Bạn đọc viết:

Giá trị và lực đẩy của tấm bằng

(Dân trí) - “Sẽ “xóa sổ” bác sỹ chuyên tu!” - Bộ trưởng Y tế khẳng định như vậy khi trả lời chất vấn của các ĐBQH chiều 1/4. Nhưng chuyên tu, tại chức hay đào tạo từ xa tự thân nó không có lỗi trong việc làm cho công chức yếu kém về năng lực chuyên môn.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Mấy chục năm qua, chuyên tu, tại chức cùng với hệ đào tạo từ xa lập nên thế kiềng ba chân vững chãi, cho ra lò hàng vạn cử nhân, thạc sĩ…

Đội ngũ trí thức của đất nước nhờ đó mà... tăng lên một cách chóng mặt. Và đương nhiên, nhiều cán bộ quản lý hay nói ngắn gọn là quan chức, dù bận trăm công ngàn việc, cũng nhờ thế mà có được những tấm bằng đỏ chói.

 

Chưa bao giờ xã hội ta bằng cấp lại nở rộ đến thế. Việc một công chức nhà nước có đến ba bốn tấm bằng đại học các loại, không còn là của hiếm. Mỗi khi đến kì bầu cử, nhìn vào danh sách các ứng viên là mỗi lần cử tri “choáng” với học vấn của các vị sẽ là quan chức hoặc là đại biểu của dân trong tương lai.

 

Người ta không thể không đặt câu hỏi: với chức vụ đương nhiệm, chỉ riêng việc họp hành, khai trương, tổng kết... đã chiếm hết thời gian làm việc trong ngày. Vậy các vị còn đâu sức lực nữa mà học nào là cao cấp chính trị, quản lí hành chính, đại học tài chính, đại học luật, đại học kinh tế...??? Quả là phải có sức học phi thường!

 

Thế mới biết, chất lượng chuyên tu, tại chức, đào tạo từ xa nói chung ở VN ta là như thế nào.

 

Nhưng chuyên tu, tại chức hay đào tạo từ xa tự thân nó không có lỗi trong việc làm cho công chức nhà nước yếu kém về năng lực chuyên môn. Các hình thức đào tạo này có tính chất “xã hội hóa” giúp mọi người mở mang tri thức. Lỗi là ở chỗ cả xã hội, không biết do vô tình hay cố ý, đã đẩy giá trị tấm bằng của các loại hình đào tạo này vượt lên giá trị thực, khiến nó trở thành phao cứu sinh cho việc giữ ghế hay thăng tiến.

 

Đó thực chất cũng là một dạng của bệnh hình thức, chạy theo bằng cấp “ảo”. Hệ lụy của nó thật khôn lường. Sẽ có những cán bộ tài hèn, đức kém nhưng bằng cấp thì đầy mình. Họ cứ chễm chệ trên cái ghế quyền lực đã được “đóng mác” bằng cấp, để rồi tới tận phút chót trước lúc rời nhiệm sở vẫn triệt để khai thác vì lợi ích riêng tư hay “lợi ích nhóm”.

 

“Sẽ 'xóa sổ' bác sỹ chuyên tu !” -  Nghe Bộ trưởng Y tế khẳng định thế mà tôi lấy làm mừng và chắc chắn dư luận cũng sẽ đồng tình, ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng. Chỉ e là “xóa sổ” bác sĩ chuyên tu nói thì dễ  nhưng làm thì khó. Bài học “Nói không…” của Bộ Giáo dục Đào tạo vẫn còn sờ sờ ra đó.

 

Nguyễn Duy Xuân