Chữ “chui” của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

“Thực tế những người có bằng giả hay bằng thật, nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân!”

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói một câu trúng phóc. Sự thật này ai cũng biết, nhưng phát biểu chính thức tại phiên họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực là một điều không phải dễ. Ngày càng có nhiều câu nói đắt giá được các bộ trưởng hoặc cán bộ cao cấp phát ngôn tại các cuộc họp. Đắt giá là vì nói đúng thực tế, không né tránh, không tô hồng hiện thực.

 

“Lẻn”, “lòn”, “chui” là những từ chỉ một hành vi mờ ám, xấu xa, đê tiện. Nguyễn Du đã từng sử dụng duy nhất một chữ “lẻn” mà “đóng đinh” tính cách nhân vật Sở Khanh (Tường đông lay động bóng cành/ Rẽ song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào). Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dùng chữ “chui” dành cho loại cán bộ công chức năng lực kém trong cơ quan nhà nước cũng “đắt” không thua chữ “lẻn” mà thi hào Nguyễn Du dành cho Sở Khanh.

 

“Chui” bằng cách nào để vào hệ thống công chức cũng từng được chỉ ra. “Con cháu các cụ cả” thì “chui” thoải mái. Nếu không thì “chuồi” tiền để mà “chui”. Ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội - từng công bố thông tin “chạy công chức không dưới 100 triệu đồng”. Đó là mới công chức quèn, còn có ghế ngồi lại là chuyện khác. Chui sâu, leo cao thì giá khác xa khi mới bước vào cửa.

 

Ngoài chuyện chui lòn, câu nói trên còn mang thông điệp khác.

 

Đó là, mặc dù không cố tình, nhưng phát ngôn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là một phản biện về chất lượng cán bộ công chức, viên chức mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình từng đưa ra. Ông Bình công bố 99% số công chức hoàn thành nhiệm vụ, một con số khiến cho dư luận xem ông Bình là người thích đùa, là chính khách rất có khiếu hài hước.

 

Và đây, Bộ trưởng Luận chỉ cho thấy rõ rành rành, “chất lượng giả chỉ có chui vào hệ thống công chức nhà nước”. Có nghĩa là, chỉ có cán bộ, công chức mới sử dụng bằng giả, mua bằng giả. Hoặc, người có năng lực kém bằng cách này hay cách khác, sẽ “chui” vào được các cơ quan nhà nước. Như vậy thì làm sao có con số 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ, thưa Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình? Một phản biện rất thuyết phục.

 

Còn một thông điệp nữa, nhưng từ phía dư luận gửi tới Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Ông là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại sao lại để cho bằng giả, chất lượng giả tràn lan trong xã hội, và để nó “chui” vào hệ thống cơ quan nhà nước? Trách nhiệm của ông cũng không hề nhỏ trước cái sự “chui” này.

 

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động