Bạn đọc viết:

Để không hối tiếc về thời sinh viên…

(Dân trí) - Là một sinh viên đang theo học một trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh, tôi rất đồng tình với bài viết trên Dân trí về thực trạng của phần lớn sinh viên ngày nay đều lãng phí quỹ thời gian quý báu của mình để rồi lúc hối tiếc thì đã muộn.

Mọi hiện tượng đều có lý do riêng của nó và việc sinh viên gây lãng phí thời gian cũng thế. Nói một cách công bằng thì bất kỳ ai trải qua thời sinh viên đều có những nuối tiếc, những ngậm ngùi cho những gì mình đã lãng phí, đặc biệt là thời gian. Ngay cả bản thân tôi cũng thế…

Là một sinh viên năm thứ 3 rồi nhưng xem ra nhìn lại quãng thời gian của 2 năm học trước, đặc biệt là năm thứ nhất khi mới bước vào trường cứ nghĩ với cái “danh hiệu thủ khoa” và đậu được đại học thì nhiệm vụ cơ bản của mình đã xong. Nên tôi mặc sức dùng thời gian làm gì thì làm, bản thân thì buông xuôi, chán nản khi vô trường đại học không như mong muốn và quá xa lạ.

Chính vì cái suy nghĩ đó mà trong cả một năm học đầu tiên, thời gian tôi dành cho ngủ là phần lớn. Dường như cái cảm giác ngủ và được ngủ trong tôi quá lớn đủ để lấn át mọi thứ, trong khi đó việc học lại quá xa vời cùng những kiến thức những môn học chẳng có gì thú vị cả…Được thêm một lý do là những người bạn của tôi hình như cũng chung suy nghĩ đó, nên chẳng ai khuyên ngăn mà lại còn đồng tình ủng hộ tôi hết mình nữa chứ.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Khoảng thời gian đi học quân sự cho tôi mới biết rèn luyện cực khổ như thế nào và làm tôi thấm mệt, nhưng không tài nào có được những giấc ngủ bình yên. Chợt suy nghĩ lại, nhìn về những đứa bạn học chung thời phổ thông với những kết quả thật đáng tự hào như có được học bổng, mở rộng giao lưu trong quan hệ xã hội, học hỏi thêm nhiều thứ nữa về cuộc sống xung quanh, tôi mới thấy mình quá tệ và xấu hổ hết sức.

Càng nhìn về quá khứ tốt đẹp của mình, tôi lại càng đau khi nghĩ tới hiện tại mịt mờ, làm cho gia đình và những bạn thân trước đầy tràn đầy hy vọng về mình bao nhiêu thì nay lại thất vọng bấy nhiêu. Nghĩ như thế nhưng xem ra động lực vẫn chưa đủ lớn để tôi thoát ra khỏi cái bóng “ngủ” của mình, nhưng dù sao có chút tiến bộ vẫn còn hơn.
Để không hối tiếc về thời sinh viên…
Sinh viên ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh (nguồn ảnh Internet)
Sang năm thứ 2, tình hình học tập căng thẳng hơn nên tôi phải học cả ngày. Nhưng quỹ thời gian buổi tối thay vì ôn bài, nghiên cứu bài mới hay làm bài tập cũ thì tôi lại chìm trong những trang nhật ký, những dòng lưu bút vẩn vơ, hoặc “tán” chuyện điện thoại… hầu như  đã trở thành một thói quen vô bổ.

Rồi cuối năm thứ 2 cũng  tới, giờ là lúc đau đầu cho việc chọn chuyên ngành. Mặc dù đã xác định trước nhưng tôi không khỏi băn khoăn, do dự về con đường lựa chọn cho tương lai.  Chính vì vậy “tán” chuyện không còn chiếm vị trí ngự trị trong tôi nữa. Nhận ra những điều thiết yếu trong cuộc sống, trong học tập và quan trọng là bước đường tương lai mà mình sẽ đi, nên tôi tự nhắc nhở bản thân phải nghiêm khắc hơn nữa.

Và rồi thay vì ngủ nướng, tán chuyện, viết nhật ký, đi dạo vu vơ… tôi dành thời gian lên thư viện nghiên cứu, học tập hay đơn giản là đọc sách, quan sát các cán bộ thư viện làm việc tại nơi mà có lẽ sau này tôi cũng sẽ gắn bó mật thiết như họ bây giờ.

Tôi nhận thấy hình như mỗi ngày lên thư viện lại tìm được niềm vui riêng,  tìm cho mình được mục đích cho chuyên ngành mà mình đã chọn và ngã rẽ riêng cho cuộc đời mình, đặc biệt là không tự ti khi đứng trước bạn bè và gia đình mình nữa. Cảm giác lạ và vui sướng biết bao nhiêu khi bước ra khỏi cái bóng của chính mình, đi tìm lại bầu trời ước mơ của mình mà khoảng thời gian qua đã vô tình lãng quên…

                                                                  Trần Loan

LTS Dân tr í- Sống có mục đích, có ước mơ luôn là động lực không thể thiếu đối với tuổi trẻ nói chung và giới sinh viên nói riêng. Thiếu điều này thì cuộc sống trở nên vô vị và buồn tẻ, còn nói gì đến việc tìm thấy  hứng thú trong học tập, nghiên cứu.

Nếu chưa tìm thấy sự hào hứng trong học tập, nhất là ở bậc đại học, thì dừng vội đổ cho nội dung chương trình hay thầy giảng chưa hay. Mà trước hết hãy nhìn lại mình, xem đã có phương pháp học tập đúng chưa, có biết biến việc học ở ĐH thành quá trình tự học, coi trọng  việc tham khảo tài liệu để mở rộng kiến thức và khám phá những điều mới mẻ trong từng môn học chưa...

Khi đã tìm thấy hứng thú học tập - nghiên cứu thì tự nhiên sẽ  biết quý trọng quỹ thời gian, không để thời gian trôi qua một cách vô ích. Đấy chính là thứ “tài sản” vô giá đối với tuổi trẻ vốn có nhiều sức bật để làm nên nghiệp lớn.