Vì sao "đại gia" nhà đất kêu cứu nhưng không giảm giá?

(Dân trí) - Đã nhiều lần kêu cứu về lượng hàng tồn quá lớn, sức mua sụt giảm tuy nhiên các doanh nghiệp địa ốc vẫn coi việc giảm giá là việc “cực chẳng đã”, không tính chuyện giảm giá và có khi giảm giá được coi là giải pháp tiêu cực.

Thay vào đó, các chủ đầu tư đang ôm cả núi hàng tồn này hướng tới kích cầu bằng cách kiến nghị ngân hàng hỗ trợ ví tiền của người mua, và hướng người mua đến những căn hộ có diện tích vừa phải….
 
Vì sao đai gia nhà đất kêu cứu nhưng không giảm giá?
Hiện 44 tỉnh thành trên cả nước đang chôn  40.750 tỷ đồng hàng tồn bất động sản theo số liệu của Bộ trưởng Xây dựng

Giảm hết cỡ vẫn không bán được hàng

Hiệp hội BĐS TPHCM vừa kiến nghị với Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về cơ cấu lại nợ doanh nghiệp, ưu đãi vốn vay cho người mua nhà để giải quyết lượng hàng tồn tại TP Hồ Chí Minh.

Đây là lần lần thứ 2 trong năm nay, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh gửi văn bản kiến nghị gửi các cấp ban ngành giải cứu thị trường địa ốc.

Trong văn bản kiến nghị dài nhiều trang lần này gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ  Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Hiệp hội này cho rằng “tình hình thị trường bất động sản đang cực kỳ khó khăn”.

Con số mà Hiệp hội đưa ra tại TP Hồ Chí Minh lượng hàng tồn kho khoảng 10.100 căn hộ chung cư, 1.000 căn nhà thấp tầng, 19.000 m2 văn phòng và Trung tâm thương mại.

Theo Hiệp hội này, Giá bất động sản đang giảm sâu, thậm chí có nơi giá bán đã giảm đến 30%, có công ty bán chịu lỗ (11,9 tiệu đồng/m2 căn hộ) vẫn không bán được hàng.

Đề cập về chuyện giá thành đã giảm xuống tới mức bán chịu lỗ mà vẫn không đẩy được hàng, tại một hội thảo về giải pháp cứu thị trường tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long cho rằng: giá xây dựng nhà VN đang ở mức thấp nhất.

Theo tính toán của vị doanh nhân này, chi phí xây dựng nhà 1 trệt 1 lầu có giá 4 - 5 triệu đồng/m2, 5 tầng có giá 4 - 8 triệu đồng/m2, 8 - 12 tầng có giá trên 7 triệu đồng/m2…

“Chúng tôi đã đi tham quan Thái Lan, Singapore, Hà Lan thì thấy rằng giá thành xây dựng ở Việt Nam là rẻ nhất. Như vậy doanh nghiệp không thể giảm giá xây dựng để giảm giá nhà. Muốn giảm giá nhà thì cần phải rút ngắn thời gian đầu tư. Hiện thời gian đầu tư ở Việt Nam dài gấp 2,5 - 4 lần so với các nước trong khu vực và thời gian này cần phải rút ngắn”, ông Quang nói.

Cách đây một tháng, tại phía Bắc một doanh nghiệp cũng lên tiếng cho rằng việc giảm giá căn hộ xuống 10 triệu/m2 mang tính tiêu cực như  “phá giá” “bỏ cuộc chơi” gây tâm lý so sánh của người mua nhà.

“Kích” ngân hàng “bơm” tiền cho người mua căn hộ nhỏ

Không thể giảm giá, hoặc không tính chuyện giảm giá, nhiều doanh nghiệp từ đầu năm tới nay liên tục đưa ra những giải pháp bán nhà mà không ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng tới giá. Những đề xuất này được nhắc lại nhiều lần trong các cuộc hội thảo, gặp mặt cơ quan quản lý của các lãnh đạo doanh nghiệp.

Cũng trong hội thảo tập trung các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn phía Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh cách đây vài ngày,  ông Trần Lê Khánh, chuyên gia đầu tư BĐS kiến nghị giai đoạn này DN nên tập trung vào người tiêu dùng cuối cùng và đảm bảo chất lượng với cam kết. “Doanh nghiệp không nên giảm giá quá nhiều vì như thế sẽ “giết” phần lớn số khách hàng đã mua nhà trước đó”, ông Khánh nói.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh gửi bản kiến nghị dài nhiều trang và nhiều đề xuất để cứu thị trường. Theo những kiến nghị này thì, Hiệp hội đề nghị có chính sách, cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi khoảng 8%/năm trong thời hạn từ 5-10 năm cho người mua căn hộ đầu tiên, người đang ở chật hẹp (dưới 5m2/người) để mua căn hộ.

Đáng lưu lý, Hiệp hội đề nghị ngân hàng liên kết và hỗ trợ doanh nghiệp để cấp tín dụng cho người mua nhà.

Ngoài ra, Hiệp hội này còn đề nghị Nhà nước có kế hoạch mua lại các dự án căn hộ có diện tích phù hợp để phục vụ chương trình tái định cư và làm quỹ nhà ở xã hội như Tp.Hồ Chí Minh đã thực hiện.Mặt khác, theo kiến nghị Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh thì việc chia tách căn hộ nên được thực hiện.

Nếu nhìn vào bản kiến nghị này thì thấy việc trì hoãn giảm giá hoặc không tính chuyện giảm giá nằm trong dự tính của các doanh nghiệp khi các chủ đầu tư đưa ra lý do đã giảm hết mức, thậm chí đã phải lỗ để giảm giá.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn thị trường bất động sản một người có nhu cầu thực về nhà ở, anh Hoàng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng trong 10 năm trở lại đây thị trường trải qua hai đợt sốt đất lớn và kéo dài tình trạng sốt giá nhà, giá đất ở mức quá cao trong nhiều năm.

“Vậy nên, giá nhà được thổi bóng trong thời gian dài thì bây giờ nếu có ‘xì’ chút hơi cũng là hợp lý”, anh Hoàng nói.

Theo dự tính của người mua nhà này thì sẽ chờ đợi thêm thời gian nữa, “Ít nhất là nửa năm, hoặc một năm, khi đó giá nhà buộc phải giảm. Nhiều doanh nghiệp địa ốc kêu cứu là “chết lâm sàng” nhưng phá sản thật thì có bao nhiêu”, anh Hoàng nói.
 
V.Hoàng