Bạn đọc viết

Hãy lấy tinh thần thượng tôn Hiến pháp làm trọng

(Dân trí) - Dân không mong muốn có một sự bất bình đẳng nào trước luật pháp. Dân chỉ muốn tất cả mọi người là công dân của nước Việt Nam hãy hành động như khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật!".

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Bộ Công an vừa ban hành Dự thảo về Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.

Dự thảo thông tư này đang gây tranh cãi trong dư luận mấy ngày qua về quyền "ưu ái" đối với xe của quan chức cao cấp khi gây tai nạn giao thông được nói tới tại Điều 22, Chương 3 của Dự thảo. Theo đó, trong quá trình giải quyết tai nạn giao thông, Cảnh sát giao thông sẽ “cho đi nhanh” đối với xe của quan chức cấp cao nếu vi phạm.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng: “Nếu là tai nạn nguy hiểm tới tính mạng, nếu cho đi thì vật chứng sau tai nạn có được đảm bảo? Có đảm bảo tính khách quan?". Còn đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) thì khẳng định: Dự thảo “ưu tiên” cho xe cán bộ cấp cao khi xảy ra tai nạn giao thông "nghe rất phản cảm". Ông lập luận: “Cán bộ cấp cao và người dân cũng là con người. Trường hợp người vi phạm pháp luật thì người phải xử lý như nhau, bởi “luật pháp bất vị thân” để tạo sự công bằng trong xã hội. Vấn đề là phải tôn trọng tính khách quan, công bằng khách quan trong xử lý chứ không phải cứ là xe lãnh đạo cao cấp là cho đi. Công việc có thể chậm một chút cũng chẳng chết ai, nhưng tính mạng con người thì không thể đánh đổi được”.

Trong Hiến pháp năm 2013, Điều 16 ghi: "1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội."

Điều 46: "Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng."

Điều 119: "1. Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.

Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý."

Hiến pháp là tối thượng. Các cấp các ngành khi xây dựng văn bản dưới luật đều phải nghiêm túc lấy tinh thần thượng tôn Hiến pháp làm kim chỉ nam.

Khi một dự thảo văn bản dưới luật đưa ra lấy ý kiến công luận, cần soi xét tính hợp hiến của nó theo tinh thần Hiến pháp chứ không phải theo quan điểm của bộ, ngành hay cảm tính cá nhân. Nếu có biểu hiện vi hiến, phải xử lí ngay. Thực tế cũng đã cho thấy, có những văn bản trái luật đã bị loại bỏ khi còn đang là dự thảo hoặc thu hồi dù đã được ban hành.

Trong trường hợp này (Dự thảo Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông) không cần phải viện dẫn gì nhiều, chỉ căn cứ vào những điều qui định nói trên của Hiến pháp 2013 cũng đã thấy rõ Điều 22, Chương 3 của Dự thảo là trái luật.

Dân không mong muốn có một sự bất bình đẳng nào trước luật pháp. Dân chỉ muốn tất cả mọi người là công dân của nước Việt Nam hãy hành động như khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật!".

Nguyễn Duy Xuân