Hiểm họa từ những chiếc xe "không người lái"

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo quy định, tài xế khi dừng đỗ xe phải sử dụng phanh đỗ xe và đảm bảo các biện pháp an toàn khác. Trường hợp không tuân thủ gây tai nạn chết người thì họ có thể bị xử lý hình sự theo quy định.

Thời gian qua, câu chuyện về những chiếc xe "không người lái" gây tai nạn chết người trở thành chủ đề được đặc biệt quan tâm trong dư luận.

Gần nhất, vào khoảng 17h ngày 17/5, một xe container sau khi được tài xế Phạm Văn Công (38 tuổi, quê Nam Định) đỗ lại ven đường để đi rút tiền đã bất ngờ trôi tự do, lao về phía trước và cán tử vong ông V. (60 tuổi, ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đang dừng đèn đỏ tại Quốc lộ 20, đoạn gần nút giao Lý Tự Trọng - Trần Phú thuộc TP Bảo Lộc. 

Trước đó, một vụ tai nạn có tính chất tương tự cũng xảy ra vào trưa 14/5 khi chiếc xe khách của Công ty Mai Linh Quảng Ngãi bất ngờ di chuyển dù không có người lái tại khu vực huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi. Phụ xe khi đó là anh Q. (37 tuổi, ở TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cố gắng chặn phương tiện nhưng bất thành và bị tông vào bốt điện, tử vong tại chỗ. 

Hiểm họa từ những chiếc xe không người lái - 1

Khoảnh khắc phụ xe lao ra cố chặn chiếc xe khách trôi tự do tại Quảng Ngãi (Ảnh cắt từ clip).

Hai vụ tai nạn trên là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người điều khiển phương tiện hạng nặng. Mọi sự bất cẩn, cẩu thả, coi thường các nguyên tắc cơ bản về dừng đỗ xe đều có thể phải trả giá đắt, đánh đổi bằng số phận pháp lý và cả tính mạng con người. 

Bạn đọc Trường Mai bày tỏ sự bức xúc sau khi theo dõi thông tin về các sự việc: "Mọi người dường như bỏ qua một nguyên tắc quan trọng, đó là bắt buộc tất cả xe hạng nặng phải chèn bánh khi đỗ ven đường. Còn với trường hợp xe tự di chuyển thì lỗi phải là của tài xế, nguyên nhân đơn giản là quên kéo phanh tay chứ đâu. Dù xe tự di chuyển hay người khác trèo lên cabin chạy xe thì cũng là lỗi của tài xế". 

"Tài xế sẽ phải chịu trách nhiệm trong những trường hợp thế này. Nếu cài số 1 hoặc số đỗ rồi dừng xe, tắt máy thì có kéo xe cũng không lao đi được. Đỗ ở nơi đường dốc mà chỉ dựa vào phanh tay thì coi chừng hiểm họa có ngày", độc giả Hoan Vu viết. 

Vậy theo quy định của pháp luật, việc dừng, đỗ xe phải được thực hiện như thế nào nhằm đảm bảo các nguyên tắc an toàn khi tham gia giao thông đường bộ? 

Theo Điều 18 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, "dừng xe" được hiểu là trạng thái đứng yên tạm thời của xe trong một khoảng thời gian cần thiết, đủ để người lên xuống xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật hoặc hoạt động khác. Tài xế dừng xe không được tắt máy, không được rời vị trí lái, trừ trường hợp để đóng, mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật nhưng phải sử dụng phanh đỗ xe hoặc thực hiện biện pháp an toàn khác.

Còn theo khoản 2 Điều này, "đỗ xe" được hiểu là trạng thái đứng yên của xe không giới hạn thời gian. Khi đỗ xe, người điều khiển chỉ được rời xe khi đã sử dụng phanh đỗ xe hoặc thực hiện biện pháp an toàn khác. Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải đánh lái về phía lề đường, chèn bánh.

Lái xe khi dừng đỗ xe phải có tín hiệu báo cho người tham gia giao thông khác biết khi ra vào vị trí dừng đỗ xe và không được làm ảnh hưởng đến người đi bộ, các phương tiện tham gia giao thông khác. Đồng thời, việc dừng đỗ xe không được phép thực hiện tại các vị trí như bên trái đường một chiều, trên cầu, gầm cầu vượt (trừ trường hợp được cho phép), trên đoạn đường cong, gần đầu dốc mà tầm nhìn bị che khuất hay tại phần đường có chiều rộng chỉ đủ một làn xe cơ giới...

Hiểm họa từ những chiếc xe không người lái - 2

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường sau vụ tai nạn tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Khánh Hồng).

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện chỉ được dừng đỗ xe ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy. Trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì chỉ được dừng đỗ sát mép đường bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách lề đường, vỉa hè quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải đỗ xe, khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ thì phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp hoặc đặt biển cảnh báo về phía sau xe để người tham gia giao thông đường bộ khác biết.

Như vậy, có thể hiểu dừng xe là việc để phương tiện đứng yên tạm thời, tài xế không được tắt máy và chỉ được rời cabin lái trong một số trường hợp nhất định, khi rời cabin phải dùng phanh đỗ xe (phanh tay) và thực hiện các biện pháp an toàn khác. Do đó, mọi trường hợp tài xế dừng xe rồi rời đi mà không thuộc các trường hợp được phép rời cabin hoặc được phép rời nhưng không sử dụng phanh tay hay các biện pháp an toàn khác đều là hành vi vi phạm quy định về dừng xe. 

Còn với việc đỗ xe, đây là trường hợp phương tiện đứng yên không xác định thời gian. Tài xế đỗ xe chỉ được đỗ tại những vị trí được cho phép, phải sử dụng phanh tay và đảm bảo các nguyên tắc an toàn trước khi rời cabin. Tại khu vực đường dốc thì phải chèn bánh xe để đảm bảo an toàn. 

Hiểm họa từ những chiếc xe không người lái - 3

Xe máy của nạn nhân bị cuốn vào gầm xe đầu kéo (Ảnh: Khánh Hồng).

Mọi trường hợp dừng xe, đỗ xe nhưng không tuân thủ các nguyên tắc an toàn như không kéo phanh tay, không về số, rời cabin khi không thuộc trường hợp được phép... đều là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng như chết người, gây tổn hại lớn về sức khỏe cho người khác hay gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, người điều khiển có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. 

Mức phạt cơ bản của tội danh này là phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm. Trường hợp tài xế gây tai nạn thuộc các trường hợp như làm chết từ 2 người trở lên, không có giấy phép lái xe theo quy định hay gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đồng trở lên, tùy thuộc mức độ thiệt hại chính xác, hình phạt sẽ dao động ở mức 3-15 năm tù. 

Trách nhiệm hình sự chỉ được miễn trừ nếu thuộc một trong 2 trường hợp, đó là lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân (VD: Người bị thiệt hại cố ý lao vào phương tiện đang trôi, Có tác động khiến phương tiện di chuyển...) hoặc tình huống bất khả kháng.