," bạn đọc Nguyễn Hương Quỳnh bình luận.

Theo bạn đọc Tuannam, "Tết luôn là truyền thông văn hóa tốt đẹp của Dân tộc. Người ta thường nói Vui như Tết, nhưng xã hội càng phát triển thì phú quý sinh lễ nghĩa, Tết vì thế cũng trở nên thương mại hơn, chẳng hạn như thể hiện ở biếu xén, rồi lì xì… với các dụng ý khác nhau.

Bạn đọc Manhcongbui nêu quan điểm "Đừng đổ lỗi cho Tết, đừng vật chất hóa cái Tết, cách chúng ta ăn Tết, nghỉ Tết thế nào thì nó thế đó. Không nên cho rằng, cứ không có điều kiện kinh tế thì là không có Tết hoặc Tết kém ý nghĩa hơn. Có điều kiện thì về quê được là cái tốt, còn không nên quá câu nệ về quà cáp để cho đẹp mặt nọ kia. Chả bố mẹ nào chê con còn thiếu thốn, khó khăn cả. Cứ nghĩ mình không có điều kiện vật chất về Tết là tự ti đó. Còn tình yêu thương thực sự với gia đình, với người thân yêu thì không cứ phải có quà cáp mới được ghi nhận. Với tôi, tết vẫn giữ vẹn nguyên ý nghĩa văn hóa tốt đẹp và thiêng liêng".