Bạn đọc viết:

Điều mong muốn cuối cùng của Người

(Dân trí) - Trước khi “vào cuộc trường sinh” về với tổ tiên và thế giới người hiền, Bác Hồ đã để lại Di chúc cho con cháu với tất cả niềm thương yêu, nỗi trăn trở, lo lắng của một người Cha trước lúc đi xa.

Điều mong muốn cuối cùng của Người
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tên gọi chính thức của nước ta từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 (Ảnh: VOV)
Nhân dịp Quốc khánh và kỉ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Người, đọc lại những điều căn dặn của Bác lòng vẫn không khỏi bồi hồi xúc động. Tôi cứ ngẫm đi ngẫm lại câu cuối cùng trong Di chúc:

“Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Nỗi niềm dân nước canh cánh, thường trực trong tim Người.

Trong chốn lao tù nơi đất khách quê người, bị đọa đày cùng cực, trái tim Người vẫn “Ngàn dặm bâng khuâng hồn nước cũ”:

“Một canh… hai canh… lại ba canh

Trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng thành

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” (1)

Độc lập, tự do cho đất nước, cho nhân dân là khát vọng cháy bỏng trong suốt cuộc đời chiến đấu của Người. Ngày 9-8-1944, một thời gian sau khi thoát khỏi nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch, trước khi rời Liễu Châu trở về nước, Người nói với Tướng Trương Phát Khuê: “Tôi là một người cộng sản, nhưng điều mà tôi quan tâm hiện nay là độc lập và tự do của nước Việt Nam, chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản”. (2)

Cuối tháng 7-1945, trong lúc khí thế cách mạng đang sôi sục, thời cơ ngàn năm có một để giải phóng dân tộc đang đến gần thì Người lại bệnh nặng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: Đêm ấy Người mệt lắm, khi tỉnh lại, Bác dặn: “Lúc này là thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày mùng 2 - 9 - 1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1946, khi trả lời câu hỏi của các nhà báo về điều mong muốn của mình, Bác Hồ khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. (3)

Hai mươi năm sau, trong Lời kêu gọi Chống Mỹ cứu nước ngày 17- 6 -1966, ham muốn tột bậc ấy được Người khẳng định lại như một chân lí của thời đại: “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”.

Độc lập tự do đối với Người gắn liền với thống nhất đất nước. Ngày 23 – 10 - 1946, trong Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, Người nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.(4)

“Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc” (5) - Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết như vậy về Người.

Ngày 20-12-1962, trong buổi tiếp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam do giáo sư Nguyễn Vǎn Hiếu dẫn đầu ra thǎm miền Bắc, sau khi nhận quà của đồng bào, đồng chí miền Nam gửi tặng, Bác đặt bàn tay lên ngực trái và cảm động nói: "Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi".

Giữa những năm 60 của thế kỉ trước, trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt thì cũng là lúc Người viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Người tin một cách chắc chắn, cũng như trước đó dịp kỉ niệm 15 năm Quốc khánh, Người đã khẳng định: “Chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam sẽ sum họp một nhà”.

Viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, điều khiến Người trăn trở, lo lắng nhiều nhất là tương lai của đất nước sau chiến tranh. Người đã giành những lời tâm huyết, chí tình chí nghĩa khi nói về Đảng, về Nhân dân, về công cuộc xây dựng đất nước, chăm lo đời sống nhân dân.

Người căn dặn: việc đầu tiên sau khi kháng chiến thắng lợi là “công việc đối với con người”. Một loạt vấn đề Người nêu ra cho đến nay vẫn còn nóng bỏng tính thời sự. Người khẳng định: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.”

Trong Lời kêu gọi Chống Mỹ cứu nước ngày 17-6-1966, Người viết: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

 Và trong Di chúc, thêm một lần nữa Người khẳng định:

Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Đêm giao thừa năm Nhâm Dần 1962, sau đi thăm một gia đình nghèo nhất thủ đô về, Bác nói với các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng đến chúc Tết Người: “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân…” (6)

"Một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" - Đó là tâm nguyện suốt cả cuộc đời hi sinh, phấn đấu vì Tổ quốc, vì Nhân dân của Người – Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Nguyễn Duy Xuân

(1) Hồ Chí Minh, Nhật kí trong tù, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2008.

(2) Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. (http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT19110934318)

(3,6) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1995.

 (4) Báo Cứu quốc, số 384, ngày 23-10-1946.

 (5) Chế Lan Viên, Người đi tìm hình của nước.