Khi cô giáo "sốc"!

Nhật Linh

(Dân trí) - "Chúng tôi cho con học trường tư nên tiền đóng học phí cũng chính là tiền thuê các cô dạy con mình. Cô khiến chúng tôi không yên tâm nên tôi nghĩ cần phải đề nghị ban giám hiệu đổi giáo viên toán!"

Đó có lẽ là câu nói gây sốc nhất tại buổi họp phụ huynh tại lớp con tôi cuối tuần vừa rồi!

Tôi đồng quan điểm với tác giả bài viết https://dantri.com.vn/dien-dan/cam-on-co-giao-ve-ban-nhan-xet-day-loi-cua-con-toi-20210117103719020.htm bởi trong xã hội trọng hình thức và thành tích ngày nay, việc con cái chúng ta được nhận những điểm số đúng với năng lực và những lời nhận xét chi tiết như vậy quả là đáng quý.

Quý bởi "sự thật mất lòng", cô yêu thương và quan tâm đến con thì mới thẳng thắn để phụ huynh nắm bắt được tình hình học tập và sự thay đổi tâm sinh lí của con để cùng có sự hợp tác, giúp con vượt qua giai đoạn này.

Tuy nhiên, cũng chính bởi việc trọng thành tích nên nhiều người không nhận ra điều đó mà quay ngược lại chỉ trích, phê bình cô giáo, cho rằng cô trình độ kém nên dạy học sinh không được điểm cao; cô không ưa con nên tìm mọi cách chê bai, phạt con bằng hình thức này hay kỷ luật bằng lí do khác.

Đơn cử như tại buổi họp phụ huynh cách đây 2 ngày tại lớp con tôi (trường tư thục), sau khi cô giáo kết thúc phần phát biểu của mình thì một số phụ huynh liền ý kiến rằng: "Năm ngoái con tôi ở trường cũ kết quả môn toán rất tốt mà không hiểu sao năm nay lại kém hẳn đi như vậy, cô giáo nên xem lại cách dạy, giáo án dạy và cách truyền đạt cho các con đi!", người khác thậm chí còn "sỗ" hơn: "Chúng tôi cho con học tư thục nên tiền đóng học phí cũng chính là tiền thuê các cô dạy con mình. Cô khiến chúng tôi không yên tâm nên tôi nghĩ cần phải đề nghị ban giám hiệu đổi giáo viên toán cho lớp ta"…

Khi cô giáo sốc! - 1
Hình minh họa

Khoan chưa bàn đến cách cô dạy và trò học như thế nào, trước tiên tôi thấy việc phản ứng của những vị phụ huynh này đã mang tính chất "thị trường hóa" môi trường giáo dục, thiếu đi tính "tôn sư trọng đạo", không có sự tôn trọng giáo viên của con mình.

Có thể họ cho rằng, bỏ ra số tiền gấp 5, 6 lần ở trường công thì có quyền ra yêu sách, đòi hỏi giáo viên phải dạy con mình thành giỏi, mà quên mất rằng việc học của các con cần sự phối hợp đồng đều giữa gia đình - nhà trường và giáo viên.

Tôi cam đoan rằng không một ngôi trường nào dám tự tin khẳng định với phụ huynh rằng: chỉ cần đóng ngần này tiền vào đây, chúng tôi đảm bảo sẽ khiến con các vị thành những nhân tài với điểm số cao chót vót mà các vị không cần phải quan tâm kèm cặp chúng nữa!

Nếu có ngôi trường như vậy, tôi sẽ không bao giờ gửi con vào đó, bởi họ đã quá coi thường cái nôi giáo dục của gia đình với các con; và họ coi thường vai trò, trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Tất cả bởi lý do: chỉ khi có sự phối kết hợp thường xuyên thì các con mới phát triển toàn diện được!

Hãy lấy một ví dụ nhỏ để dẫn chứng cho việc này: có thể bạn bỏ ra vài triệu/buổi để mời 1 giáo viên piano tầm cỡ quốc tế để dạy cho con mình, 1 tuần/ buổi. Rõ ràng là giáo viên rất giỏi rồi, nhưng nếu ngoài buổi học với giáo viên mà bạn không động viên, khích lệ con tập luyện hàng ngày thì con không thể giỏi được, không thể yêu cầu con chơi thuần thục như những bạn nhỏ hàng ngày tập đều đặn, chăm chỉ.

Xin trở lại câu chuyện về buổi họp phụ huynh ở lớp con tôi, sau khi một vài vị phụ huynh có ý kiến như vậy, cô giáo đã rất sốc và nếu không phải là một người bản lĩnh, tôi nghĩ cô sẽ phải bật khóc mà chạy ra khỏi lớp. Cũng may nhiều vị phụ huynh khác đã đứng lên chia sẻ những tâm sự rất thật của mình để cảm ơn cô giáo, nhờ cô rèn giũa uốn nắn mà các con đã thay đổi rất nhiều: từ sự cẩu thả, nóng vội, cho đến thói quen làm toán là bắt buộc phải có quyển nháp bên cạnh…

Một vị phụ huynh khác chia sẻ về kinh nghiệm phối hợp giữa giáo viên và gia đình để các con đạt được kết quả tốt hơn: "giai đoạn nào gia đình tôi sát sao bằng cách thường xuyên hỏi han cô tình hình của con và về nhà hỗ trợ con học, thì con tiến bộ lên trông thấy; ngược lại có giai đoạn bố mẹ bận quá sao nhãng việc học của con, i như rằng cô nhắc nhở rằng đợt này con đang bị yếu về kỹ năng nào đó.

PH nào thấy con đang yếu, tôi nghĩ hãy thử thay đổi bằng cách hãy đồng hành cùng con khi ở nhà, hỗ trợ con khi làm bài tập khó và thường xuyên hỏi han cô tình hình của con trên lớp. Các cô giáo đều rất nhiệt tình và nắm bắt được vấn đề của các con. Chúng ta không nên đổ mọi vấn đề về phía cô giáo và nhà trường bởi môi trường giáo dục nào cũng cần sự phối hợp đó".

Trước khi định chỉ trích, đổ hết lỗi cho giáo viên, tôi nghĩ phụ huynh chúng ta hãy bình tâm và khách quan để tự nhìn lại cách mà mình đang đồng hành cùng con. Con trẻ như cây còn non, cần sự dạy dỗ, uốn nắn của gia đình là trước tiên, sau đó mới tới nhà trường, giáo viên. Nhà trường cho trẻ môi trường giáo dục về tri thức, một phần kỹ năng; còn gia đình chính là cái nôi dạy dỗ trẻ thành người thành công hay thất bại!

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy cùng chia sẻ ở khung bình luận bên dưới, hoặc gửi về địa chỉ: diendan@dantri.com.vn nhé!