Cùng trăn trở về thực trạng khoa học

(Dân trí) - Cứ nhìn vào khoa học nước nhà mà buồn rơi nước mắt. Phần lớn cán bộ các viện đâu được toàn tâm toàn trí làm khoa học mà còn phải lo cuộc sống. Lương không đủ sống thì còn tâm huyết đâu mà làm công việc vốn đòi hỏi nhiều tâm sức.

Nguyễn Phương:

 

Vào không ít viện nghiên cứu ngày nay, thường nhìn thấy những “hoạ sĩ” vẽ vời đâu đâu, còn những người thật sự có năng lực nghiên cứu thì đã bỏ đi gần hết,. Số còn lại ít năng lực thì thường ngồi nghiên cứu lại những cái người ta đã nghiên cứu từ lâu rồi, cóp nhặt ý tưởng và sao chép kết quả nghiên cứu của người khác thành báo cáo khoa học của mình.

 

Còn trang bị khoa học thì lãng phí vô cùng, đúng như GS. Nguyễn Văn Hiệu đã nhận định. Chắc là Bộ Khoa học và Công nghệ cũng không trả lời được hiện nay có bao nhiêu phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động có hiệu quả, bao nhiêu phòng thí nghiệm không hoạt động, bao nhiêu dự án mua trang thiết bị tốt cho các tỉnh chỉ để trang trí cho oai, còn không hề phát huy tác dụng...

 

Thực trạng khoa học nước ta hình như đang sống dở chết dở, còn tương lai có  “tuyệt  tự” hay không thì thời gian sẽ trả lời. Nó tùy thuộc vào các cấp lãnh đạo có nhận thức đúng thực trạng này không và có quyết sách đúng đắn, kịp thời hay không.

 

Đức Duy:

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Tôi đã có một thời ước mơ được làm khoa học. Sinh trưởng trong một gia đình công nhân, chẳng có ai học đến đại học, tôi cố gắng phấn đấu thi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp và học khá để được về công tác tại một viện khoa học trung ương. Vừa chật vật lo đời sống, vừa cố gắng phấn đấu, sau khi  học xong thạc sĩ, lương vẫn chưa được 3 triệu đồng/tháng, hầu hết công việc nuôi con và chi tiêu trong gia đình vẫn phải nhờ vợ.
 
Dù phải sống trong hoàn cảnh eo hẹp về kinh tế, lại không thấy thoải mái về tinh thần vì phải sống trong cơ chế “xin-cho”, tôi vẫn tiếp tục phấn đấu làm tiến sĩ. Cơ quan tạo điều kiện cho tôi có thời gian ở nước ngoài để làm thí nghiệm. Công việc hầu như đã xong về cơ bản, vậy mà tôi đành “dứt áo” ra đi khi có cơ hội chuyển về một doanh nghiệp tài chính tư nhân. Trong lúc tôi còn do dự, vợ tôi đã khuyên: “Dù anh có bằng tiến sĩ mà còn làm khoa học, thì vợ con anh cũng chẳng trông cậy được gì vào đồng lương chết đói của anh đâu”.

 

May mắn nhờ có vốn liếng khoa học cơ bản và có phương pháp làm việc, chỉ qua vài năm vừa học vừa làm, tôi chứng tỏ được năng lực có thật của mình và thấy rất vui vì ở môi trường mới tôi được làm việc thật sự và được trả lương xứng đáng với công sức của mình bỏ ra.

 

Đọc bài trả lời phỏng vấn của GS. Nguyễn Văn Hiệu, tôi thấy đồng tình về cơ bản và muốn nói thêm rằng: chính cơ chế “xin-cho” và sự đối xử thiếu sòng phẳng, không được trả lương theo đúng năng lực, thậm chí có cả hiện tượng tham nhũng trong các cơ quan khoa học, đã làm mòn tâm huyết và ý chí của những cán bộ vốn dĩ yêu khoa học.
 
Cùng trăn trở về thực trạng khoa học - 1

(Ảnh minh họa - nguồn internet)

 

Nguyễn Xiêm và Điền Tâm:

 

Hiện nay Việt Nam ta làm gì có nền khoa học theo đúng nghĩa mà GS. VS Nguyễn Văn Hiệu lo cho nền khoa học ấy bị “tuyệt tự”? Hãy nhìn xem ai ở Việt Nam đang làm khoa học? Nông dân chế tạo và cải tiến các máy nông nghiệp, hóa ra “anh Hai Lúa” lại giỏi hơn các nhà khoa học chăng? Rồi còn “ông Thần Đèn” có tài di dời những tòa nhà lớn mà chưa từng học ở trường đại học nào ra, cũng chẳng ở viện nghiên cứu khoa học nào mà đã thực hiện thành công việc di dời biết bao công trình.

 

“Theo tôi, muốn nghiên cứu gì cũng được nhưng tất cả phải phục vụ thực tiễn, đáp ứng những nhu cầu đích thực của cuộc sống. Các nhà khoa học nghiên cứu hay làm gì thì phải biết cái đó có ích gì, khả năng ứng dụng vào đâu? chứ không nên chỉ dùng những kết quả nghiên cứu để làm chứng từ thanh toán kinh phí đề tài hay cốt lấy thành tích báo cáo với cấp trên.

Các nhà khoa học hãy cố gắng bám sát thực tiễn cuộc sống, từ đó sẽ tìm ra những đề tài đích đáng, còn nếu chỉ ngồi ở văn phòng thì tôi dám chắc ý tưởng đề ra chỉ vẽ trên giấy để đổi lấy đồng lương èo uột mà thôi” - Nguyen Trong Bao.

Không biết trước những thành công đáng khâm phục đó, các cơ quan khoa học cũng như các nhà khoa học của chúng ta có thấy chạnh lòng và tủi hổ không, khi họ làm đề tài này dự án kia chỉ là phương tiện để “rút tiền ngân sách” một cách hợp pháp mà thôi, còn kết quả thì không quan trọng.

 

Trong tình trạng tham nhũng còn khá phổ biến hiện nay, e rằng lĩnh vực khoa học không phải là một “ốc đảo” biệt lập, cho nên liệu có sự vô tư trong sáng để có thể chọn ra và xây dựng được những trung tâm khoa học xuất sắc như GS Nguyễn Văn Hiệu kỳ vọng không? Tôi e rằng khái niệm này chỉ tồn tại như một ý tưởng tốt đẹp, còn tính khả thi không nhiều nếu như không thay đổi về cơ bản cung cách quản lý khoa học, chấm dứt nạn tham nhũng trong các lĩnh vực hoạt động thuộc “quốc sách hàng đầu” là khoa học và giáo dục.

  

Vincent Nguyễn:

 

8 năm về thăm lại bạn bè ngày xưa học khoa cơ khí  ĐHBK TPHCM, gần như 100% số bạn bè tôi làm các ngành khác như: dịch vụ hậu cần cho công ty nước ngoài, tàu biển, buôn bán hóa chất, xây dựng nhà cửa, buôn bán vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, kể cả dịch vụ quảng cáo người mẫu...

 

Điều này làm tôi vô cùng băn khoăn. Nhân công VN rẻ hơn Trung Quốc, Thái Lan, và nhiều nước Asian khác nhưng tại sao từ cái xích xe đạp, phụ tùng xe máy, đồ dùng gia đình đều Made and Designed in China hoặc Thái Lan (Hàng hóa tại Mỹ designed in USA, Made in China vì nhân công TQ rẻ bằng 1/10 nhân công Mỹ). Vậy ngành KHCN của VN sẽ đi về đâu khi nhà nước, nhân dân cùng bỏ tiền ra đào tạo kỹ sư từ các trường đại học, mà khi ra trường đều qua làm dịch vụ, xây dựng, bất động sản?

 

Nguyễn An:

 

Tôi là giáo viên THPT và được chứng kiến những gì diễn ra ở  bậc phổ thông, nên thấy rất lo sau này không những khoa học VN “tuyệt tự” mà cả những người lao động có tri thức cũng “tuyệt tự” nốt.

 

Nghiêm chỉnh mà nói, nếu làm nghiêm túc thì thi tốt nghiệp THPT chỉ khoảng 15% - 20% là học sinh qua được kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng người ta không chấp nhận thế mà làm mọi cách để đỗ tới 99,99% hoặc 100%. Những ai làm nên tình trạng đó? Câu hỏi đó mọi người đều trả lời được. Chẳng qua vì cái nếp sống “thành tích” và dối trá “làm láo, báo cáo hay” đã ăn sâu vào máu thịt của các cấp quản lý rồi. Chính vì vậy cho nên kết quả thi đại học năm nay đạt điểm thấp đáng buồn, đặc biệt là môn sử.

 

Với chất lượng học sinh như vậy thì làm công nhân còn khó chứ nói gì đến nghiên cứu khoa học. Cho nên nếu không thay đổi cung cách quản lý, cứ để trượt dài theo cái đà này thì đất nước chúng ta “tuyệt tự” các nhà khoa học đã đành, mà còn “tuyệt tự” cả những người lao động có tri thức cũng là điều dễ hiểu.

 

LTS Dân trí - Đọc những ý kiến đóng góp thẳng thắn và tâm huyết của nhiều bạn đọc, chúng ta càng thấy rõ hơn thực trạng đáng lo lắng của nền  khoa học nước nhà vốn được khẳng định có vị trí “quốc sách hàng đầu”, là động lực phát triển của đất nước trong thời đại ngày nay.

 

Nói đến những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng yếu kém nói trên, phần lớn ý kiến bạn đọc đều có cái nhìn khách quan cả về phía các cơ quan quản lý khoa học và bản thân những người làm khoa học. Nhưng nguyên nhân có ý nghĩa chi phối và quyết định nhất  thuộc về trách nhiệm của các cấp quản lý khoa học. Từ đó dẫn tới sự đầu tư không đích đáng về trang thiết bị khoa học, kể cả nguồn vốn lớn đầu tư cho các phòng thí nghiệm trọng điểm cũng như đầu tư dàn trải cho nhiều đề tài thiếu ý nghĩa thiết thực và không có tính khả thi trong khi cuộc sống, đặt ra biết bao nhiêu vấn đề cấp bách rất cần sự đóng góp có hiệu quả của các cơ quan khoa học.