"Hội chứng xe chính chủ" vẫn ám ảnh người dân

(Dân trí) - “Hội chứng xe chính chủ” vẫn giữ nguyên tính thời sự dù cụm từ “Nghị định 71” mới nổi lên trước bàn dân thiên hạ được có một tuần. Vài lá phiếu NÓI CÓ của bạn đọc lập tức bị nhấn chìm xuống tận đáy bởi bao đợt sóng NÓI KHÔNG trào dâng ào ạt.

Cảnh đìu hiu tại chợ xe máy cũ Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội (ảnh Nam Hưng, Giadinh.net)
Cảnh đìu hiu tại chợ xe máy cũ Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội (ảnh Nam Hưng, Giadinh.net)

 

Tốt nước sơn hay tốt gỗ?

 

Những ý kiến ủng hộ đó, theo nhận xét của chúng tôi, là đều cho mục tiêu đúng đắn mà nếu chúng ta làm “sao y bản chính” được như vậy thì quá tốt và quá đáng để làm. Song điều đáng nói ở đây là nhìn chung các quy định luật tốt, nhưng cách thực hiện ở VN ta lâu nay đã làm cho những cái tốt bị biến dạng đi rất nhiều. Mà nơi để người dân nhìn vào và noi theo thì thường lại chính là nơi khởi phát những chuyện làm ngược lại quy định (việc chính không chú trọng, chỉ lo xử phạt. Mà phạt cũng chưa nghiêm,  tình trạng vòi vĩnh đòi tiền “lót tay” rất nhiều tới mức thành “chuyện thường ngày ở huyện”…)

 

Vậy nên hiểu tốt được như những độc giả có lẽ chỉ nhìn từ mặt phải của vấn đề dưới đây, từ phía người dân chẳng có được mấy người:

 

“Mình thấy luật này có từ rất lâu, chỉ là trước đây không thực thi gắt gao và hầu như áp dụng rất ít, khiến cho người dân thiếu hiểu biết pháp luật. Thật ra quy định luật như vậy là đúng, chỉ là tăng hình phạt để cho người dân biết mà ý thức chấp hành luật. Chẳng có gì sai trái cả…” - Long Tran:  tranlon1234@yahoo.com

 

“Tôi đề nghị tìm hiểu và nhìn nhận cho đúng tinh thần và thực chất cũng như từ ngữ được sử dụng trong Nghị định 71. Không nên cố tình hiểu sai bản chất, sai từ ngữ... Làm gì có chuyện phạt xe không chính chủ. Nghị định là đúng, có bàn luận và chỉ là liệu mức phạt có cao quá không thôi…. Không nên cố tình hiểu sai. Việc chứng minh xe không chuyển quyền sở hữu là do lực lượng CA chịu trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm trước quyết định xử lý hành chính của mình (không nhất thiết là phải gây tai nạn hay đưa về trụ sở CQ mới xác minh được). Nếu thấy bị xử lý sai, người dân có thể khởi kiện... Tôi thấy thế là rất chặt chẽ. Vì vậy nếu chưa đủ cơ sở thì không CSGT nào dám xử lý lỗi không chuyển quyền sở hữu.... Chỉ vì lợi ích nhỏ của mỗi người mà tự mình cố tình hiểu sai là không nên. Tôi thất vọng quá. Đúng là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.... Buồn!!!” - Trần Huy Quang:  quancana@gmail.com

 

“Mình thấy luật này cũng không có gì là gây phiền phức lắm đâu. Có nhiều mặt lợi cho an ninh xã hội mà. CA cũng đâu có phạt ai đi xe của cha, mẹ, anh chị em trong nhà đâu, mọi người có khi hiểu nhầm đấy. Nguồn gốc chiếc xe rất khó phát hiện khi đi những xe bị ăn cắp, họ thay đổi biển và làm giả đăng kí xe. Những xe đó bị thu cũng xứng đáng mà. Chỉ cần mọi người bỏ ra chút thời gian nếu mua xe của họ hàng, thủ tục cũng nhanh mà. Kể ra nếu cơ quan CA mà làm thêm ngày thứ 7 và chủ nhật để phục vụ việc thay tên đổi chủ xe thì tốt, đừng lại nhân dịp này mà thu tiền thêm của dân, không gây phiền toái thì dân ủng hộ thôi. Nếu họ lạm dụng để mà thu thuế này, thuế kia thì cũng rất mong báo chí và mọi người “ném đá” - Võ Linh:  volinh83@gmail.com
 

E hèm…Nói cứ như... văn bản ấy! Sự thực mà đúng thế thì dân tình họa là…đầu óc có vấn đề mới vô cớ hoang mang, lo sợ, bàn tán xôn xao, phản ứng dữ dội. Mà có lẽ nào các tác giả Nghị định 71 cũng như số ít người vẫn “lội ngược dòng” dư luận cố bênh vực cho phần đúng được đa số ví chỉ như phần nổi của tảng băng trôi, lại không nhìn rõ mặt bên kia của vấn đề lớn hơn gấp bội nhưng như phần chìm của tảng băng, mà phàm đã là dân ai cũng thấy vô cùng rõ?

 

Nhiều bất cập đã được chúng tôi trích đăng trong loạt bài tổng hợp phản hồi của bạn đọc suốt mấy ngày qua rồi. Lần này, xin giới thiệu tiếp loạt ý kiến phản ứng với mức phạt cũng như vì sao "hội chứng xe chính chủ" vẫn như bóng ma ám ảnh người dân ghê gớm thế.
 

“Người dân Việt Nam sao khổ quá, mỗi tháng đâu kiếm được trên chục triệu như các cán bộ mà bị đe phạt khủng khiếp thế? Theo tôi, vụ này thể hiện rõ quan điểm của các vị ấy là không cần cân nhắc giữa lý trí với tình người gì hết, chỉ biết làm mọi cách thể hiện mình... bất chấp nỗi khổ của bao người vất vả suốt 30 ngày mới kiếm được số tiền chưa chắc đã đủ chi dùng cho một tháng” - DungNV:  dungnv55@yahoo.com.vn

 

“Mức phạt thật là khủng khiếp, chỉ bị phạt 2 lần như vậy là đi toi tháng lương. Mà họ có rất nhiều lí do để phạt, và nghe đâu họ còn đề ra "doanh thu" 1 ngày là phải phạt bao nhiêu thì phải? Kiểu này dân chết là cái chắc. Các nước khác lực lượng chức năng lo hướng dẫn hoặc cảnh cáo là chính, ít khi phạt những lỗi… vớ vẩn như thế này. VN nghèo mà phạt kinh khủng. Đúng là quýt làm cam chịu!” - Nguyễn Văn Chiến:  chiennv3142@gmail.com

 

“Rất nhiều bình luận của độc giả cũng như ý kiến chung của đa số người dân là chính xác. Dù có thêm những quy định luật về xử phạt, chắc chắn vẫn không tăng thêm nhiều cho ngân sách nhà nước. Mà tình hình tham nhũng, làm "luật", hành dân của 1 số cán bộ chức năng chỉ càng nhiều và mạnh hơn thôi” - Huy Tung: huytung4889@gmail.com...

 
Cảnh đìu hiu tại chợ xe máy cũ Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội (ảnh Nam Hưng, Giadinh.net)
Các salon xe ôtô đã qua sử dụng “khóc đứng khóc ngồi” vì “xe chính chủ” (ảnh: VTC News) 
 

Thả cá rô,  bắt săn sắt…

 

Chính thế, nếu các ngành, các cấp chức năng luôn làm việc nghiêm túc. Luôn gương mẫu chấp hành đúng mọi quy định và luật lệ để làm gương cho người dân thì ai dám… “nhờn”. Song đã bao nhiêu vụ việc có thể ví như “con cọp tha mất con heo” thì cách xử lý chẳng đi đến đâu dù chế tài đều đã có và rất rõ ràng. Còn những vụ việc nhỏ hơn rất nhiều, chỉ như “con mèo tha miếng thịt” thì lại cứ bị viện dẫn ra hết nghị định nọ, thông tư kia…để phạt với đủ các tình tiết chỉ có tăng nặng mà không hề giảm nhẹ. Vậy chẳng phải là “thả con cá rô, bắt con săn sắt” như một bạn đọc đã nhận xét? 

 

Rồi sau khi đưa ra những quy định vô lý, bất công khiến dư luận một mặt phản ứng, mặt khác đề xuất thực thi các biện pháp hợp lý để tạo thuận lợi cho dân, thì lại thấy các cơ quan chức năng nêu hết lý do này tới rào cản khác để kêu khó, kêu quá phức tạp không thực hiện được. Trong khi những bài học kinh nghiệm của các nước bạn đâu có bị "tàng hình" mà không thấy, không tham khảo được?
 

“Cái gì làm cũng được hết. Nhưng chỉ có điều làm được, làm đúng rồi thì mấy bác nhà ta lấy gì mà... vòi vĩnh, mà hành dân, mà có nhiều tiền??? Không biết sống đến 30 năm nữa mà các chính sách "hành là chính này" có được xóa bỏ đi cho dân nhờ không? Nản quá!” - Thủy Trần:  clownfish3@yahoo.com

 

“Tôi đã từng sống tại Nga 25 năm, đã sử dụng vài chiếc xe nhưng không thấy ở đâu có cách làm như của VN ta. Bên đó mua xe có đầy đủ giấy tờ, đến đăng ký chỉ cần nộp 1 khoản lệ phí rất nhỏ + tiền biển số là anh có đăng ký xe và biển số. Còn nếu sang tên đổi chủ cũng vậy, nộp đầy đủ hồ sơ + tiền cước rất ít, tháo biển ra là OK. Cứ theo cách của VN thế này thì tôi cũng đang rơi vào tình trạng như rất nhiều đồng bào ta đấy, chẳng biết rồi sẽ ra sao nhỉ? Thật buồn!” - Nguyen PT:  nguyenpustin@yahoo.com.vn

 

“Nghị định 71 chỉ làm dân thêm khổ. Mình đang học ở Nhật. Thực ra ở đây ai mua xe cũng sang tên đổi chủ hết, chỉ có điều cách làm khác hoàn toàn với luật VN quy định. Không có chuyện phạt người đi xe không chính chủ. Nhưng vì sao ở Nhật ai cũng đổi tên khi mua bán xe? Rất đơn giản, nhà nước nghĩ cho dân, đáp ứng đúng tâm lý của dân, đồng thời gắn trách nhiệm và quyền lợi của dân vào. Thứ 1 là lệ phí chuyển sang tên đổi chủ bằng 0. Thứ 2 là khi người mua xe nếu không sang tên của mình sẽ mất quyền lợi như không có quyền bán xe đó, khi mất xe không trình báo được… Còn người bán xe mà không chuyển đổi tên sẽ rất phiền phức như: nếu xe đó vi phạm giao thông, gây tai nạn... thì người đứng tên xe phải chịu nộp phạt và chịu trách nhiệm....Vì quyền lợi và trách nhiệm của mình, người dân sẽ nghiêm túc thực hiên.  Còn những người làm ra quy định luật như thế này ở VN, tôi thấy chỉ nhìn 1 chiều và chỉ càng khiến luật của VN chồng chéo. Người ra luật chỉ biết thưc hiện, còn khó khăn dân phải gánh hết? Thật đáng buồn!” - Hikari Tran:  buocngoat05_mth@yahoo.com

 

“… Chả nhẽ cứ người dân mới bị phạt thôi ư? Tôi sống ở Hà Nội đi ra đường gặp không ít cán bộ chức năng cũng đi xe không có gương chẳng hạn (và chắc cả không “chính chủ” nữa) mà chẳng thấy bị phạt. Vậy lẽ nào chỉ có họ mới được phạt người khác, còn không ai được phạt họ nên mới như vậy? Tôi nghĩ ngành công an cũng nên quy định rõ vấn đề này, để cũng cần bắt buộc cảnh sát đi xe là phải có đủ gương, không được độ xe, xe phải đúng tên chính chủ… Như vậy hình ảnh mới đẹp được, mới chấp pháp nghiêm được.

 

Còn áp dụng quy định xe không chính chủ với dân ta, thì tôi nghĩ là rất khó. Vì người dân không có tiền nên phải mua xe cũ, có ai mà không muốn đi xe mới. Nên ngành Công an và đặc biệt là những người làm luật cũng nên nghiên cứu lại vấn đề này, để tạo thuận lợi cho người dân có phương tiện đi làm. Vài năm nữa tình hình kinh tế đất nước khá lên thì áp dụng cũng chưa muộn…Và cũng có sự mâu thuẫn giữa luật với luật: Điều luật này thì cho phép người dân một mình sở hữu nhiều phương tiện (kể cả ôtô và xe máy), nhưng điều luật khác lại không cho đi xe mà không sang tên cho chính chủ, vậy thì người dân mua xe để làm gì? Mà mỗi lần đi mượn xe lại viết giấy ủy quyền thì càng khó khăn. Cho mượn xe mà viết giấy ủy quyền thì người được ủy quyền toàn quyền cho mượn có thể bán hoặc cầm đồ, sau đó kiện cáo nhau… Tôi nghĩ sắp tới lại cũng vẫn mệt đến ngành công an phải xử lý tội phạm tăng vì tội lừa đảo phương tiện, lợi dụng lòng tin cho mượn khi được công chứng ủy quyền sử dụng. Thật là khó!!!” - Trọng:  trongduykieu@gmail.com

 

“Tôi hiện đang điều khiển xe chính chủ, lẽ ra đây là vấn đề tôi không cần quan tâm. Nhưng không phải ai cũng có thể đi xe chính chủ như tôi và tôi cũng thấy không hợp lý nên phải có ý kiến: Thứ nhất, ngay từ ban đầu tôi cũng không đồng ý với nghị định này vì thấy có quá nhiều điều chưa hợp lý và khó giải quyết. Thứ hai, ngay trong 1 bài viết có trích lời một vị giới chức nói: chấp nhận cho người dân trình bày… - tức là “vẽ đường cho hươu chạy”? Chưa chống được tham ô lại càng thêm tham ô, vấn nạn của xã hội lại có dịp gia tăng? Rốt cuộc lại thêm tệ nạn XH? Ra nghị định không thể chỉ hoàn toàn từ phía cơ quan chức năng, mà cũng cần có cả ý kiến người dân tham gia nữa. Nếu không đừng mong có được công bằng thực sự...” - Nguyễn Vũ Linh:  sanhstore@gmail.com

 

“ Tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn. Tất cả phương tiện tôi sử dụng đều chính chủ, nhưng tôi vẫn đề nghị hủy bỏ Nghị định 71. Xin ngành Công an và GTVT đừng làm mất lòng dân thêm nữa!” - Khánh:  duyankhanh@yahoo.com

 

Người dân ta bây giờ đời sống vừa nhích lên một chút, đã lại trăm nỗi lo nào cơm áo gạo tiền vẫn đang bị “bão, lốc giá” đe dọa. Nuôi con đi học thì lo đối phó với tệ lạm thu. Kiếm việc làm cho mình hay cho con cái lại lo… “chạy”. Ốm đau mà phải vào viện thì còn mắc thêm “bệnh sợ y bác sĩ” nếu không có phong bì… Thời gian dành cho công việc đã eo hẹp, giờ lại bị đẩy vào vòng xoáy kìn kìn đổ xô đi làm thủ tục sang tên đổi chủ cho Xe nữa và chắc chắn là sẽ bị “hành là chính” tiếp…???
 
Mà như thế đã hết chưa, hay mai này còn nảy sinh thêm các văn bản mới về “nhà (đất) chính chủ”, “xe quá date”…Chuyện đó có trời mà biết!!! Xe ơi, sao khổ quá vậy! Giá Xe có thể… tàng hình được cho dân VN thì tốt!

 

Khánh Tùng