Chuyện dạy và học: Khi người lớn soi mình trong mắt con trẻ

(Dân trí) - Những trăn trở khá “già dặn” của một học sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT về sự công bằng trong giáo dục, như cộng thêm sức nặng khiến cán cân đang chung chiêng giữa hình thức và thực chất của chuyện học hành và thi cử càng nghiêng hẳn về một phía.

 
Minh hoạ của ĐAN (theo Lao Động)
Minh hoạ của ĐAN (theo Lao Động)

 

Cánh én và mùa xuân
 

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” - Lời dạy đó của các bậc tiền nhân vẫn vẹn nguyên giá trị trong thời hiện đại hôm nay, nhất là trong lĩnh vực “trồng người” có ý nghĩa vô cùng quan trọng với tất cả mọi lĩnh vực phát triển của bất kỳ quốc gia nào, xã hội nào…

 

Nhưng (ở đời bao giờ cũng có nhiều chữ “nhưng” lắm) trong ngành giáo dục của VN lâu nay (và nhiều bạn đọc còn nêu rõ rằng không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục đâu) cái giá trị thực của “gỗ tốt” đã và đang bị làm cho lu mờ dưới lớp “nước sơn” hào nhoáng, khiến dư luận bao gồm cả chính nhiều thầy và trò đã bao lần phải lên tiếng cảnh báo.

 

Lại thêm một chữ “nhưng” nữa, đó là cảnh báo hoài, phê phán mãi nhưng thực trạng học hành và thi cử ở VN ta vẫn… chẳng giống ai. Hậu quả là học sinh của chúng ta bị ép học theo kiểu “nhồi nhét” quá nhiều kiến thức, mà ra đời thì đa số vẫn lơ ngơ như… gà công nghiệp. Còn các bậc phụ huynh thời nay ai cũng phải chịu thêm gánh nặng lo toan kiểu “học theo con, thi cùng con”. Xã hội thì thêm bao khoản tốn phí toàn tiền tỉ, trong khi dư luận luôn có những phản ứng ngược bởi quá lo ngại cho chất lượng thực sự của nền giáo dục nước nhà trước những cách làm giáo dục mà lại “phản giáo dục” vẫn tồn tại ở nhiều nơi như vậy.

 

Có lẽ cũng bởi thế cho nên khi Dân trí đăng tải bài viết của một bạn đọc tự giới thiệu là học sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012,  đã lập tức thu hút một lượng lớn độc giả cùng vào cuộc bình luận, trao đổi ý kiến.

 

Số người tỏ ra bi quan trước thực trạng xem ra đã như “đóng đinh” vào ngành giáo dục VN nêu những “rào cản” vô hình do chính người lớn chúng ta tự dựng nên, để rồi lại vì những điều “tế nhị” khó nói ra vì động chỗ nọ, chạm chỗ kia… mà đi tới khẳng định: khó vượt qua lắm!!! Trong khi từ các giáo viên và học sinh có thể thấy rõ nguyện vọng chung vẫn là: Nhất thiết phải thay đổi!

 

"Mình cũng vừa trải qua kì thi tốt nghiệp như bạn, cũng thật sự buồn khi thấy những giá trị của sự công bằng, đạo đức từ xưa đến nay lại bị đánh mất như vậy. Bộ ra đề thi Văn về thói dối trá, nhưng ngay trong chính ngành giáo dục lại có quá nhiều dối trá. Hỏi thử tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ấy có bao nhiêu phần trăm là sự thật? Mọi người đã quá coi trọng bằng cấp và điểm số, mà lại đánh mất đi thực lực của bản thân, tự ảo tưởng về chính mình. Nếu cứ như vậy thì xã hội làm sao mà phát triển tốt được?” – nick Học sinh:  maihong_dao@yahoo.com

 

“Theo mình, bạn nói có lẽ còn chưa đúng 1 chỗ. Đó là có những HS không học mà vẫn có được bằng Khá, Giỏi. Mình nghĩ, bằng Khá thì có thể có, còn bằng Giỏi thì không học không có được đâu, có thể bạn chưa biết rõ quy trình xét cấp bằng Tốt nghiệp đấy thôi. Còn lại thì mình đồng ý với bạn. Mình cũng vừa thi Tốt nghiệp xong và mình tự hào khi nhận bằng Khá, nhưng cũng thấy thật bất công khi những người không học cũng vậy.

 

Lớp mình có một bạn nữ khá xinh nhưng lười học, suốt ngày chơi bời, chưng diện và có mặt ở các quán bar. Kiểm tra miệng thì có người nhắc, kiểm tra giấy thì chép của bạn. Cả thi học kì cũng chép. Cuối năm cô nàng được học sinh khá. Thi tốt nghiệp thì đem "phao" vào và chép, kết quả được 45.5 điểm, hơn cả những bạn thật sự chăm chỉ. Sao mà dễ dàng quá thế? Niềm tự hào của mình biến mất, vì ắt hẳn hiểu được bản chất thi tốt nghiệp chắc người ta cũng nghĩ mình chép bài nên mới được điểm cao. Năm sau em mình thi, chắc mình phải làm công tác tư tưởng để nhỏ không bị vỡ mộng như bạn và mình. Buồn!!!” - Lệ Thu:  evy_ruoi@yahoo.com

 

“Các tỉnh khác thi thế nào mình không biết, nhưng các bạn thi ở Vĩnh Long sẽ thấy: 1 lần hỏi cũng không có chứ đừng nói đến "phao" là cuộc đời mình tiêu. Mình thấy các bạn tỉnh khác sao mà... sướng thế. Rồi câu trả lời sẽ nằm ở kì thi cao đẳng và đại học. Mình vẫn cứ nghĩ: gieo nhân nào thì sẽ hái quả đó mà thôi!” - Nguyễn Tấn Lộc:  tanloc1994@gmail.com

 

“Bạn thân mến! Tôi cũng là một người làm trong ngành giáo dục, cũng thấy những vấn đề bất cập luôn xảy ra hàng ngày. Chuyện bạn làm thật tuyệt vời và tôi khâm phục bạn. Chỉ mong rằng ai cũng nghĩ được như thế. Xã hội đi lên hay đi xuống, theo tôi nghĩ, tất cả từ nền giáo dục mà ra. Những việc người lớn dạy: Con (cháu) phải làm thế này, thế kia mới đúng. Nhưng sau đó chính những người vừa dạy dỗ chúng ta lại vẫn có thể mắc sai lầm và làm ngược lại những gì họ nói, vậy thì người lớn có giáo dục được con cháu họ hay học sinh hay không? Tôi thấy nền giáo dục hiện nay chỉ đang "sống" một cách tạm bợ, và ai cũng nghĩ là cứ vậy là đang làm hại các thế hệ trẻ một cách dần dần. Họ là người dạy chúng ta, nhưng chính họ lại làm ngược lại những triết lý do chính họ đề ra là sao? Nhưng tiếc là chúng ta lực bất tòng tâm. Một mình bạn không thể xoay chuyển được điều gì đâu. Mà phải là quyết tâm cải cách với cả hệ thống giáo dục kia. Chúc bạn thành công ^.^” -  Nguyễn Tuấn Đạt:  nongdansanhdieu.tk@gmail.com

 

“Nếu đây đúng là suy nghĩ và bài viết của 1 học sinh 12 vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp, thì chúng ta - những người lớn và nhất là những người trong ngành giáo dục - rất đáng để suy nghĩ. Và mong những người được xã hội tôn vinh là Thầy/Cô giáo cũng hãy xem lại lương tâm và trách nhiệm của mình một cách thật công bằng...” - Lê Minh Khôi:  lmkhoidhnl@gmail.com

 

“Bạn có suy nghĩ rất tốt. Nhưng "Một con én không làm nên mùa xuân"... Dù sao theo mình nghĩ, điều đó cũng báo hiệu mùa xuân sắp đến. Hi vọng là đến sớm với những người cùng suy nghĩ như bạn...” - Quynh Thao: taquynhthaoksdd@gmail.com

 

Công bằng ở chính mỗi người

 

Giá trị của sự công bằng không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục dù giờ đây đang bị nhiều người đặt những dấu hỏi lớn, nhưng chân giá trị của nó luôn còn đó, không gì có thể lay chuyển và làm đảo ngược được. Điều đáng buồn là kinh nghiệm đường đời đã khiến niềm tin vào những chân giá trị của sự công bằng, đức tính trung thực, lòng dũng cảm… ở rất nhiều người lớn đã bị lung lay, thậm chí gần như biến mất:

 

“Cháu thân mến! Theo như tôi thấy thì ở trên đời này có lẽ không bao giờ có hai chữ Công Bằng thật sự đâu” - Tuyết:  tuyetmuaha.tn@gmail.com

 

“Theo như tôi thấy, bây giờ trong XH làm gì có được sự Công Bằng đúng nghĩa đâu. Gần như cái gì cũng có thể dùng tiền và ‘biện pháp” để chi phối mà… Với cách làm giáo dục như hiện nay, tôi lo VN không biết bao giờ mới thoát khỏi vị thế nước đang phát triển đâu...” - Huong:  nlabhuong@ymail.com

 

“Đào tạo như vậy liệu xã hội sau này có sẽ lẫn lộn giữa người tài, người siêng năng với những kẻ lười biếng, dốt, kém... không? Vậy thì tôi e là nhiều năm sau nữa cũng vẫn giống trước, sẽ chẳng phát triển thêm được gì cả đâu. Tôi cũng nghĩ: xã hội sau này phát triển đi lên hay thụt lùi đi xuống, quan trọng nhất chỉ có 2 chữ: GIÁO DỤC!” – Jack Chung:  chungdiphuc86@yahoo.com

 

 “Em rất thẳng thắn khi nói ra suy nghĩ và những bức xúc của mình. Đó chính là thực tại đang diễn ra trong nền giáo dục tại VN hiện nay - học nhiều khi lại cũng như không học.... Nhưng nói về tính trung thực ở đây, theo tôi thì phải 40% là ở hội đồng coi thi, 10% ở nhà trường và 50% là ở chính học sinh. Nếu tất cả cùng trung thực thì tôi tin kỳ thi tốt nghiệp sẽ phản ánh thực chất lực học của HS” - Anh Nguyen:  nguyenthimaianh22@gmail.com

 

 “Có hai sự lựa chọn: 1.Bạn sống như câu nói của Bill Gates: "Thế giới vốn không công bằng và tốt hơn hết là bạn hãy học cách thích nghi với điều đó". Sống như vậy cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn vì bạn biết cách thích nghi và cho dù bạn có cố gắng thay đổi thì cũng chẳng làm gì được … 2. Bạn muốn giải quyết những bất bình bạn đang có? Bạn muốn góp phần giữ gìn trật tự xã hội? Bạn muốn làm... "người hùng" để cùng chung tay lấy lại công bằng cho xã hội.... Khi ấy mình và mọi người sẽ cám ơn bạn vì đã được sống trong một thế giới đầy công bằng do bạn mang lại. Nhưng! bạn có thể bị... ngã khụy... và sứ mệnh của bạn kết thúc....Khà Khà khà...” – Mr Big: oizoioi.vairoi@gmail.com

 

“Theo mình nghĩ, tốt nhất là bạn hãy học cách "sống chung với lũ" thôi. Nếu đi ngược sẽ có thể bị "bánh xe"... nghiền nát đó...” - Cuong133:  cuong0908816133@gmail.com

 
Cần dạy cho học sinh nói không với tiêu cực trong thi cử (ảnh: Lao Động)
Cần dạy cho học sinh nói không với tiêu cực trong thi cử (ảnh: Lao Động)
 

Khi người ta trẻ

 

Trong khi cách nghĩ của đa số người dân – những người lớn – có vẻ thiên về hướng “tiêu cực” nhiều hơn, thì lớp trẻ vẫn chứng tỏ được bầu nhiệt huyết và niềm tin tràn đầy vào những điều tốt đẹp vốn có của cuộc sống. Mà thật ra những cái đẹp vẫn luôn ngự trị và chiếm vị thế cao hơn hẳn trong XH đó thôi, chỉ có điều chúng thường được ẩn dấu dưới những cái vỏ (hay nước sơn) bình dị, không hề hào nhoáng  mà chỉ “hữu xạ tự nhiên hương”… Và ở đây, nó thể hiện qua những lời động viên đầy niềm tin, hy vọng và sự hướng thiện mà những người trẻ vẫn dành cho nhau mọi lúc, mọi nơi:

 

 “Công bằng luôn có trong mỗi chúng ta. Mình tự nghiêm khắc với chính bản thân mình, rèn luyện bản thân không gian lận, dối trá. Cứ chăm chỉ học tập thì anh tin một ngày nào đó em tự sẽ có được những thứ mà em cần. Bây giờ làm việc không cần nói hay, mà nhìn và đánh giá hiệu quả công việc thu được em à! Hãy cố gắng học và thi đỗ đại học em nhé, chúc em thành công!” - Vietgiapatk:  vietgiapnc@gmail.com

 

“Bạn Hải Hà thân mến. Đọc những dòng tâm sự của bạn, tôi thấy lại hình ảnh của mình 7 năm về trước. Tôi cũng đã có những đấu tranh trong suy nghĩ như bạn bây giờ. Năm tôi thi tốt nghiệp (2005), tôi cũng đã tự làm bài bằng chính kiến thức của mình mà không sử dụng "phao" như những người bạn khác. Và kết quả là tôi nhận được tấm bằng Trung bình do môn Lịch sử chỉ được 5 điểm (mặc dù điểm tổng kết năm học 12 tôi cao hơn 8.0). Khi đó tôi thấy rất buồn và suy nghĩ tiêu cực. Và rồi tôi cũng tự trấn an mình rằng: Mình đã đi bằng chính đôi chân của mình thì nên tự hào vì điều đó. Chính suy nghĩ đó đã giúp tôi rất nhiều khi học Đại học và ra đi làm, rằng mình sẽ phải đi bằng chính đôi chân của mình. Bạn còn trẻ tuổi nhưng đã có những suy nghĩ, những đấu tranh trong tư tưởng như thế, tôi tin rằng ra trường đời bạn sẽ thành công. Chúc bạn thi Đại học đạt kết quả tốt!” - Hoàng Long:  longk44@gmail.com

 

“Hải Hà thân mến! Chị rất vui khi đọc bài viết của em, vì thấy em  là một trong những bạn trẻ có ý hướng thiện, biết nhận định cái gì đúng/sai ngay trong môi trường học phổ thông của mình. Vậy em cùng chị và nhiều người khác nữa cùng thắp lên ngọn nến của sự Công bằng, của Sự thật ngay trong môi trường nhỏ bé mình đang sống nhé. Bao gồm cả ở gia đình, công sở, với những người mình giao tiếp hằng ngày. Hy vọng sẽ làm tan dần đi bóng tối của những "sự bất công bằng" vẫn tồn tại,  em nhé!” Thanh Ti:  titeresa3@gmail.com

 

“Hoan nghênh bạn vì đã thắng thắn nhìn nhận như vậy. Thật tiếc là sự bất công tưởng chừng như vô lý lại có thể dần trở thành điều hiển nhiên trong không ít lĩnh vực xã hội ta nói chung và với ngành giáo dục nói riêng hiện nay. Có người nói 40% (nguyên nhân tiêu cực trong thi cử) là do hội đồng thi, 10% do giám thị, 50% do học sinh. Nhưng tôi thấy dù sao vẫn chỉ là chúng ta mới thấy được phần nổi của tảng băng trôi mà thôi. Vấn đề theo tôi, nằm ngay trong cách giáo dục của VN từ cấp học nhỏ nhất, để rồi ảnh hưởng tới cả XH ta đang  trong tiến trình hội nhập thế giới. Mà ở ngay trong lĩnh vực giáo dục này, tính thực dụng và sự bất công bằng cũng lại trở nên điều… hết sức bình thường?

 

Theo tôi nghĩ, đất nước VN của chúng ta đang trong quá trình phát triển, gặp phải những vấn đề như thế này cũng là bình thường. Nhưng chúng ta không thể vì đang phát triển mà cứ bỏ mặc cho những chuyện tiêu cực diễn ra, mà cần mạnh dạn thay đổi để loại bỏ những rào cản đó. Tất cả mọi người và XH cùng chung tay, tôi tin cái ngày hai chữ CÔNG BẰNG thực sự trong mọi lĩnh vực sẽ trở lại với vẹn nguyên giá trị của nó sẽ không còn xa nữa” - Duc On:  vuong_on2006@yahoo.com

 

Một cánh én nhỏ đúng là chẳng làm nên mùa xuân, nhưng nhiều và ngày càng nhiều thêm những cánh én báo tin vui thì chắc chắn là mùa xuân đến rồi đó…. Hiển nhiên là vậy rồi, bởi nếu vẫn còn viện ra hết cái “nhưng” tới cái “nhưng” khác thì rất có thể cảnh báo của Lê Văn Thanh  levanthanh.hocvientaichinh@gmail.com sẽ thành sự thật:

 

“Nếu thực sự tình trạng này không sớm chấm dứt, thì ngành giáo dục của chúng ta hàng năm sẽ đào tạo ra hết lớp người này tới lớp người khác ít nhiều đã bị nhiễm thói "dối trá" chăng???”

 

Dứt khoát là không thể như vậy được, bởi chính guồng quay theo xu thế phát triển đi lên cũng không thể dung nạp những sản  phẩm kém chất lượng…Mà chúng ta – những người lớn – khi tự soi mình trong những cặp mắt trong veo của con trẻ có thấy chăng sự “đánh động” nào đó… 

Kiều Anh