Bạn đọc viết
Không nên hình thức, phô trương lãng phí
Mấy năm gần đây, những chiếc bánh chưng, bánh dầy dâng Tổ hay đòn bánh phồng tôm hoặc tô hủ tiếu kỉ lục được xác lập không mang niềm vui đến cho công chúng mà trái lại đều bị phê phán là mắc bệnh hình thức, phô trương lãng phí và danh hão
Hàng chục trai tráng mướt mồ hôi khiêng bánh chưng lên núi
Sáng mồng 6 Tết Nguyên đán Bính Thân vừa rồi, Hiệp hội Du lịch Nghệ An, Sở VH-TT-DL tỉnh Nghệ An, Công ty CP Sài Gòn Kim Liên và các đơn vị phối hợp tổ chức lễ dâng cặp bánh chưng tri ân bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mỗi chiếc bánh chưng có kích thước 1m x 1m x 40cm với trọng lượng 350kg bao gồm nếp, đậu, thịt… Ban tổ chức đã huy động 30 đầu bếp lành nghề, sử dụng hàng trăm chiếc lá dong kết thành tấm lớn và nấu trong chiếc nồi chuyên dụng liên tục trong 2 ngày.
Cùng với chiếc khung sắt bảo vệ khi khiêng thì mỗi chiếc bánh chưng có trọng lượng hơn 5 tạ. Để đưa bánh lên khu mộ trên đỉnh núi phải vượt quãng đường dốc khoảng 1km với hơn 200 bậc đá. 40 thanh niên trai tráng được giao nhiệm vụ này.
Nói về cái sự hoành tráng thì không thể gì sánh hơn nữa.
Nghệ An đã thay mặt cả nước thực hiện một nghĩa cử rất đáng trân trọng: Dâng hương, dâng bánh lên mộ người Mẹ đã sinh ra người con vĩ đại của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình cảm ấy thật thiêng liêng.
Nhưng điều khiến dư luận băn khoăn là liệu có nhất thiết phải dâng lên mộ Bà cặp bánh chưng nặng đến 7 tạ không? Kích thước, trọng lượng chiếc bánh khổng lồ có phải là khuôn thước để đo lòng thành kính đối với tiền nhân?
Những người khởi xướng làm cặp bánh “kỉ lục” này chắc chắn sẽ lập luận rằng đây là sự bày tỏ niềm kính trọng, biết ơn đối với thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc…Vâng, điều đó không sai nhưng không cứ phải thật to mới tỏ được lòng kính trọng, mới thể hiện được đạo lí uống nước nhớ nguồncủa dân tộc. Cha ông mình tự ngàn xưa không phích phung phí. Bác Hồ cũng như thân mẫu Người, sinh thời đều sống giản dị, khiêm tốn và tiết kiệm. Lời dạy của Người vẫn còn văng vẳng bên tai. Vậy mà…
Theo dõi phản ứng của bạn đọc khi thông tin này khi được đăng tải lên mặt báo, tôi thấy hầu hết mọi người đều không đồng tình với việc làm một cặp bánh chưng khủng như vậy. Chỉ cần những cặp bánh chưng kích cỡ như truyền thống để dâng Người là đủ. Còn nếu muốn “chia lộc” đểnhiều người được hưởng sau khi làm lễ cúng bái thì chừng ấy nguyên liệu có thể gói được 2000 cái, mỗi người được tặng một cái mang về cả nhà cùng hưởng lộc có phải là đáng trân trọng hơn không?
Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của nhà văn Nguyễn Quang Vinh trong Shop tin trên Infonet ngày hôm nay, mồng 8 Tết: “Điều mà Nghệ An nên làm là trước hương khói Bà Hoàng Thị Loan, hứa với vong linh bà, vong linh Bác, từ năm sau Nghệ An sẽ cố gắng cho nhân dân đủ ăn, không phải xin gạo cứu trợ của Nhà nước, một lời hứa mộc mạc thế thôi cũng đã là một nghĩa cử đẹp với người đã khuất”. Các nhà tổ chức, các vị lãnh đạo địa phương có nghĩ đến điều này?
Mấy năm gần đây, những chiếc bánh chưng, bánh dầy dâng Tổ hay đòn bánh phồng tôm hoặc tô hủ tiếu kỉ lục được xác lập không mang niềm vui đến cho công chúng mà trái lại đều bị phê phán là mắc bệnh hình thức, phô trương lãng phí và danh hão. Tại sao dư luận phản đối mà người ta vẫn cứ làm? Không thể vin vào cái cớ xã hội hóa, tôi bỏ tiền ra thì tôi muốn làm gì thì làm nhằm mục đích quảng cáo cho nhà tài trợ. Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch có trách nhiệm gì trong việc này? Cần lắm một chế tài để cho các hoạt động lễ hội đi vào nền nếp, văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc, hồn cốt của dân tộc.
Nguyễn Duy Xuân