Bạn đọc viết:

Băn khoăn của một học sinh về “giá trị của 2 chữ CÔNG BẰNG trong giáo dục”

(Dân trí) - Cháu là một học sinh lớp 12 vừa trải qua kì thi tốt nghiệp THPT. Kì thi đã để lại cho cháu rất nhiều suy nghĩ. Hôm nay khi biết kết quả thi với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp như vậy, cháu muốn làm một điều gì đó để bày tỏ quan điểm của mình…

Thưa diễn đàn Dân trí! Đây chỉ là suy nghĩ của cháu và xuất phát từ những gì cháu tận mắt chứng kiến, tự mình được trải nghiệm.
 

Là học sinh khi kết thúc 12 năm đèn sách, chắc hẳn ai cũng mong muốn cầm một tấm bằng tốt nghiệp THPT trong tay, để chứng minh rằng mình đã đỗ tốt nghiệp. Sau đó mỗi người sẽ tiếp tục với những lựa chọn khác nhau của mình. Có những bạn học ôn để thi đại học, cao đẳng. Cũng có những bạn học nghề hoặc đi làm......Mỗi người đều chọn những hướng đi đúng đắn nhất cho mình, điều đó là tốt và cần thiết.Với tấm bằng đỗ tốt nghiệp THPT trong tay, theo cháu, mọi người đều có thể đàng hoàng mà nói rằng: Tôi là người có ăn học hẳn hoi.

 

Cháu còn nhớ rất rõ khoảnh khắc khi biết những môn thi tốt nghiệp mà bộ GDĐT công bố, nỗi lo hiện rõ trên mặt các bạn học sinh lớp 12. Trong đó có cả cháu và các thầy cô dạy bộ môn đó.

 

Kì thi năm nay có đủ 3 môn học thuộc lòng là Văn - Sử - Địa mà học sinh chúng cháu vẫn gọi là… "hung thần". Quả thực là vậy. Cháu không biết các trường khác thì sao,  nhưng tại trường cháu học thì ngay từ đầu tháng 4  sau khi hoàn thành kì thi học kì 2, nhà trường đã ráo riết cho học sinh ôn tập tốt nghiệp.

 

Cái nắng hè gay gắt cùng với những chồng đề cương cao ngất, cộng với nỗi lo thi cử hiện rõ làm cháu cảm thấy mệt mỏi. Văn - Sử - Địa – Toán – Hóa – Anh văn, tuần nào cũng có 2 -3 tờ đề cương của mỗi môn. Rồi cứ cuối tuần là các thầy cô kiểm tra. Kỉ luật trường cháu rất khắt khe nên không học sinh nào không làm đề cương cả. Nhưng đôi khi chỉ làm chống đối cho đủ, các thầy cô kiểm tra có là được, thế là xong. Hầu hết các bạn cháu đều cho rằng: phải làm chống đối vì lượng kiến thức quá lớn, không thể nhồi nhét hơn được.

 

Trong năm học đã được học rồi, nhưng giờ quay lại gần như chẳng nhớ nổi gì cả. Bản chất của các môn học đó lại khô khan, như môn Sử thì làm đề cương là một chuyện, nhưng đọng được gì vào đầu lại là chuyện khác, mà có khi 2 điều này chẳng liên quan gì đến nhau.

 

Ngồi học trong lớp mà buồn ngủ lắm vì tối trước đó thức khuya làm đề cương, hoặc đi học thêm về muộn. Vì mục đích của mọi người trọng tâm là thi đại học, dù điều kiện cần để thi được đại học là phải có bằng tốt nghiệp THPT trong tay.

 

Trước khi trải qua kì thi tốt nghiệp THPT, trường cháu tổ chức 2 lần thi thử. Khi nhận kết quả thì điểm của các lớp đều thấp đến không thể tin được. Theo cháu, lý do một phần do các bạn chủ quan không học vì nghĩ rằng đây chỉ là thi thử, một phần vì kì thi nghiêm túc. Các thầy cô trong trường coi thi và nói với chúng cháu rằng: Các em phải làm bài nghiêm túc, kì thi năm nay sẽ rất khắt khe hơn các năm trước.

 

Dù nghe nhiều anh chị khóa trên có nói không cần phải lo chuyện thi tốt nghiệp có đỗ hay không, nhưng bản thân cháu không thể không lo lắng cho kì thi quan trọng này trong cuộc đời.

 

Dù lượng kiến thức phải học là rất lớn, hơn nữa phải lo ôn cho 3 môn thi đại học, nhưng mọi người vẫn tất bật học ôn với mong muốn vượt qua kì thi tốt nghiệp này. Có bạn chọn giải pháp nghe thì có vẻ khả quan, đó là chuẩn bị “phao thi” nhỏ mang vào phòng thi như các năm trước, đỡ công học mà kiến thức lại chính xác. Nhưng bản thân cháu luôn mường tượng rằng: kì thi này cũng như bao nhiêu kì thi khác mình đã trải qua, tất nhiên kỉ luật rất khắt khe. Hơn nữa đây là kì thi quan trọng, nên tốt hơn hết là hãy cứ tin vào kiến thức mình học, đó là cách chắc chắn và an toàn nhất.
 
Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 (ảnh minh họa)
Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 (ảnh minh họa) 

 

Nhưng những gì diễn ra trong kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua ngược lại hẳn với những suy nghĩ của cháu, làm cháu thấy thất vọng về điều gọi là "chống gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

 

Dù một phòng có 2 giám thị nhưng hầu như bạn nào cũng có thể quay cóp dễ dàng được, chỉ cần "đừng có quá lộ liễu". Hôm đầu thi Văn, cháu đã thấy nực cười cho phát ngôn này và cảm thấy có điều gì đó nghịch lí quá. Đề văn về Thói dối trá cơ mà? Có phòng, nếu giám thị quen biết thí sinh thì thậm chí tự giám thị sẽ nhắc bài.

 

Đọc trên mạng, cháu thấy khó hiểu cho những trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi nếu mang tài liệu.Vậy đấy, kiến thức có hết trong “phao” rồi, cứ việc lôi ra mà chép cho đúng. Người học bằng người không học, chẳng có giỏi /dốt gì ở đây, chỉ là ai chép nhanh, chép đúng thì điểm cao thôi, không có gì hơn.

 

Hôm thi Sử - Địa trôi qua mà thấy chán nản quá, 1 tháng học cùng 860.000đ đóng ôn thi tốt nghiệp cuối cùng là đây. Vẫn biết những gì mình học thì tốt cho mình thôi, nhưng cảm giác về những điều bất công đang diễn ra mà  mình không thể làm gì được khiến cho bất kì ai (chứ không chỉ bản thân cháu) thấy mất niềm tin, mất động lực. Khi thi xong, cháu tự tin vào bài thi của mình và hy vọng sẽ được điểm khá. Khi ra ngoài, cháu thấy các bạn cũng đều nói làm bài tốt (tất nhiên cũng có những bạn quay cóp được)....
 
Cháu thấy dường như ai cũng cho rằng: đi thi tốt nghiệp dễ dàng thế, mang tài liệu vào dễ thế thì  học sinh nào chẳng đỗ. Nhưng thực sự là mong mọi người hãy nghĩ đến những thí sinh làm bài theo đúng khả năng của mình, đừng đánh đồng một cách chủ quan như vậy, đâu phải ai cũng đều mang “phao” vào phòng thi và đâu phải ai cũng quay cóp.

 

Kết quả thi  tốt nghiệp vừa nhận được hôm qua không làm cháu bất ngờ: 99,9%.Vậy là xong kì thi tốt nghiệp với những ấn tượng khó quên về một mùa thi theo phong trào: chống gian lận trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Ai rồi cũng đỗ, chỉ quan trọng là loại bằng nào thôi.

 

Cháu biết có bạn được trên 50 điểm vẫn bị bằng Trung bình, sức học không tồi vẫn nhận bằng Trung bình. Trong khi có những bạn không học gì vẫn được bằng Khá, Giỏi. Cháu thắc mắc về giá trị của những tấm bằng? Xã hội bây giờ chuộng bằng cấp quá rồi, mà bằng THPT cũng là một loại bằng cấp, vậy có gì khác nhau không? Một tờ giấy đỏ nhưng đấy là bằng tốt nghiệp THPT . Và cháu không biết phải đánh giá cái bằng này thế nào? Là nỗ lực của 12 năm học hay nỗ lực của 3 ngày thi? Trong khi đó người học bài bằng người không học.Vậy đấy, đó là nghịch lí.

 

Hơn bao giờ hết, cháu càng hiểu câu nói của Bill Gates hơn vào lúc này: Thế giới vốn không công bằng và tốt hơn hết là bạn hãy học cách thích nghi với điều đó. Nhưng dường như bản thân cháu thấy mình thích nghi được với điều đó quả là rất khó khăn, khó khăn đến nỗi hoang mang dù kì thi đại học diễn ra cận kề. Không công bằng tưởng chỉ có trong xã hội đầy bon chen kia thôi, không ngờ còn diễn ra trong cả nền giáo dục. Dù biết rằng kết quả thế nào thì cứ tặc lưỡi cho qua, đỗ là được, đó chỉ là điều kiện để thi đại học. Nhưng điều làm cháu  suy nghĩ là giá trị của 2 chữ CÔNG BẰNG trong giáo dục.

 

Cháu cũng đã học được 1 điều rằng: mai sau đây bước chân ra ngoài đời mình sẽ phải chứng kiến nhiều nghịch lí, tốt nhất là im lặng cho qua hoặc tìm cách thích nghi nếu muốn sống yên ổn. Nhưng cháu tự hỏi: phải chăng đây sẽ là điều bất công đầu tiên rõ nhất mà mình gặp phải, nối tiếp những chuỗi bất công khác mình sẽ được chứng kiến trong tương lai? Mình nên cho qua để được sống yên ổn hay cứ việc chìm đắm trong những hoài nghi và thắc mắc?

 

(Trên đây là những suy nghĩ của cháu về những gì mình đang trăn trở và tự mình chứng kiến, chỉ là những quan điểm chủ quan. Cháu hi vọng một ngày không xa khi lên mạng cháu sẽ được gặp lại bài viết của mình và gặp được nhiều sự đồng tình.Cháu xin chân thành cảm ơn).

 

Hải Hà