Gỗ lậu chảy qua những "lỗ kim" và "gót chân Achilles"
(Dân trí) - Nào sưa, nghiến, nào giáng hương… cứ theo dòng “chảy máu rừng” mỗi ngày mà dần biến mất. Ngành có chức năng hầu như chẳng bao giờ tự phát hiện ra được vụ nào đáng kể. Mỗi ngày trôi qua, mối đe dọa “rừng xanh chỉ còn lại đất vàng” càng gần hiện thực hơn.
Gót chân Achilles
Xoáy vào những “quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực…” mà đại diện chính quyền địa phương và các ngành chức năng thường đưa ra, sau khi các vụ phá rừng nghiêm trọng bị phát hiện và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, bạn đọc tiếp tục vạch ra những “gót chân Achilles” khiến lực lượng chức năng vẫn có mà rừng thì không bảo vệ nổi.
“Rừng ngày càng chảy máu nặng như thế. Vậy "cố gắng " của mấy ông khi nào thực hiện được đây?” – Thai Thinh: nguyenthaithinh@gmail.com
“Chỉ có chính quyền địa phương và Ban quản lý các VQG là không ai có thể... "đốn" được. Còn Sưa, Giáng hương, Nghiến ... lâm tặc muốn hạ lúc nào cũng được. Cái "hay" của chính quyền địa phương và BQL VQG là họ thường tuyên bố rất hùng hồn sau khi cây quý đã bị hạ, rừng đã bị tàn phá. Đau lắm nhưng biết làm sao?” - Ti Hon: luomhuynh@yahoo.com.vn
“Tỉnh ‘chỉ đạo quyết liệt, quan điểm rõ ràng, sát sao....’, nhưng thực tế rừng vẫn mất. Chi cục KL nói rằng quyền lực KL có hạn, vậy xin hỏi bây giờ các ông mới biết điều đó hay sao??? Còn bảo là khó... vâng xin thưa không khó sao lại cần phải có cả một lực lượng hưởng lương như thế nhỉ ??? Hơn nữa thấy khả năng không làm được việc thì các ông có thể xin nghỉ mà, có ai bắt phải làm và cũng đâu phải chỉ có các ông mới biết làm việc??? Vẫn còn những người khác có thể thay thế đó” - Minh433: minh433@yahoo.com.vn
“Có một thực tế không thể phủ nhận được. Đó là khu rừng nào bị tàn phá nhiều nhất thì quan chức kiểm lâm nơi đó cũng giàu lên một cách bất thường. Không tin thì mọi người có thể tự kiểm chứng điều này. Riêng tôi là người đã từng ở rừng gần 20 năm, kinh nghiệm cho thấy nếu kiểm lâm và lực lượng công an, xã đội địa phương phối hợp chặt chẽ và nghiêm túc thì không một cây gỗ nào có thể ra khỏi rừng. Nhưng điều cốt yếu là lãnh đạo của các cơ quan này phải thật sự liêm chính, thì không một lâm tặc nào dám vào rừng. Như vậy theo tôi thấy thì việc giữ rừng không khó, cái khó ở đây là giữ được sự trong sạch của những vị lãnh đạo các cấp, các ngành ở địa phương mới là vấn đề ...” – Hai lua mien dong: hailuamiendong.vt@gmail.com
“Trong chuyện này, theo tôi có lẽ là ở đâu cũng thế thôi. Nếu các sếp vẫn tạo thành một ‘thế lực ngầm’ thì không ai làm được gì đâu. Kiểm lâm chỉ là những người được đặt ở vị trí đó, còn làm gì thì chủ yếu là là do các sếp cấp trên chỉ đạo hết. Nếu các sếp làm nhà hay bạn bè các sếp cần… thì họ lại lệnh xuống cấp dưới là cần có gỗ, mà phải là gỗ tốt kia. Khi đó kiểm lâm có khi phải bỏ tiền ra mua, hoặc nếu có bắt được gỗ thì cũng phải ‘chế biến’, đôi khi còn phải cho lâm tặc ‘đi gỗ’ rồi xin lại của chúng để nộp cho sếp. Nhiều lúc lâm tặc ‘đi gỗ', KL không bắt được vì những người đó toàn là ‘con cháu hoặc anh em bạn bè của sếp’ cả… Như vậy thì KL ở đó có cũng như không thôi. Vậy đừng nên chỉ nói có những KL là lâm tặc, mà phải nói đúng hơn là…” - Nguyễn Hưng: thaonguyenxnh_ph@yahoo.com
Lỗ kim voi chui lọt
Vâng, không chỉ biết nhắm vào những gót chân Achilles trong chính các giới chức chính quyền và lực lượng chức năng, mà lâm tặc cùng những ai đó đứng đằng sau còn lợi dụng rất hiệu quả những “lỗ hổng” mà như một số bạn đọc đã ví von là “kiến không qua nổi, nhưng voi vẫn chui lọt” trên con đường đi của gỗ. Lỗ hổng đó, trước hết là từ chính lực lượng Kiểm lâm và …
“Tôi rất cảm thông nhưng cũng có phần cảm thấy buồn cười trước đại bộ phận ý kiến trên. Tôi xin nói mình có liên quan đến ngành Gỗ, nên thừa biết ai chính là Đạo diễn kiêm Diễn viên chính cho bộ phim nhiều tập" Lâm tặc" trứ danh này. Các bạn cũng đừng tỏ ra ngờ nghệch quá mà lại đề nghị thêm nhiều ban, ngành vào cuộc. Theo tôi, vẫn sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì cả bởi...đời vốn là thế, nhiều khi...con kiến thì không nhưng con voi lại chui lọt qua lỗ kim, các bạn ạ! Chắc chỉ những ai bị bệnh không nghe, không thấy… mới không nhìn ra vấn đề trong công tác bảo vệ rừng của nước ta hiện nay mà thôi” - Lê Minh Trung: thienlyma07@yahoo.com.
“Nạn phá rừng nghiến trong khu bảo tồn Thần Sa - Phượng Hoàng đã có từ lâu rồi. Theo tôi được biết, từ khu bảo tồn ra thị trấn La Hiên duy nhất có 1 con đường. Hàng đêm và thậm chí cả ban ngày, lâm tặc chở gỗ ùn ùn qua mà kiểm lâm cứ làm như không… Nói là làm ngơ thì không hẳn, nhưng có bắt thì cũng chỉ bắt vài cái xe đạp, còn xe máy và ô tô thì cứ vô tư. Vậy nếu như kiểm lâm không bắt tay với lâm tặc thì làm sao lọt qua được, chỉ có cách là bay thôi…. Giờ lại nói vì dân nghèo nhà cửa ở ngay trong rừng nên khó kiểm soát ư? Nhưng nếu như kiển lâm làm thật chặt và CẦU KHÔNG CÓ THÌ CUNG CHO AI?' Khi đó những người dân có muốn chặt phá nghiến thì cũng chẳng biết làm gì ngoài làm củi đun? Bởi vậy không thể nói vì dân ở lẫn với rừng nên khó quản lý được!” - Thanh Hoa: thanhhoa702005_tn@yahoo.com
“Ở Thái Nguyên có làng Cẩm Trà, xã Trung Thành, huyện Phổ Yên cả làng làm gỗ. 100% gỗ nghiến ở đây được dân buôn gỗ lậu từ Thần Sa, Võ Nhai về bán cả ngày lẫn đêm. Cánh buôn gỗ đi từ Võ Nhai về Phổ Yên, đoạn đường dài 100km có ít nhất 8 đến 10 trạm kiểm lâm, vậy mà không ai hay biết? Việc này diễn ra từ năm 2000, thế mà bây giờ lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên mới biết thì đúng là không biết giới chức Tỉnh hàng ngày làm gì? Lực lượng Kiểm lâm 12 năm qua có đi làm không? Và các cơ quan quản lý vẫn được trả lương để làm công việc đó mà cũng lại không biết hay sao? Chuyện này chắc không chỉ có tỉnh Thái Nguyên, mà ở Việt Nam nơi nào có rừng đều xảy ra cả. Thế mới lạ!” - Anh Thư: Vungcaovn@yahoo.com
Thế "khó" của kiểm lâm
Nói về các chiến sĩ áo xanh màu lá rừng này, liên hệ giữa họ với thực tế đau xót về những cánh rừng đang dần biến mất, tâm trạng chung của đa số người dân ta hiện nay quả là thương vẫn thương, mà giận cũng rất giận:
“Thôi giờ thì còn điều tra gì nữa... Theo tôi, cái cần làm bây giờ là: có biện pháp đề phòng bởi điều gì sẽ bị làm với những cây còn lại (kiểm lâm làm nghề bảo vệ và trông gỗ, nhưng họ không "trông vào gỗ" thì sống bằng gì đây?) Có câu "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng thực tế ngành Kiểm lâm giờ tôi thấy sâu quá nhiều, mà canh thì... quá ít... Có vụ kiểm lâm được dân báo có một nhóm người mang theo cưa và nhiều vật dụng vào rừng để chặt trộm cây. Ngăn chặn thì được ngay, nhưng họ... kệ. Đợi hạ cây xong, kiểm lâm vào lập biên bản tịch thu, xong rồi... bán thanh lý. (Đây là câu chuyện có thật)” – Phi Nhung: xuongrongden5200@yahoo.com.vn
“Thực trạng rừng vẫn hàng ngày bị ‘chảy máu’ là nỗi đau chung của toàn thể chúng ta. Tuy tôi cũng nghĩ việc mất rừng không tránh khỏi có sự tiếp tay hay làm ngơ của một bộ phận không nhỏ cán bộ kiểm lâm. Nhưng mặt khác, với lực lượng kiểm lâm như hiện nay thì dù có tâm huyết đến mấy cũng rất khó bảo vệ được rừng. Vì những đối tượng lâm tặc tham gia phá rừng quá hung hãn, mà có tiền họ còn mua được cả sự chỉ đạo của những người quản lý lực lượng Kiểm lâm. Trong khi lực lượng Kiểm lâm hoạt động vất vả và nguy hiểm như các lực lượng vũ trang khác thì chế độ, chính sách và quyền lực của họ lại không được như các lực lượng vũ trang. Nên theo tôi, để bảo vệ được rừng trong tương lai thì một mặt phải thanh lọc lại để đưa ra khỏi lực lượng kiểm lâm những cá nhân suy đồi về đạo đức, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Mặt khác cần nâng cao chất lượng lực lượng kiểm lâm sao cho thật sự chính quy và hiện đại, hoạt động và có thẩm quyền tương đương như lực lượng vũ trang” – Phat Long: phatlong@yahoo.com
“Tôi nghĩ rằng công tác bảo vệ và phát triển rừng không chỉ là trách nhiệm của mỗi ngành kiểm lâm, đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội bởi mỗi chúng ta vẫn còn đang sống và lệ thuộc khá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. Tôi hỏi các bạn - những người yêu nước - một câu nhé: Trong nhà bạn có vật dụng nào bằng gỗ không? hay có các sản phẩm được sử dụng có nguồn gốc do khai thác từ nguồn tài nguyên rừng không? Những đồ vật đó là hợp pháp hay phi pháp? Một khi tâm lý và quan niệm về sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của mỗi chúng ta vẫn còn như hiện nay, thì tôi nghĩ nạn phá rừng vẫn còn tiếp diễn... Cũng không nên chỉ trách cứ phần trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, gọi kiểm lâm là lâm tặc… bởi còn đó trách nhiệm của những ngành chức năng khác kia mà…” – Xuan Diem: xuandiem842000@yahoo.com
“Xin thưa với các vị là có 1 thực trạng mà ai cũng biết, thậm chí con nít cũng biết - đó là : với đồng lương ít ởi, trang bị vật dụng thô sơ, số lượng kiểm lâm hạn chế mà lại bắt con người ta vào rừng kiểm tra, lùng tìm bọn lâm tặc hung hãn với đầy đủ vũ khí?... Trong khi kiểm lâm không được bắn người, nhưng lâm tặc thì dám giết kiểm lâm ngay… Với những so sánh như vậy, nếu tôi là kiểm lâm tui cũng muốn ở nhà tổ chức nhậu nhẹt, lâu lâu đi kiểm tra cho có lệ… Còn việc móc nối với lâm tặc vận chuyển gỗ lậu để có tiền mưu sinh, thậm chí để làm giàu thì có… ngu dại mới không làm. Quan trọng là các vị có tìm ra được biện pháp nào hay và khả thi không thôi, chứ còn nói có biết mà không làm gì được thì cũng như không. Theo tôi, có trách thì cần trách mấy ông không dám nói, không dám đứng lên bảo vệ cái đúng ấy!” - Huynh Qui: quihuynh108@gmail.com
“Tôi hiện đang công tác tại 1 công ty lâm nghiệp. Các bạn độc giả có biết tại sao rừng lại bị tàn phá nhiều thế không? Đừng bảo chỉ do kiểm lâm không làm tròn trách nhiệm, mà nên nghĩ xa hơn tới vai trò của giới chức khác trong huyện và tỉnh đó. Họ là những người gián tiếp điều động người vào rừng chặt cây, còn họ đứng sau các vụ phá rừng đó… Nói cho cùng thì đúng là kiểm lâm có trách nhiệm chính. Nhưng các bạn à, kiểm lâm bắt được 1 cây gỗ vận chuyển trái phép, thì cũng đồng nghĩa với khoảng 100 cây khác đã bị chặt và vận chuyển ra ngoài theo “lệnh” rồi…” - Phan Phuoc: phandinhphuoc274@gmail.com
“Suy cho cùng vẫn là 2 chữ ''mưu sinh'' mà thôi. Kiểm lâm cũng là vì mưu sinh, lâm tặc cũng là vì mưu sinh. Lương 1 tháng của kiểm lâm được bao nhiêu tiền? mà nếu cấu kết với lâm tặc làm 1 vụ thì cũng bằng lương cả 1 năm rồi. Vì lý do đó mà nếu không thật yêu nghề và vững vàng bản lĩnh thì kiểm lâm cũng có thể biến thành lâp tặc. Và khi mà ngay cả kiểm lâm cũng vì lòng tham mà biến thành lâm tặc rồi, thì còn gì để nói nữa. Rừng của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục bị phá hoại mà không ai có thể kiểm soát được. Khó lắm!” – Yingxiong: yingxiongvn@yahoo.com.vn
“Mọi người đều có thể nhận thấy rằng rừng đang bị chảy máu do lâm tặc. Còn xét về lương của ngành kiểm lâm thì cũng nên xem có đủ để họ nuôi sống gia đình khi phải gánh chịu một công việc nguy hiểm như thế không? Vậy mà vẫn có những cán bộ kiểm lâm giàu sụ? Tôi nghĩ một phần là do ý thức của cán bộ không vững vàng, một phần cũng do chế độ đãi ngộ của nhà nước rất chưa tương xứng. Bởi thế nên nói rằng ‘không có lâm tặc thì các bác kiểm lâm lấy gì mà đảm bảo cuộc sống’ cũng đúng thôi. Nhưng có lẽ cũng đành phải có phần thông cảm, dù tôi rất xót xa khi thấy nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này của Việt Nam đang dần bị mai một đi…” - Hoang Thanh Tung: gocuatraitimem_bg136@yahoo.com
Khi mà những "lỗ kim voi chui lọt" và những "gót chân Achilles" vẫn còn đó, mà dù đã "rất nỗ lực và cương quyết" mà các ngành chức năng vẫn chưa thể xóa bỏ một sớm một chiều, nên chăng các cấp quản lý cũng cần tham khảo, cân nhắc ý kiến được nhiều người dân đưa ra và Nguyễn Văn Trung nguyentrung_0856@yahoo.com.vn một lần nữa nhắc lại:
“Tôi hoàn toàn đồng tình quan điểm cho rằng có sự tiếp tay của các "tay trong". Theo tôi, nếu có thể được mong Nhà nước nên xem xét việc giải thể và điều chỉnh chức năng bảo vệ rừng của các cơ quan kiểm lâm. Nhiệm vụ bảo vệ rừng đòi hỏi chuyên môn và nghiệp vụ cao, vì vậy nên giao lại cho ngành Công an hoặc Quốc phòng đảm nhiệm. Ngành Nông nghiệp chỉ thực hiện chức năng trồng rừng là đúng chuyên môn rồi. Cho tới nay, ai cũng thấy các lực lượng được giao quản lý và bảo vệ rừng làm việc không hiệu quả, không đảm trách tốt được nhiệm vụ đã được giao phó. Vậy thì nên chuyển chức trách quan trọng này sang cho ngành khác là đúng”.
Thanh Nguyễn