Đừng dại “ném tiền”

Không ai thống kê, kiểm soát được số tiền lẻ công đức, “giọt dầu” hàng năm tại các nhà chùa, nhưng chắc chắn đó là một nguồn lực lớn của nền kinh tế đang không được kiểm soát.

Hoi_Opt_KJTQ.jpg

Bao nhiêu tiền đã được “đổ” vào các ngôi chùa trong dịp lễ hội đầu năm? Không ai biết (Ảnh minh họa của Hải Nguyễn/LĐ

Có lần, Phó Thống đốc NHNN từng gây sốc dư luận khi tiết lộ con số 1.200 bao tiền lẻ mà chùa Hương gửi tại Ngân hàng NN&PTNT huyện Mỹ Đức. 1.200 bao tải tiền trị giá khoảng 22 tỉ đồng, nếu như vận chuyển bằng xe của Ngân hàng Nhà nước phải cần đến 12 xe.

Trên báo Lao động, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cưỡng có lần cho biết: Chùa Bái Đính, được giao cho Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường quản lý và sử dụng tiền công đức. Con số cụ thể mỗi năm là bao nhiêu, quản lý như thế nào và sử dụng ra sao chúng tôi cũng không nắm được.

“Đụng vào tiền bạc tại chốn tâm linh là vấn đề vô cùng nhạy cảm và phức tạp. Hơn nữa, chùa đã được giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư, xây dựng và quản lý nên việc quản lý, sử dụng tiền công đức ở đây như thế nào là do doanh nghiệp tự tính toán”- lời ông Cường.

Tiền công đức tại Yên Tử, năm cao nhất được trên 31 tỉ đồng nhưng chỉ 4% trong số đó được trích lại cho BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Trong khi đó, mỗi năm NSNN bỏ ra ít nhất 10 tỉ đồng để nuôi bộ máy cũng như công tác ANTT, môi trường, tu sửa hạ tầng, đường hành hương 6km và chăm sóc, bảo vệ rừng trong phạm khi trên 3.000ha... Chưa kể, với những sửa chữa, tu bổ lớn trị giá hàng chục, hàng trăm tỉ đồng cũng đều dùng tiền ngân sách.

Bao nhiêu tiền đã được “đổ” vào các ngôi chùa trong dịp lễ hội đầu năm? Không ai kiểm đếm thống kê kiểm soát, bởi cũng không hiểu vì lý do gì, từ bao năm qua luôn được coi là “nhạy cảm, phức tạp”.

Ở giác độ kinh tế, chỉ riêng số tiền tiết kiệm được khi không in mới tiền lẻ mệnh giá nhỏ đã tiết kiệm cho ngân sách 2.590 tỉ đồng.

Trong chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo đảm trong dịp Tết, Thủ tướng yêu cầu đảm bảo các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết này. Năm nay, NHNN cũng không đưa tiền mới mệnh giá nhỏ ra thị trường. Bởi thực ra, tiền lẻ- dù được dự báo sẽ có nhu cầu tăng tới 30-40% trong dịp tết, nhưng hoàn toàn không phải là nhu cầu cấp thiết của nền kinh tế.

Nhà nước không thể cấm, mà chính người dân phải lựa chọn để việc công đức đầu năm không phải là buôn thần bán thánh, để  không trở thành nạn nhân của những kẻ trục lợi. Liệu có ở đâu, mức phí đổi tiền lẻ tại các “chợ đen” cổng chùa “cắt cổ” tới mức: 1 triệu đồng mệnh giá 500 đồng, người đổi phải chi 7 triệu đồng? Liệu có ở đâu tiền lẻ được đút, nhét, ném khắp nơi trong chùa ngoài điện và cả trên tay các pho tượng? Có ở đâu liên tục có các kỷ lục siêu chùa  ngày càng to hơn, cao hơn, tốn kém hơn?

Theo Anh Đào

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm