Nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
Đợi chờ tín hiệu vui về xuất khẩu lao động
(Dân trí) - “Mong sau chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước VN, lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng được thúc đẩy để có tiến triển mới…” – một người quen cũ của tôi từ Seoul gọi điện về tâm sự. “Xóm Hàn Quốc” gần nhà tôi dường như cũng quan tâm tới thời sự hơn.
Tâm sự đó về xuất khẩu lao động (XKLĐ) VN tôi lại được nghe từ ông Park M. S. - một tình nguyện viên của Liên Hợp Quốc là người Hàn Quốc (HQ), rất tâm huyết với việc luyện tay nghề cho thanh niên nghèo nông thôn VN nhiều năm qua.
Ông Park tính tình vui vẻ, rất hòa đồng, thích ăn chay và đặc biệt là yêu VN đến mức muốn “đến đây thì ở lại đây…luôn”. Tâm sự với tôi, ông kể: niềm vui lớn nhất trong đời là được thấy “cái cần câu” tặng các bạn trẻ VN giúp các em “câu được cá”, kiếm được cơm ăn. Ông càng vui hơn khi có những học trò của mình giỏi tay nghề, được sang làm việc tại HQ theo diện XKLĐ.
Còn cậu bé HQ khá xinh trai con cô chủ tiệm uốn tóc sát nhà tôi, nghe nói tên là Kim Sil Jin gì đó (bọn trẻ hàng xóm gọi cậu bằng tên Việt là Hiệp cho dễ nhớ) thì líu lo kể bằng tiếng Hàn pha lõm bõm tiếng Việt rằng “ông hay hát” ấy cũng họ Park, có vợ VN và “thích ở đây, không muốn về Seoul nữa”…
Người lao động VN ở xứ “Kỳ tích sông Hàn”
Nhìn cảnh những cư dân “xóm Hàn Quốc” sống yên ổn và thoải mái, khá nhiều cặp là chồng Hàn vợ Việt xem ra đều hạnh phúc, tôi lại chạnh lòng nghĩ tới những lao động VN ở xứ kim chi.
Tôi đã đọc hàng trăm ý kiến của bạn đọc, trong đó có nhiều người là lao động hoặc cô dâu VN tại HQ phản hồi mỗi khi Dân trí đăng các thông tin mới liên quan tới xuất khẩu lao động hoặc quan hệ VN – HQ. Là người cũng đã viết tương đối về người lao động VN ở nước ngoài, vậy mà nhiều khi tôi cũng không tránh khỏi thấy xót xa thay… HQ tuy là một trong những điểm đến được nhiều lao động VN mong ước, song đúng là như các anh chị em vẫn nói: ở đâu thì cũng phải “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”.
Từ những bình luận của anh chị em VN gửi về từ Seoul và các thành phố khác trên khắp đất nước được mệnh danh là “Kỳ tích sông Hàn”, tôi càng hiểu hơn thực tế cuộc sống của cộng đồng mà chỉ riêng lực lượng lao động đã chiếm tới gần 60 nghìn người đang làm việc tại thị trường XKLĐ lớn thứ 3 này của VN.
Qua đó cũng mong được dù chỉ bằng những bài viết, có thể chia sẻ ít nhiều với những nỗi niềm “ngọt bùi thì ít mà đắng cay thì nhiều” của những con người phải “tha phương cầu thực” mà phương châm nhiều khi là “hy sinh đời bố, củng cố đời con” hoặc ngược lại như lời tự bạch của nhiều anh chị em.
Tôi cũng như các bạn, cùng đang chờ đợi những tín hiệu tích cực mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác VN – HQ bao gồm cả trong lĩnh vực XKLĐ, sau chuyến thăm chính thức HQ của Chủ tịch nước ta Trương Tấn Sang từ 8 - 10/11.
Tuy theo bày tỏ của Quang rangtchiatya_1986@yahoo.com thì có vẻ như người trong cuộc vẫn chưa mấy lạc quan: “Tôi sống tại HQ cũng đã được 5 năm rồi. Tôi thấy đúng là đã có những sự phát triển trong quan hệ để hai bên cùng có lợi. Nhưng những lợi ích trước mắt với chúng tôi thì chưa thấy rõ hoặc tình hình chưa khả thi lắm. Và ví dụ hàng VN xuất khẩu thì hầu như không thấy có mặt trên thị trường HQ đâu…”
Song thực tế là cơ sở nền tảng giữa đôi bên đang khá vững chắc. VN và HQ đã nâng cấp quan hệ song phương thành đối tác chiến lược từ năm 2009. Hiện HQ là một trong những đối tác kinh tế quan trọng nhất đối với VN vì là nhà đầu tư lớn nhất có tổng số vốn đăng ký đạt 23,3 tỷ USD (tính đến tháng 8/2011). HQ cũng là nhà tài trợ ODA lớn cho VN, trong đó năm nay cam kết hơn 400 triệu USD. Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên đã nhất trí sớm đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỷ USD trước năm 2015 và hướng tới mục tiêu 30 tỷ USD. Tổng thống Lee Myung Bak cũng khẳng định: HQ coi VNlà một đối tác quan trọng ở khu vực!
Kiều Anh