Lai Châu:

Hãi hùng cầu mục treo cao!

(Dân trí) - Không phải đến khi xảy ra vụ lật cầu thảm khốc, người ta mới để tâm tới những cầu treo mục nát. So với nhiều cầu khác trên cả nước, cầu Chu Va 6 vẫn được coi là "hiện đại". Ngay tại Lai Châu cũng không hiếm những "cầu mục treo cao".

Cầu treo Sang Thàng ở TP Lai Châu cũng gây hãi hùng không kém khi dù đã mục nát, cũ kỹ vẫn gánh hàng trăm lượt người qua lại mỗi ngày. Cầu được thiết kế với những thanh ngang bằng sắt và mặt cầu hoàn toàn bằng gỗ. Theo thời gian, những thanh sắt đã gỉ sét, mặt gỗ trên cầu hầu hết đều đã mục, không còn đảm bảo an toàn. Mỗi khi có người hoặc xe máy đi qua, cầu lại rung và phát ra những tiếng ầm ầm khiến ai “trót” đi qua cũng phải “rùng mình”.

Tại thời điểm chúng tôi có mặt đúng lúc họp chợ phiên San Thàng nơi chân cầu nên lượng người qua cầu lại khá đông. Tuy nhiên, theo quan sát thì không phải ai cũng đủ can đảm để đi qua cây cầu này.

Những thanh niên mới dám đi xe máy qua, còn đa phần người trung tuổi đều dựng những chiếc xe máy bên này cầu rồi đi bộ qua họp chợ, có những người không dám qua cầu phải lội qua suối cạn dưới chân cầu, nơi có nhiều đá hộc, lởm chởm phía dưới.

Chiếc cầu treo có nhiều tấm gỗ cũ mục và ộp ẹp
Chiếc cầu treo có nhiều tấm gỗ cũ mục và ộp ẹp

Nhiều người lo lắng sự an toàn nên tìm đường đi bên dưới lòng suối
Nhiều người lo lắng sự an toàn nên tìm đường đi bên dưới lòng suối

Bà Nguyễn Thị Phương, một người dân TP Lai Châu, cho biết: "Do không còn đường qua lại nào khác nên chúng tôi mới phải đi qua câu cầu treo ọp ẹp này. Mỗi khi đi qua, cây cầu rung lắc khiến chúng tôi rất hoảng sợ cảm giác như có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Nếu cầu sắt thép thì còn yên tâm, chứ vật liệu chủ yếu là tre, gỗ, qua nhiều năm cũng đã bị mục nát nên rất nguy hiểm".

Anh Hàng A Thanh ở thôn San Thàng 1, TP Lai Châu dắt con trai lội qua khe suối, xe máy được dựng lại ở đầu cầu. Anh Thanh cho biết, từ khi xảy ra vụ sập cầu treo Chu Va 6, người dân ở bản San Thàng rất hoang mang vì cầu Chu Va 6 còn chắc chắc và an toàn hơn rất nhiều so với cây cầu này. Giờ hầu như người dân không dám qua cầu treo nữa.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Chí Tình - Chủ tịch UBND xã San Thàng, TP Lai Châu - cho biết: “Cầu San Thàng được xây dựng từ năm 2009 với mặt cầu bằng gỗ, nhưng đến năm 2011, theo thời gian và mưa gió nên mặt cầu bị ải và mục nát. Từ đó, bà con trong vùng tự đóng góp tre và ngày công để sửa chữa định kỳ. Những ai không dám qua suối thì mùa này còn đi lại dưới suối, nếu sang đến mùa mưa, lũ về thì bắt buộc phải đi trên cầu”.

Theo lời ông Tình, cây cầu treo San Thàng 1 chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại cho thôn Sang Thàng 1 gồm 96 hộ dân và phục vụ xả xã Tả Lèng với 8 thôn bản. Tất cả người dân 9 thôn bản đều đi lại chính bằng cây cầu này.

Sau vụ lật cầu Chu Va tang thương, người dân thận trọng hơn trong việc lưu thông qua cầu treo
Sau vụ lật cầu Chu Va tang thương, người dân thận trọng hơn trong việc lưu thông qua cầu treo
Sau vụ lật cầu Chu Va tang thương, người dân thận trọng hơn trong việc lưu thông qua cầu treo

Mặc dù đã có một cây cầu khác kiên cố hơn để thay thế nhưng phải đi rất xa và theo thói quên nên hầu hết bà con chỉ sử dụng cây cầy này. Hơn nữa, phía chân cầu có một chợ phiên một tuần họp 2 lần, đây là nơi giao lưu, mua bán chính của bà con. Năm nay, TP Lai Châu đã có dự kiến và cấp kinh phí 1 tỷ đồng để sửa chữa và nâng cấp lại cây cầu.

Việc cầu treo San Thàng được duy tu và sửa chữa không thể ngày một ngày hai, nhưng việc hàng trăm người qua cầu là chuyện diễn ra mỗi ngày. Mong rằng cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu có biện pháp kiểm tra, đảm bảo độ an toàn cho cây cầu để tai họa không giáng xuống lần hai.

Quốc Cường - Xuân Thái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm