Để trẻ "ngơ ngác" sống, lỗi tại ai?

Khả Vân

(Dân trí) - Chẳng có chuyên gia tâm lí, giáo dục nào tốt bằng chính những người làm cha, làm mẹ như chúng ta, quan trọng là chúng ta lựa chọn cách như thế nào mà thôi

Đọc bài viết Ngơ ngác sống của tác giả Minh Vân, tôi thấy hiện nay bạn và nhiều người đang quá ỉ lại vào các thầy cô giáo và chương trình dạy kỹ năng sống, đạo đức trên trường mà quên đi mất vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách, đạo đức của một đứa trẻ là từ cái nôi giáo dục của gia đình.

Theo tôi, việc định hướng, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ thì phụ huynh phải là người đóng vai trò chính và quan trọng nhất. Bởi việc hiểu rõ tính cách, sở trường, sự khác biệt về khả năng, cũng như điểm yếu, hạn chế của con thì cha mẹ sẽ là người rõ nhất. Từ đó, sẽ có sự định hướng phát triển những ưu điểm, thế mạnh của con; hay có kế hoạch để cùng con thay đổi, sửa chữa những yếu điểm, hạn chế.

Hơn nữa, đứng trước thực tế yêu cầu chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, đòi hỏi mỗi gia đình phải hiểu con em mình thì mới giáo dục được trẻ. Kế đến mới là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Sự phối hợp này thể hiện ở sự sát sao, chủ động từ phía gia đình, đó là: chủ động gặp giáo viên thông qua các buổi họp định kỳ hoặc đột xuất để trao đổi tình hình của con và mong muốn phía giáo viên, nhà trường có thêm biện pháp phối hợp.

Để trẻ ngơ ngác sống, lỗi tại ai? - 1
Hãy cho trẻ cùng tham gia nấu cơm, làm việc nhà với bố mẹ từ nhỏ, thay vì cho chúng "quyền" được xem tivi, điện thoại

Việc tăng cường sự gặp gỡ giữa giáo viên và gia đình để sớm nắm bắt tình hình, tìm ra những giải pháp thiết thực nhằm ngăn ngừa tiêu cực xảy ra với con trẻ; hay cùng phát hiện ra những điểm mạnh của con để có sự đầu tư, bồi dưỡng từ sớm… Từ đó tạo cho trẻ niềm tin, bước vào một quá trình "học ăn học nói, học gói học mở" rồi đến "tiên học lễ, hậu học văn".

Bên cạnh đó, tôi cũng thấy nhiều người than thở rằng: "Con tôi chẳng biết làm việc gì hết", rồi "đi học về là nó lại cắm đầu vào ti vi, ipad, điện thoại, chẳng chịu nói chuyện gì với bố mẹ cả. Bố mẹ muốn biết tình hình của con cái lại phải hỏi qua bạn bè chúng hoặc thầy cô"… Tôi thấy thật khó cảm thông và chia sẻ với những điều này.

Thay vì để chúng làm những việc mà bạn thấy là vô bổ như vậy, tại sao không thử "lôi kéo" chúng vào giúp đỡ bố mẹ trong việc chuẩn bị bữa cơm tối. Mẹ thái thịt, con nhặt rau, vo gạo… trong khi cùng làm việc nhà mẹ con sẽ cùng nhau thủ thỉ câu chuyện vui ở cơ quan hay trường học, giả vờ đưa ra một số tình huống khó xử mình chưa biết phải làm sao để xem con sẽ "gỡ rối" cho mẹ như thế nào… biết đâu với tư duy trẻ trung, vô tư, chúng sẽ cho ta được một lời khuyên hữu ích thì sao.

Những việc này phải và nên làm từ khi chúng còn nhỏ, để tạo thành một nền nếp và thói quen trong gia đình rằng, khi bố mẹ làm việc nhà không có lí gì mà con được ngồi chơi, hưởng thụ như vậy cả. Một công việc mà cả gia đình cùng tham gia, ta sẽ thấy được giá trị của sức mạnh tập thể, niềm vui khi làm việc tập thể, cách san sẻ và gắn kết yêu thương khi cùng chia sẻ việc nhà với các thành viên trong gia đình.

Và sau đó, không tiếc gì mà chúng ta không dành cho chúng những lời khen ngợi, để chúng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc vì được giúp mẹ làm việc nhà, cho mẹ được một lời khuyên "dễ thế mà mẹ không biết à"… Một công đôi việc, chỉ cần bạn biết khéo léo sắp xếp, kết hợp thì đây chính là cách đơn giản để kết nối tình cảm với con cái và cũng là cách để dạy chúng làm việc nhà, những kỹ năng từ đơn giản nhất đến phức tạp để tự lo cho mình.

Chẳng có cách giáo dục nào tốt hơn là cha mẹ là hãy tìm mọi cách để con cái được gần gũi, trò chuyện, chia sẻ với mình. Chẳng có chuyên gia tâm lí, giáo dục nào tốt bằng chính những người làm cha, làm mẹ như chúng ta, quan trọng là chúng ta lựa chọn cách như thế nào mà thôi.

Và để lựa chọn được cách nào tốt nhất, thì việc quan trọng nhất là phải liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức thường xuyên để nắm bắt được xu thế học tập, phát triển của xã hội… để đưa ra được những lời khuyên, lựa chọn hợp lí cho con cái của mình, để làm bạn được với chúng, để chúng khỏi "ngơ ngác" trước cuộc sống đầy cám dỗ này…

Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Hãy gửi ý kiến của mình tại khung bình luận bên dưới nhé!