“Cứu đắm” bất động sản: Chờ phao chi bằng phải biết bơi
(Dân trí) - Cuối năm, cái lạnh đầu đông miền Bắc có lẽ chẳng thấm vào đâu so với buốt giá toát ra từ “núi” bất động sản “đóng băng”. Nghịch lý tuy vậy vẫn còn đó – bao người cần chỗ ở thật sự vẫn không thể chạm được tay tới một "cục băng" dù nhỏ nào.
Cái cò, cái vạc, cái nông…
Chuyện xưa xửa xừa xưa về “cái cò, cái vạc, cái nông…” lại được người dân liên tưởng tới trong thực tế về giá bất động sản (BĐS) cũng vô cùng bất hợp lý, lại cũng “chỉ có ở Việt Nam” này. Có điều là trong bình luận như của Hoàng Nam Long: long_hoangnam@yahoo.com.vn dù không nói tới “cái nông”, nhưng chắc ai ai cũng cảm thương cho số phận của nhân vật thứ ba trong câu chuyện này. Mà có lẽ cũng lại bởi “nông” ta thấp cổ bé họng, chẳng biết kêu ai…
“BĐS của ta từ trước đến nay chủ yếu là ...Cò bán cho Vạc thôi, chứ người mua để ở thực sự (“nông”?) thì theo tôi không nhiều. Mà chủ yếu cũng do giá BĐS VN bị Cò, Vạc đẩy giá lên. Bây giờ Cò nhanh chân hơn bay mất rồi, chỉ còn lại Vạc ôm lấy BĐS mà ngồi kêu cứu….Tôi e là có nhờ đến Chính phủ hoặc ngân hàng gì cũng thế thôi nếu không quay về giá trị thực, bởi vì dân lao động là những người cần có nhà với số lượng đông đảo nhất (nông) thì lại ăn chưa đủ, nghĩ gì đến chuyện mua nhà…” - Hồng Hà: hongduc63@gmail.com
Quy luật cạnh tranh theo cơ chế thị trường luôn được nhấn mạnh, bởi không thể vẫn có những sự ưu ái ngầm cho số ít ai đó, còn số đông người dân luôn tự phải chấp nhận, phải theo...
“Nói về nhà đất, xin thưa là khi chủ đầu tư đã kinh doanh thì phải chấp nhận cả lời lẫn lỗ, chứ đừng gọi ai cứu. Nếu không có khả năng thì thôi, đừng tham vọng nữa chứ đừng vẫn cứ nghĩ ‘quê hương là chùm khế ngọt’ mà trèo hái mỗi ngày, thì người dân nói chung là phải gánh tiếp cuộc phiêu lưu này của họ mất thôi” – Huynh Phu Long: phulong3@gmail.com
“Kinh doanh có lúc lãi có lúc lỗ là chuyện thường. Các doanh nghiệp sản xuất dư thừa hàng hóa phải bán lỗ để thu hồi vốn. Ngay lúa gạo khi được mùa nông dân cũng phải bán giá thấp đó thôi. Do còn kém hiểu biết và ít thông tin, nên dù làm ra hạt gạo vất vả là thế, nhưng họ vẫn phải bán lỗ, nếu không chẳng có tiền mà trả nợ mua phân bón. Hiện tại các trang trại nuôi lợn, nuôi gà, theo tôi biết lỗ tới 20-30% họ vẫn phải bán. Nếu không càng lỗ, người nuôi cũng ‘chết’ cùng lợn gà luôn. Các doanh nghiệp BĐS đã thu lời quá nhiều rồi, vì thấy lãi quá dễ và quá lớn cứ thi nhau xây nhà, thi nhau mua đất trả thêm phụ phí để có dự án. Nay quá dư thừa thì phải bán lỗ cũng là chuyện thường chứ” - Trịnh Minh Quang: quangtrm@yahoo.com
Cứu ai, ai cứu
Bàn tiếp về chuyện ném phao cứu đắm, có ý kiến viện dẫn tình cảnh của công nhân xây dựng ra để tăng sức nặng cho lời kêu cứu:
“Hãy cứu lấy người lao động ngành xây dựng! Tôi nghĩ là có giảm giá BĐS nữa cũng không ai mua đâu, vì người ta còn chờ giảm nữa. Theo tôi, giải pháp tốt nhất bây giờ là bắt tay nhau không giảm nữa. Chính phủ cần can thiệp với những trường hợp cố tính phá giá. với giá này người lao động ngành xây dựng đã khổ lắm rồi, giảm nữa thì họ sống bằng gì? Hàng triệu công nhân ngành xây dựng và vật liệu xây dựng đang kêu cứu… Ai cũng muốn vì lợi ích cá nhân, nhưng cá nhân nào là số đông thì mong Chính phủ quan tâm hơn. Mong hãy cứu những người thợ xây dựng, nếu không đến lúc muốn xây nhà cũng chẳng còn thợ mà xây.
Giải pháp trước mắt, theo tôi nghĩ là nên siết chặt nguồn cung, chống phá giá. Đồng thời công khai giá thành tối thiểu, hỗ trợ tín dụng cho người mua, hỗ trợ tín dụng cho xây dựng cơ sở hạ tầng khu đô thị mới, hỗ trợ vốn cho công trình phúc lợi. Giảm bớt thủ tục hành chính cho người mua nhà, khuyến khích chuyển đổi mục đích nhà bán sang nhà cho thuê, bán nhà trả góp thời hạn dài (10-15)năm. Liên kết các nhà đầu tư lại để luân chuyển vốn (gom vốn bán được cho một nhà để hoàn thiện sản phẩm rồi quay vòng)....
Tôi tin là với những giải pháp trên thì người thu nhập thấp, công nhân sinh viên vẫn có nhà thuê giá rẻ. Người thu nhập trung bình có thể mua nhà trả góp. Người lao động ngành xây dựng và VLXD vẫn có việc làm, tiêu thụ VLXD tồn kho...Và cao hơn cả là người mua nhà không còn hy vọng vào BĐS còn hạ nữa, thì thị trường mới có hy vọng phục hồi và nợ xấu mới thu hồi được, để ngân hàng đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng khác...” - Nguyễn Đức Vinh: vinhnd09@gmail.com
Ngược lại, nhiều bạn đọc nhìn sự việc từ hướng khác để cảnh báo về những “cái bẫy” mà họ cho là vẫn có thể nhìn thấy khá rõ. Và cũng là để chỉ ra tiếp một nghịch lý nữa, rằng những người đáng lẽ ra cần kêu cứu thì nhiều khi chẳng biết kêu ai và ai sẽ nghe thấu. Trong khi…
“Tôi chưa thấy có thống kê xem số nhà đã bán có bao nhiêu % người ở. Chắc chắn là rất thấp, vì đa số người mua là những nhà đầu cơ. Chính vì giá nhà thời gian trước đây được thổi lên ào ào cũng là do dân đầu cơ thổi lên mà thôi. Giá thành XD nói chung chỉ khoảng 5tr/m2, vậy tại sao giá bán cao ngất ngưởng? Hiện nay các chủ đầu tư kêu giá thành cao, thì theo tôi nghĩ là trong cơ cấu giá thành đó lãi suất ngân hàng đã chiếm tỷ lệ khá cao. Trước đây doanh nghiệp bán có lời thì nay bán sát giá hoặc thấp hơn giá thành cũng là điều có thể. Theo một DN phía Bắc thì giá 10tr/m2 cũng chưa phải là lỗ đâu, chỉ là lãi ít thôi. Người mua nhà để thực ở vẫn có thể chờ, khi nào các nhà đầu tư chịu bán sát giá thành hoặc không cầm cự được nữa, thì bong bóng BĐS phải xì hơi thôi. Hiện nay nhiều nhà đầu tư vẫn chưa chịu hạ giá, ai cũng biết là chẳng qua là họ vẫn còn trông vào cái ‘phao’ của Chính phủ đó thôi” - Hoàng Nam Long: long_hoangnam@yahoo.com.vn
“Thực sự nhà đầu tư liên kết với nhau để buộc ngân hàng ra tay cứu trợ vốn, vì có như vậy ngân hàng vừa giúp gỡ rối trong nội bộ ngân hàng, vừa là cơ sở để cho nhà đầu cơ thu hồi vốn cá nhân đã huy động bỏ ra. Còn thiệt hại vẫn là nhà nước mà thôi. Theo chúng tôi: Nhà đầu tư BĐS thực tế hiện nay đang chiếm ưu thế đẩy ngân hàng vào thế khó và là người gỡ rối cho nhà đầu tư. Vì vậy, nhà nước không nên cho vay BĐS trong tình hình hiện nay, chỉ cho vay khi thật sự nhà đầu tư tích cực giảm giá bán về giá vốn mà thôi. Coi chừng sụp bẫy và cũng đừng lấy cớ là lo cho dân có nhà mà giải ngân!” - Phan Thanh Hùng: datvang28@yahoo.com.vn
“Giá BĐS vẫn còn cao chót vót. Các nhà đầu tư BĐS đã gặt hái quá nhiều những năm qua một cách quá dễ dàng nên họ thường cho vào giá cả các chi phí tiêu cực, tham nhũng... Các chi phí này thường chiếm tới 40% giá thành. Vì vậy hiện nay giá có xuống nữa họ vẫn chưa ‘chết’ đâu, và vì chưa ‘chết’ nên họ quyết không xuống giá. Giá xây dựng hiện nay vẫn rất thiếu minh bạch” - Trần Hải: trandinhhai872@gmail.com
“Nhiều người dân chưa có nhà hoặc không thể mua được nhà để ở vì giá cao thì không kêu cứu, người có nhiều nhà không chịu hạ giá để bán thì lại kêu cứu? Thật là ngược đời” – GGGG: kanchanaphiset2011@gmail.com
Họ là những “cái nông” rõ ràng là hoàn cảnh hơn gấp nhiều nhiều lần so với các “đại gia” BĐS ngày nào…
Tự cứu hay chờ...
Về sự so sánh giá BĐS của VN với các nước khác, khoảng cách lớn cũng vẫn tồn tại bởi sự nhìn nhận vấn đề từ hai hướng trái ngược hẳn với nhau. Một bên vẫn… trông chờ vào phao cứu đắm, bên kia kiên quyết “tự làm, tự chịu” nhất là cần có biện pháp phòng ngừa rủi ro cho bản thân là chính khi muốn dấn thân.
“Tại sao các chủ đầu tư BĐS không chịu giảm giá mà chỉ trông chờ vào chính sách ưu đãi của Chính phủ? Theo tôi đó là do giá BĐS của VN quá cao so với mức thu nhập chung của dân cư. Không thể so sánh giá BĐS VN và các nước khác vì nó khập khiễng. Các DN BĐS cũng là DN, đã là DN thì phải chấp nhận có lỗ, có lãi hoặc phá sản. Những năm trước lãi ra sao không thấy ai nói, nay bán sát giá (thậm chí vẫn có lãi chút ít) lại kêu Chính phủ, nghe có được không? Giá thành xây dựng thực sự là bao nhiêu? Chính phủ không nên nuông chiều ngành BĐS quá, để phần đông người dân đang không có nơi ở còn được nhờ” - Vinh Nguyên: ngduyvinhsdx@gmail.com
“Các ‘đại gia’ theo tôi thấy, vẫn chỉ biết kêu chứ không hành động thực sự. Các vị phải giảm giá tới mức giá trị thực khi chưa bị thổi thành bong bóng, và triệt để khâu tiêu thụ làm sao đưa sản phẩm tới tận tay người có nhu cầu thực sự, chứ không phải để qua trung gian hoặc để nhân viên công ty làm giá. Khi các vị có những hành động này thì người dân có nhu cầu sẽ tự tìm tới mua và các cơ quan chức năng sẽ nhảy vào hỗ trợ, dần kéo tình hình BĐS đi lên. Nhà nước nên đứng ra thu mua từ các ‘đại gia’ BĐS thì sẽ mua được giá trị thực và bán lại cho những người có nhu cầu thực” - Lê Chí Cường: cuongphat@cuongphat.vn
“Hàng làm ra bán không được thì nên xem lại coi có lỗi gì không? Theo tôi thì: 1/. Giá thành quá cao so với thu nhập chung của người dân. 2/. Chất lượng quá thấp, làm mất lòng tin. 3/. Phương thức thanh toán có sòng phẳng không và chế độ hậu mãi có tốt không? THÀNH THẬT TRẢ LỜI 3 VẤN ĐỀ TRÊN LÀ CỨU ĐƯỢC THỊ TRƯỜNG BĐS” - 8 vui: kh-duoc-binh-thuong@yahoo.com.vn
Kiều Anh