Mơ về một ngày không có Xe…

(Dân trí) - Có vẻ như nhận xét của một số bạn đọc rất chí lý: Toàn thấy cái sảy nảy cái ung. Cứ thấy kinh phí, ngân sách eo hẹp ngành "nhạy cảm" nào đó, tiếp theo lại là tăng giá xăng dầu, điện nước, gas…Hoặc lại “nhảy ra” loại hình phí hay mức phạt nào đó.

Phận xe máy đã bao nhiêu đường gian khổ...
Phận xe máy đã bao nhiêu đường gian khổ...

 

Chức năng của Thuế hay Giao thông?

 

Đã 5 ngày trôi qua kể từ khi cái Nghị định 71 đó bỗng từ đâu… nhảy ra giữa bàn dân thiên hạ, khiến ai ai cũng té ngửa vì quá choáng váng. Tuy nói là nghị định đã có từ lâu, nhưng thử hỏi ngoài mấy vị làm luật và thực thi pháp luật ra, dân thường đếm được mấy người biết về nó? Nhưng choáng hơn là con số PHẠT “khủng” tưởng đâu phải với dân Mỹ hay dân Âu châu, chứ đâu phải với dân ta đa số khi ra đường chẳng có nổi tiền triệu trong ví.

 

Thế mới lại có thêm cảnh trớ trêu chẳng khác gì như “người ngoài… cười nụ, người trong khóc thầm”, dẫn tới bao lời ta thán tương tự như Lê Khánh Trình  Trinhtinhlkr0262@yahoo.com.vn thở than:

 

“Từ ngày nghị định này được ban hành, tôi thấy mọi người kêu than và phản đối rất nhiều. Nhưng xem ra cơ quan chức năng vẫn chỉ làm ngơ hoặc đưa ra những giải thích mập mờ, lảng tránh. Đúng là chẳng còn biết kêu ai nữa. Thương nhất là cho tình cảnh của đa số người dân nghèo!!!”

 

Cũng được nghe không ít lý giải “cứ như đúng rồi” về mục tiêu, lợi ích…nhưng từ góc độ những người bị “đe” phạt ở thế hoàn toàn bị động, dân không thể cứ bảo sao nghe vậy “cho nó lành” được nữa. Lợi ích nhóm thêm một lần nữa bị quy tội, bởi tiền chảy vào túi ai là chính thì đã quá dễ để thấy, để biết và để càng thêm bức xúc.

 

“Đây tiếp tục là một nghị định gây quá nhiều tranh cãi. Tôi nghĩ rằng phía công an trả lời không thuyết phục, vì đến một lúc nào đó các phượng tiện cá nhân như xe máy, ô tô quá bình thường rồi thì lúc ấy không biết các ông ấy lại còn nghĩ ra cách thức nào khác nhằm vào chiếc Xe nữa đây? Theo tôi, nghị định này chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm người chứ không mang tính phổ thông gần dân. Bởi không lẽ trong mắt công an ai cũng sẽ là người gây tai nạn, ai cũng có ý thức kém cỏi sao? Đừng lấy những mặt trái của xã hội quy chụp cho toàn dân, chỉ gây cản trở cho  người dân,  càng gây ách tắc giao  thông khi để tránh phiền hà, rắc rối, mỗi người phải cố mua cho mình một chiếc xe. Như vậy càng gây thêm thiệt hại về kinh tế cho dân…” - Đàm Văn Oanh: oanh78bn@gmail.com

 

Qua cơn hốt hoảng và kinh hãi được một chút, nhiều người chợt nhận ra thêm điều phi lý như Lê Mạnh Manhls@rocketmail.com nêu rõ:

 

“Theo tôi, không sang tên đổi chủ khi chuyển nhượng phương tiện giao thông là hành vi vi phạm luật quản lý Thuế, chứ đâu có vi phạm luật giao thông? Để chấm dứt tình trạng trên thì ngành Thuế cần phải giảm ngay mức lệ phí trước bạ quá bất hợp lý hiện nay xuống ít nhất dưới 1%, để người dân tự nguyện chấp hành mà không phải, không cần nghĩ cách đối phó, chống đối vì lý do về kinh tế. Nếu giao việc này cho CSGT sẽ tạo cơ hội nảy sinh tiêu cực, gây thêm phiền nhiễu cho dân nếu họ không vi phạm qui định về chuyển nhượng tài sản”.
 
Phận ôtô cũng một cổ mấy tròng (minh họa: DĐDN)
Phận ôtô cũng "một cổ mấy tròng" (minh họa: DĐDN)

 

Nổi chìm thân phận chiếc Xe

 

Thời khó khăn trước kia, chiếc xe đạp cũng là cả một gia tài với nhiều CBCNV và nó cũng có biển số. Trong nhiều gia đình, xe đạp được nâng niu, săn sóc, lau chùi, tra dầu mỡ, cất vào chỗ an toàn nhất…Đi xe đạp có lỡ vi phạm luật giao thông, công an thường chỉ nhắc nhở là chính (Phạt  dân cũng chẳng có tiền nộp. Còn giữ xe ư, ai nỡ? Lúc đó tình người với nhau còn giàu có lắm).

 

Thời nay thì sao, ôtô xe máy đầy đường gây ách tắc giao thông khiến ai cũng… bực bội. Nhưng nếu bảo vì thế mà ghét xe thì oan cho dân vì ai cũng biết rõ xe gánh đỡ cho con người bao nặng nhọc. Có lẽ phải nói xe bị biến thành mục tiêu thu tiền mỗi khi “anh” này, “ông” nọ thấy túi mình thiêu thiếu thì đúng hơn chăng? Bởi vì chiếc xe chẳng biết nói năng, bị quy lỗi nó đâu có cự cãi được. Chủ xe thương phương tiện của mình thì phải tìm cách “chạy tội” thay mà thôi. Và cái gọi là nỗi lo cho “con xe” cứ thế mỗi ngày một gia tăng:

 

“Mọi người dân giờ khi ra ngoài đường (kể cả bằng ô tô hay xe máy) càng cảm thấy bất an hơn, vì... chỉ sợ gặp CSGT - những người mà lẽ ra sẽ đảm bảo an toàn GT tốt hơn cho dân. Chẳng phải xã hội như vậy sẽ càng thêm phức tạp?” - Vũ Hoàng:  vu_hoang342@gmail.com

 

“Tôi đi trong đất nước của tôi, đi trên con đường quen thuộc khu phố tôi, với chiếc xe thân yêu đầy đủ giấy tờ của tôi - tôi là người lịch sự. Vậy mà chưa bao giờ tôi hết sợ cái cảm giác “phạt, phạt ...” thậm chí có thể nói là nhiều khi chẳng vì cái gì cả.  Tôi chỉ biết thở dài với những quy định càng ngày càng đậm tính hài hước. Ra đường cứ thấy màu vàng là… sợ (dù có khi chỉ là cái bạt cũng màu vàng ven đường). Sợ là phải vì gặp CSGT họ có thể phạt mình vì trăm lý do mà mình không lường hết được. Thôi, tôi cũng không dám nói dài (kẻo lại thành nói… dại),  chỉ mong có ngày nào đó đi trên đường bỗng dưng không còn cảm thấy lo lắng nữa là được. Và chỉ cầu mong các bác chức năng mai đừng ra thêm quy định nào theo "sở thích riêng" là em vui lắm lắm rồi” - Minh Hiển:  emphailayanh_mebaothe@yahoo.com

 

Tất nhiên có người nghi ngờ: không vi phạm gì đâu cần phải lo sợ? Hẳn rồi, bây giờ không vi phạm, mai kia chắc gì sự ổn thỏa  này đã là đủ với những quy định mới cứ đùng một cái thế này, đùng cái lại quay ngoắt sang thế khác.

 

“Người dân mình vốn đã khổ vì đất nước đang phát triển vẫn còn nghèo, mức sống còn thấp… Thế mà hàng ngày, hàng giờ vẫn còn bị hành bởi quá nhiều những thứ gọi là quy định vô lý (thậm chí phạm luật) từ những cơ quan quản lý, cơ quan tham mưu ra quyết định… Khổ, khổ và  khổ…” - Nam:  nam64@gmail.com

 

“Bây giờ cứ như thể ở nước mình dân phòng, công an viên… cũng là CSGT cả rồi? Càng ngày càng chỉ thấy siết chặt các chính sácn và đề ra những quy định rắc rối để thu thêm tiền của dân. Giá cả thị trường cái gì cũng phải theo giá xăng, giá điện… thì chắc các cơ quan chức năng thu phí, phạt cũng phải theo thị trường???  Cứ vậy, chẳng biết dân mình bao giờ mới khá lên được đây?” - John Lee: johnlee1405@yahoo.com

 

Tình cảnh dân là vậy, nhưng có kêu bao nhiêu thì rồi chắc cũng chẳng lay chuyển được những người vốn cũng từ dân mà ra nhưng ngày càng… xa dân, không hiểu cho nỗi khổ của dân. Thôi thì đành… ủng hộ vậy. Song muốn làm theo như thế cũng đâu có dễ vì “nói phải” đâu phải lúc nào “củ cải cũng nghe”.

 

“Rất ủng hộ việc sang tên đổi chủ phương tiện. Nhưng không ủng hộ chút nào những quy định về thủ tục giấy tờ rất phức tạp ở nước hiện nay. Việc người dân ngại sang tên đổi chủ, chủ yếu là ngại vấn đề thủ tục. Cần làm quá nhiều loại giấy tờ mà tôi thấy so với các nước tiên tiến là không cần thiết. Vừa mệt cho các cơ quan quản lý, vừa mệt cho chủ phương tiện, vừa tốn tiền tốn của đi lại và mất thời gian. Vậy nên mong rằng để  người dân tự nguyện chấp hành thì nhà nước cũng nên thay đổi cơ chế thủ tục cho đơn giản và thuận tiện nhất” - Ngô Văn Minh:  ks.minhsteel@gmail.com

 

“Tôi thấy nhiều quy định vẫn nhiêu khê lắm.. Đề nghị cơ quan quản lý cung cấp biển số xe dùng một lần suốt đời. Khi mua xe mới và đi đăng ký đươc cấp một biển số xe, khi ta bán xe đi thì chỉ bán thân xe rồi tháo giữ lại biển số. Khi ta mua xe mới khác thì lắp biển số cũ vào, người mua và người bán phải đến thông báo cho cơ quản lý là được. Người mua xe cũ mà không có biển số thì phải xin cấp biển số xe mới. Như thế không lãng phí tài nguyên biển số xe, phạt nóng hay phạt nguội đều chính xác, đỡ tốn kém thời gian và tiền bạc hơn” - Quỳnh:  phamvanquynh1979@yahoo.com.vn

 

“Các bác nói đúng quá. Để chính sách pháp luật của nhà nước đi vào đời sống nhân dân thì có lẽ phải giảm bớt những thủ tục 'hành là chính' kia đi. Đơn cử như tôi, CMND của tôi cũ quá, cấp đã 14 năm. Tôi đi làm lại phải xuống xã mất 1 ngày, lên huyện mất 1 ngày và dài cổ chờ thêm 1 tháng nữa mới có được cái CMND mới để đi ra ngoài đường được. Quá là phức tạp và nhiêu khê. Lắm lúc thấy mệt với các bác chính quyền quá. Nếu  mà bây giờ  lại còn liên quan đến nhưng phương tiện giao thông “không biết nói năng” kia nữa thì giải trình với các bác ấy kiểu gì nhỉ? Vợ tôi trước kia đi làm công nhân ở Hà Nội có mua 1 cái xe máy cũ ở hiệu cầm đồ, đến bây giờ đành bó tay, không biết phải làm thế nào đây các bác? Đi xe đó ra đường giờ chắc là bỏ luôn, vì giá trị xe có khi không bằng tiền phạt của các bác CSGT” - Nguyễn Văn Tuân:  nguyentuanvc3@gmail.com

 

“Ở CHLB Đức và nhiều nước khác họ sang tên rất đơn giản. Lệ phí  bằng 0,5% thôi, họ chỉ thu tiền công làm dịch vụ. Còn ở Việt Nam  ta  thu tiền sang tên làm dịch vụ mà như thu vào ngân sách nhà nước. Như ông Quyền Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định: lâu nay thu tiền sang tên là dịch vụ, chứ không phải nguồn thu của nhà nước. Thế đề nghị nhà nước phải truy thu lại toàn bộ số tiền khổng lồ đó cho vào ngân sách nhà nước” - Hồ Trung Kiên:  hotrungkien126@gmail.com
 

“Sao đất nước mình không học hỏi từ những quốc gia tân tiến (ví dụ như CHLB Đức): phát hành tem lưu hành cho xe cơ giới (dán tem lưu hành vào biển số, mỗi năm 1 màu khác nhau). Khi đi làm thủ tục xin cấp tem lưu hành phải mang CMT và đăng ký xe chính chủ. Như vậy để lấy được tem lưu hành thì nguồn gốc của xe cũng được xác nhận, tất cả những xe không hợp pháp sẽ không được cấp tem lưu hành. Chỉ có vậy mà làm không được thì ... pó tay.com” - Trần Văn Tâm:  tranvantamnh@yahoo.de

 

Để tháo gỡ nút thắt cho chiếc Xe (hình như đang… bị ghét?) này, có lẽ rất nhiều người cùng chung quan điểm như Bui Kiêu buikieu29@gmail.com:

 

“Còn quá phiền hà về thủ tục nếu không sửa đổi quy định. Hãy làm một cuộc CÁNH MẠNG đi, đó là: chỉ cần CMND và giấy đăng ký xe là sang tên được, thì mới tháo gỡ dứt điểm được vấn đề Xe trong giai đoạn này!”

 

Nhưng e là nếu có đơn giản hóa được thủ tục để “giải phóng” phận Xe, thì rồi người ta vẫn lại phải tìm chỗ khác để mà…thắt nút cho dân tình lại sốt vó… đề nghị tháo gỡ “cho dân được nhờ”! Vậy chi bằng ta cùng… mơ về một ngày không có Xe xem sao.

 

Khánh Tùng