Dự án BOT luôn chứa đựng rủi ro tham nhũng lớn nhất
(Dân trí) - Đó là phát biểu của người trong cuộc – thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông. Do đó, không có gì lạ, khi có 9 đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị chất vấn các thành viên Chính phủ về các dự án giao thông BOT trong kỳ họp Quốc hội này.
Theo Dân trí, có 9 Đoàn đại biểu QH cùng đề xuất chọn chất vấn vấn đề đầu tư, quản lý các dự án giao thông BT, BOT. Theo đó, có 4 đoàn muốn chất vấn về trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc quyết định phương án tài chính, thỏa thuận phí BOT, quản lý đơn giá các công trình BOT, thời gian, tổng mức đầu tư trong các hợp đồng đầu tư BOT giao thông.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT về BOT là điều rất cần thiết lúc này, bởi lẽ, nó còn có quá nhiều câu hỏi xung quanh các dự án BOT này.
Muốn đảm bảo tốt an ninh trật tự ở các tuyến giao thông có trạm thu phí, lúc này hơn lúc nào hết, những thông tin mờ mờ ảo ảo về BOT cần minh bạch. Như vậy, không có gì tốt hơn là QH chất vấn các thành viên Chính phủ về nội dung này. Bởi, chúng ta đều thấy, khi bức xúc, cách phản ứng của người dân thật thiên biến vạn hóa, ngay cả các cơ quan chức năng cũng không ngờ tới. Đỉnh điểm là cách dùng tiền lẻ của lái xe để phản ứng với việc thu phí quá cao và trạm thu đặt nhầm chỗ.
Điều đáng nói là, sau các phản ứng của người dân, hầu hết các trạm thu phí đã phải giảm giá. Đặc biệt, khi Kiểm toán nhà nước vào cuộc ở 27 dự án thì đã giảm gần 100 năm thu phí, thậm chí trạm thu phí Tào Xuyên, Thanh Hóa phải giảm đến 20/27 năm. Do đó, dư luận có quyền hỏi: Vậy dự toán kiểu trên trời đó là dự toán kiểu gì? Hoặc, sao lại đặt trạm thu phí “nhầm” vị trí hoặc chỉ “tráng” lớp nhựa đường trên mặt đường cũ cũng thu phí? Hoặc vì sao các dự án này hầu hết là chỉ định thầu?...
Trong đó, việc chỉ định thầu ở các dự án BOT này đã được các chuyên gia kinh tế, pháp luật khẳng định là sai. Đặc biệt, trao đổi với báo chí, thứ trưởng Bộ KH& ĐT Đặng Huy Đông nói thẳng: “Cách làm BOT hiện nay là theo kiểu, tôi thấy anh và giao cho anh, cứ có quan hệ là duyệt hết.” Vậy mà, dư luận vẫn chưa thấy ai bị bất cứ hình thức kỷ luật nào về nội dung này. Đó là điều không thể chấp nhận với người dân.
Còn những bất cập nói chung của BOT, hiện nó này vẫn đang bị một số bộ, ngành “đá” trách nhiệm cho nhau trên một số tờ báo. Do đó, dư luận muốn các đại biểu QH chất vấn rõ ràng, cụ thể trách nhiệm từng bộ, ngành và từng cá nhân.
Mặt khác, đến nay nhiều chuyên gia cho rằng, các hợp đồng BOT lại luôn có lợi cho doanh nghiệp và với các hợp đồng kiểu đó, doanh nghiệp chỉ có thắng. Phải chăng, đây là biểu hiện rõ việc các nhóm lợi ích bắt tay nhau?
Khi dư luận đòi hỏi công khai các hợp đồng BOT, ngay lập tức, những điều khoản bảo mật cho doanh nghiệp trong hợp đồng đã “đóng” sầm cửa lại. Trong khi, mức phí đặt ra cao ngất ngưởng, kéo dài hàng chục năm nhưng người dân không kiểm soát được mức độ đóng góp của nhà đầu tư như thế nào. Mặt khác, điều cần đề cập là liệu những điều khoản mật đó có đúng pháp luật? Và khi dư luận đã rất “nóng” với những khoảng tối đáng ngại, những điều khoản “mật” ấy có còn nên bí mật?
Và nếu như không có phản ứng của người dân, của công luận và của các cơ quan chức năng, những khoản tiền khổng lồ do phí cao, thời gian thu phí dài lê thê hoặc đặt “nhầm” chỗ như vậy sẽ “chảy” vào những túi ai? Đó là những câu hỏi mà dư luận rất muốn phiên chất vấn tới đây của QH làm rõ.
Vương Hà