Câu nói tuyệt vời của Bộ trưởng Luận!

(Dân trí) - Nếu những vị đứng đầu các bộ, ngành và các địa phương quyết tâm, chắc chắn “mặt hàng” bằng giả sẽ không còn “thị trường” với các “thượng đế” là cán bộ, công chức, phải không các bạn?

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp) Đó là câu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói về đối tượng sử dụng bằng giả. Tại phiên họp ngày 25/2 của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011 – 2015, Bộ trưởng Luận thẳng thắn: “Thực tế những người có bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”.   Một câu nói tuyệt vời bởi sự chính xác và cô đọng.   Với 35 từ, Bộ trưởng đã chỉ rõ địa chỉ và đối tượng sử dụng mặt hàng phi pháp này. Đó là công sở và công chức nhà nước.  

“Có cầu mới có cung”, chỉ có công chức mới có nhu cầu. Dân thì chẳng lấy để làm gì còn doanh nghiệp tư nhân, họ trả lương bằng chính tiền túi của họ nên làm được việc thì trả tiền, không làm được việc thì nghỉ. Chả ai nuôi báo cô ai cả. Còn nhà nước thì “tiền chùa” nên không ai xót.

 

Vì vậy, “khách hàng” duy nhất có nhu cầu là các công chức nhà nước.

 

Điều này vô cùng nguy hiểm bởi một xã hội phát triển hay trì trệ lệ thuộc toàn bộ vào đội ngũ công chức nhà nước, những người “chèo lái” con thuyền chủ trương và chính sách.

 

Một chủ trương đúng, một chính sách đúng thì đi lên. Một chủ trương sai, một chính sách sai thì suy tàn.

 

Do đó đáng lẽ công chức phải là những tinh hoa, uyên bác, tài giỏi về nghiệp vụ và trong sáng về đạo đức.

 

Thế nhưng chỉ với việc tiêu thụ mặt hàng “do người khác phạm tội mà có”, đáng lý họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 250 Bộ luật hình sự thì trái lại, họ lại là những người đưa ra các chủ trương, chính sách. Họ đã dám tiêu thụ hàng gian thì sự gian dối đối với họ không phải là điều xa lạ.

 

Càng đau xót hơn, không ít người có tài năng, đức độ phải cúi đầu “vâng – dạ” trước những kẻ bất tài và gian dối.

 

Gần đây, tình trạng một số văn bản vừa ban hành đã bị hủy vì các lý do như phạm luật, thiếu tính khả thi… mà nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là “văn bản trên trời” khiến xã hội lao đao hoàn toàn có thể được soạn thảo bởi những công chức học giả bằng giả hoặc học giả bằng thật.

 

Biết được sự nguy hại. Biết được địa chỉ. Biết được đối tượng. Bây giờ vấn đề là xử lý như thế nào?

 

Câu hỏi này không dễ nhưng cũng không khó đến mức không làm được nếu như thật sự muốn làm.
 

Kinh nghiệm từ Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng là một ví dụ.

 

Ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Thăng đã thẳng tay “trảm” một số thuộc cấp yếu năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ. Đây có lẽ là mấu chốt của sự thành công trong ngành giao thông hai năm qua.

 

Rất mong Bộ trưởng Luận hãy sòng phẳng với các thuộc cấp của mình mà điển hình là xử lý nghiêm những ai đã soạn thảo các văn bản khiến lãnh đạo bộ từng phải “muối mặt” rút về.

 

Nếu những vị đứng đầu các bộ, ngành và các địa phương quyết tâm, chắc chắn “mặt hàng” bằng giả sẽ không còn “thị trường” với các “thượng đế” là cán bộ, công chức, phải không các bạn?

 

Bùi Hoàng Tám

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!