Giám sát phải sát

(Dân trí) - Cử tri đang kỳ vọng vào sự đột phá trong thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp sau khi Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, trong đó có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục về giải quyết kiến nghị của cử tri, về vấn đề giám sát và phản biện xã hội.

Ngày 11-6, trước khi chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, các đại biểu sẽ nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII. Đây là một trong những vấn đề mà người dân đặc biệt quan tâm ở kỳ họp Quốc hội lần này. Họ muốn biết những kiến nghị của mình đã được cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tiếp nhận và giám sát đến đâu, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã giải quyết thế nào, còn những kiến nghị nào chưa được xem xét?

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong những kỳ họp gần đây, số lượng các kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội ngày càng tăng, điều đó chứng tỏ cử tri ngày càng tin tưởng và quan tâm đến hoạt động của Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ tám, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội hơn 2.500 kiến nghị. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp, phân loại, xử lý để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hơn 2.000 kiến nghị. Trong đó, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và trả lời hơn 100 kiến nghị của cử tri, chủ yếu tập trung về việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật; hoạt động giám sát và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Ảnh minh họa/TTXVN

Ảnh minh họa/TTXVN

Theo báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát giải quyết kiến nghị cử tri của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phần lớn các cơ quan, đơn vị đã khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, hiện nay các quy định về việc giải quyết kiến nghị của cử tri, phân loại kiến nghị phải giải quyết, vấn đề giải trình, thông tin cho cử tri, cũng như trình tự, thủ tục về giải quyết kiến nghị của cử tri chưa được quy định một cách cụ thể. Chính vì thế, vẫn còn có những kiến nghị của cử tri từ các kỳ họp trước chưa được giải quyết dứt điểm.

Dẫu biết rằng, việc giải quyết kiến nghị cử tri là công việc khó khăn, phức tạp và yêu cầu giải quyết, trả lời kiến nghị trong thời gian ngắn nên việc giải quyết phần nào chưa thể đáp ứng được kỳ vọng và mong mỏi của nhân dân cả nước, nhưng cử tri vẫn mong muốn việc giám sát tối cao của Quốc hội phải sát thực hơn nữa, bởi lẽ giám sát là một trong những chức năng chủ yếu của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Nhiều cử tri phản ánh rằng "xuân thu nhị kỳ” tại kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp cứ thấy lặp đi lặp lại ý kiến của cử tri mà chưa thấy ý kiến được các cơ quan chức năng giải quyết. Thực tế cho thấy, trong số ý kiến của cử tri có thể phân ra nhiều loại, có loại có thể giải quyết ngay, có loại cần phải phối hợp giữa các ngành mới giải quyết được, có loại cần phải có Nghị quyết của Quốc hội hoặc HĐND. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đối với những ý kiến cử tri mà có thể giải quyết ngay, Mặt trận Tổ quốc cần chủ động báo cáo với cấp ủy Đảng, chính quyền từng địa phương và chủ động đề nghị để Mặt trận, các tổ chức thành viên, phối hợp với HĐND-UBND ở địa phương đó giải quyết dứt điểm.

Đối với loại ý kiến cần phối hợp một số ngành hoặc nhiều ngành, cần có sự đôn đốc, giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp.

Hiệu lực và hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp suy cho cùng được quyết định bởi chất lượng hoạt động giám sát của từng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Vì thế, trên cơ sở nắm vững đối tượng, nội dung, phương thức của việc giám sát, các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND còn phải nâng cao năng lực, trách nhiệm và bản lĩnh thì giám sát mới có hiệu lực và hiệu quả. Thực tiễn chỉ ra rằng, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không đủ năng lực, không đề cao trách nhiệm và bản lĩnh thì giám sát kém hiệu lực và hiệu quả. Sự e dè, sợ sệt, sự tính toán thiệt hơn, sự nể nang xuê xoa, một chiều, sự nửa vời không đi tới cùng đều là những biểu hiện trái với trách nhiệm và bản lĩnh của người đại biểu trong hoạt động giám sát nói chung, giám sát tối cao nói riêng.

Cử tri đang kỳ vọng vào sự đột phá trong thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp sau khi Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, trong đó có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục về giải quyết kiến nghị của cử tri, về vấn đề giám sát và phản biện xã hội.

Đỗ Phú Thọ

(Theo báo Quân đội nhân dân)