Bàn về nạn bằng giả và bằng thật học giả

Để bằng giả không còn là thị trường của công chức

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo dám nhìn thẳng vào sự thật và nói rất đúng thực chất của bằng cấp ở nhiều công chức trong bộ máy công quyền. Tiếc rằng hơi muộn. .Nhưng dù sao muộn vẫn còn hơn không ...

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tại phiên họp ngày 25/2 của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2015: “Thực tế những người có bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân” đã đem đến cho bạn đọc báo Dân trí nhiều cảm xúc và suy nghĩ.

Trước hết, bạn đọc rất đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:

“Tôi đồng ý với câu nói của Bộ trưởng  Luận. Những bằng giả, học giả bằng thật, tồn tại chắc chắn ở trong cơ quan nhà nước…” - Vũ Giang giangmk@gmail.com

“Lạ lùng nhất là bao năm nay dân đã phản ứng gay gắt với nạn bằng giả mà vẫn bất lực. Tại sao các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân không chú trọng quá bằng cấp mà làm việc vẫn hiệu quả” - Tuấn Dương: msun80@yahoo.com.vn

“Bộ trưởng dám nhìn thẳng vào sự thật và nói rất đúng thực chất của bằng cấp ở nhiều công chức trong bộ máy công quyền. Tiếc rằng hơi muộn. Nhưng dù sao muộn vẫn còn hơn không. Cũng mong rằng Bộ GD&ĐT có những giải pháp chặt chẽ hơn nữa.” - Trần Minh muongbon@gmail.com

“Câu nói của Bộ Trưởng Luận rất chính xác. Một lãnh đạo của một Tổng Công ty thuộc Bộ GTVT có bằng Thạc sỹ của một trường ở Mỹ cấp, nhưng vị này 1 chữ tiếng Anh bẻ làm đôi cũng không biết, thế mà có bằng và lên như diều mới lạ chứ.” - Trần Đại Nghĩa dainghia1964@gmail.com

“Hiện tại rất nhiều vị lãnh đạo ban ngành là tiến sỹ, thạc sỹ nhưng cũng từ các bằng Đại học tại chức nhờ hoặc thuê người đi học rồi tiếp tục làm cái bằng thạc sỹ, tiến sỹ quá đơn giản nhờ vào các mối quan hệ. Ối trời! liệu còn chỗ cho những con người tự vươn?” - Hậu Ngô Ngotanhau117@yahoo.com

“Điều Bộ trưởng nói ai cũng biết từ lâu rồi, việc tuyển công chức bây giờ quá tiêu cực, bây giờ bộ máy công chức bị "bội thực" lại tính ra đề án giảm biên 100.000 công chức trình Chính phủ...” - Hoàng boy_bn@yahoo.com.vn

Bạn đọc trách tại sao bây giờ mới nói:

“Thật ra ai cũng biết nhưng các ông có dám nói ra và thẳng thắn thừa nhận như Bộ trưởng Luận hay không mà thôi.”- Trần Thị Hường tranhuongdtjsc@gmail.com

Quy trách nhiệm chính:

“Tôi nghĩ bằng cấp là do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp.” - Duong duong.mofi@gmail.com

“Bác không quản lý nổi lại đi đổi lỗi cho người khác. Bác cấm hết các lớp liên thông, tại chức,... chỉ giữ lại các lớp chinh quy của Đại học đi đã.” - Tuân: tuanlinh_dk@yahoo.com

Và tai hại của bằng giả:

“Ôi, ở làng tôi cán bộ toàn tại chức, còn sinh viên học đại học về đi làm công nhân hết.” Lê Sỹ Huỳnh lesyhuynh916@gmail.com

"Càng đau xót hơn, không ít người có tài năng, đức độ phải cúi đầu “vâng – dạ” trước những kẻ bất tài và gian dối." Rất thực tế, cám ơn Bộ trưởng. Nhưng "gian dối" thì sẽ có pháp luật nghiêm trị, còn "bất tài" mà vẫn có bằng cấp (đặc biệt là các vị "TS giấy"), các đề tài NCKH (tiền tỷ) nghiệm thu kiểu "cho có" để rồi vứt xó thì trách nhiệm thuộc về ai?”- Wan

“Chuyện bằng cấp giả là một tai nạn khôn lường mà chính nó (bằng giả) lại được các cơ quan nhà nước dung túng nó, phát triển nó, để nó quay ngược lại "chỉ đạo" những "bằng cấp thật" và "có năng lực thật" làm cho cả một đất nước, cả một dân tộc yếu kém. Ngày nay, việc học không còn đúng nghĩa của nó nữa, mà nó đã trở thành mốt! Vậy nên, muốn đất nước phát triển, không còn có những "văn bản trên trời" nữa thì cần kiên quyết nói không với "học hành giả, giả học hành" các bác nhé!” - Phạm Liên Ninh  ninhgiangmap@gmail.com

”Bằng giả đã sợ, có bằng thật nhưng kiến thức giả lại sợ hơn, mà sợ hơn nữa là các bác cao học và tiến sỹ chỉ có kiến thức giả.” - Yeu1phut yeu1phut@yahoo.com.vn

Bạn đọc mong có hành động quyết liệt trong việc chống nạn bằng giả và học giả bằng thật:

“Hãy làm như bộ trưởng Luận nói...” - NguyenTriDung guyentridung75@gmail.com.vn

“Lạ đời thay, người bằng thật, tài giỏi thì lại khó vào được công chức. Người bằng giả, thì lại nhiều tiền để chạy vào công chức. Vấn đề mấu chốt ở đây là nạn chạy công chức, chạy chức, chạy quyền vẫn diễn ra khá phổ biến. Phải xử lý nghiêm minh những kẻ nhận tiền chạy chọt thì lúc đó những người bằng thật, tài giỏi sẽ có những vị trí đúng của nó. Còn những người bằng giả, dốt nát sẽ bị đào thải.” - Lưu Đình Liễn luudinhliên99@gmail.com

"Các Bác đã đi đươc một bước quan trọng là dám chỉ ra địa chỉ chính xác nơi cư trú của bằng giả. Nhưng để loại trừ nó cần phải làm mạnh tay hơn....” - Công Lý xmadinhly@gmail.com

Điều quan trọng nhất là các vị ở Bộ, Ngành, địa phương phải có bằng thật 100% thì mới dám mạnh tay được. Nếu không thì há miệng mắc . . . xương.” - Vohuyhoang  vohuyhoang54@yahoo.com.vn

“Vấn đề mấu chốt ở đây là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ làm gì sẽ hành động ra sao để vấn nạn bằng giả không còn tồn tại trong xã hội chúng ta. Làm thế nào để tìm ra và loại bỏ những cán bộ công chức nhà nước đang mượn bằng giả để thăng quan tiến chức?” - An Dương Vương Buiquangantl@gmail.com

“Tại sao chúng ta biết rất rõ địa chỉ nơi sử dụng bằng giả hoặc bằng thật học giả mà không xử lý quyết liệt để loại bỏ những công viên chức nhà nước sử dụng bằng giả hay bằng thật mà học giả? Cá nhân tôi kiến nghị nếu còn chần chừ, né tránh, nể nang thì không bao giờ giảm được 30% công chức cắp ô, mà phải làm ngay, xử lý kiên quyết, bất kỳ họ là ai thì mới đưa đất nước phát triển vươn lên được.” - Nguyễn Minh Vượng vuong1972@yahoo.com.vn

Bạn đọc nhìn sâu hơn vào vấn đề:

“Tôi rất đồng tình với phát biểu trên, nhưng chưa đồng tình lắm với một số ý kiến về trình độ và hiệu quả làm việc. Một người có thể học chưa xuất sắc hoặc bằng cấp không cao, không có nghĩa là họ không thể làm một số công việc. Tại hầu hết cơ quan nhà nước, đặc biệt là chính quyền và tiếp dân không yêu cầu trình độ chuyên sâu, chỉ cần nắm bắt được công việc và tình hình thực tế của địa bàn, đơn vị. Nhưng hiện nay vì chuẩn hóa bằng cấp mà một số cơ quan chấp nhận cho thôi việc nhiều người giàu kinh nghiệm và quen việc, sau đó tuyển vào những người chỉ có cái bằng để rồi nảy sinh nhiều chuyện. Bởi vì bằng cấp không đồng nghĩa với văn hóa và tinh thần trách nhiệm.” - Duy thanhduy1985@gmail.com

Bạn đọc kiến nghị về một số cách để phát hiện bằng giả hoặc bằng thật học giả:

“Một chiếc bằng giả được chấp nhận đồng nghĩa với việc sử dụng một con người giả để thực hiện công việc. Chẳng cần nói thì chúng ta cũng biết hiệu quả sẽ ra sao và hậu quả sẽ đi đến đâu. Việc kiểm tra bằng giả đâu có khó gì, điều quan trong là có thực hiện không thôi, theo tôi yêu cầu mỗi người sử dụng bằng xin lại xác nhận của trường đã học là ra ngay thôi, trừ bằng học ở nước ngoài ...” - Van Thang noel0240@gmail.com

“Theo tôi mỗi một công chức có bao nhiêu bằng cấp đi nữa thì chỉ cần kiểm tra bằng cách mỗi bằng đó kèm theo một tờ kê khai thông tin về hai thầy, cô đã dạy khoá đó cùng 5 người bạn học cùng lớp khoá tốt nghiệp. Từ lời khai đó bằng vài cú điện thoại của người Kiểm tra sẽ ra ngay bằng đó giả hay thật.” - Tuấn Lê Trần truongsonks@gmail.com

“Ở cơ quan nhà nước, muốn biết được ai sử dụng bằng giả hay thật chỉ cần cơ quan sử dụng người lấy bản photo BẰNG TỐT NGHIỆP và BẢNG ĐIỂM (kết quả học tập) gửi về cơ sở hoặc trường đào tạo để "XÁC MINH" thì sẽ lòi ra bằng giả bằng thật ngay thôi. Có cả bằng thật mà học giả nữa. Các ông cứ nói lòng vòng làm gì, chẳng qua là các ông sử dụng con người có muốn gửi hồ sơ cá nhân của họ đi xác minh hay không, hay là đã nhận người ta vào rồi, nếu xác minh lỡ lòi ra bằng giả thì lại khó ăn khó nói. Thời nay sử dụng bằng giả để được tăng lương, nâng chức, giữ cái ghế là chuyện thường mà.” Huong Giang  hosau69@gmail.com 

“Kiểm tra, xác minh bằng giả nếu kiên quyết thì không khó. Nhưng kiểm tra đánh giá bằng thật học giả thì cần Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan tuyển dụng công chức có tâm, có tầm . Điều này cần có thời gian để loại trừ. Trong quá trình công tác, cứ giao việc mấy lần không hoàn thành hoặc hoàn thành kém chất lượng sẽ phải kiểm điểm và đưa vào diện giảm biên chế theo dạng công chức cắp ô là OK.” - Nguyễn Văn Vân vankhkt@gmail.com

“Cứ bắt người ta phải có bằng mới được làm, thì người ta phải tìm mọi cách để có bằng thôi. Họ mua bằng vì nhà tuyển dụng cần họ phải có bằng. Nếu nhà tuyển dụng công chức một cách công bằng, thi vấn đáp có truyền hình trực tiếp, không yêu cầu ứng viên phải có bằng cấp, chỉ cần có đủ kiến thức để làm được việc thì sẽ chẳng ai phải mua bằng và chẳng ai phải bỏ ra hàng trăm triệu để được trúng tuyển công chức cả.” - Dao Ly lyurc@gmail.com

Có bạn đọc mở rộng vấn đề hơn:

“Bằng thật hay học thật và tuyển đúng rồi vẫn chưa chắc đã làm được việc bởi còn xem họ có được làm đúng với chuyên môn được đào tạo không? họ có được độc lập triển khai những ý tưởng được đào tạo không? và đặc biệt là tuyển nhầm những con mọt sách (thiếu thực tế) thì cũng mất cơ hội cho những người không có bằng mà kinh nghiệm chuyên môn dày dạn. Tại sao không giao trách nhiệm cho người sử dụng lao động tuyển người vì chỉ có người này mới là người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng tuyển dụng và kết quả làm việc của người được tuyển dụng.” - Vinhnd09vinhnd09@gmail.com

Bạn đọc hy vọng:

”Mong rằng Bộ trưởng nói ra được lại biết làm để mình có cơ hội tìm được việc làm nơi công sở...” - Hà Thanh Tùng  tung.vn224@gmail.com

Nguyễn Đoàn (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm