Choáng với xe công!

“Con số 320 triệu đồng/năm là quá cao so với mức chi trung bình cho mỗi đơn vị xe. Quá choáng váng!” - một giám đốc doanh nghiệp dịch vụ cho thuê xe phải thốt lên như vậy khi báo chí đưa tin một xe công trung bình mỗi năm tốn khoảng 320 triệu đồng, bao gồm chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa và xăng dầu.

Trước những thông tin từ diễn đàn Quốc hội hay từ các bộ, ngành Chính phủ cung cấp, người dân tiếp nhận và phản biện trên cơ sở thực tiễn. Và các doanh nghiệp vận tải đã phản biện rất thuyết phục đối với vấn đề xe công.

Cụ thể, một doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Hà Nội chứng minh rằng, họ cung cấp dịch vụ cho thuê xe 4-7 chỗ đưa đón cán bộ cho 100 công ty, giá trung bình 20 triệu đồng/chiếc/tháng, bao gồm tất cả các khoản chi phí như trả lương cho lái xe, xăng dầu, bảo trì, hao mòn, nhưng chi phí của họ ít hơn chi phí của xe công. Chưa kể họ còn thu lợi nhuận từ trong gói 20 triệu đồng đó.

Chi phí xe dịch vụ cho thuê mỗi năm khoảng 240 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn chi phí cho xe công 80 triệu đồng/chiếc/tháng. 80 triệu đồng nhân với 40.000 chiếc, mỗi năm Nhà nước chi cho xe công chênh lệch với dịch vụ của tư nhân 3.200 tỉ đồng. Đúng là quá choáng váng. Có nghĩa là, nếu cơ quan nhà nước thuê xe dịch vụ để phục vụ cán bộ, trừ những vị trí lãnh đạo cao cấp, thì mỗi năm tiết kiệm cho ngân sách khoảng 3.000 tỉ đồng. Một con số không hề nhỏ, chưa kể giảm bớt biên chế kèm theo 40.000 chiếc xe công.

Vì sao chi phí cho sử dụng xe công đắt hơn tư nhân trên cùng một dịch vụ tương đương. Đơn giản là vì tư nhân tính toán hợp lý, tính đúng giá trong tất cả các khoản chi phí. Xe công lại khác, nó là xe “chùa”, xăng “chùa” và đôi khi dùng để đi… chùa hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Xe công chi phí cao còn vì kê các chi phí xăng dầu, sửa chữa, mỗi thứ một ít nhưng cộng lại thành một khoản chênh lệch quá xa so với xe dịch vụ tư nhân. Mà lạ gì chuyện này, trên cùng một công trình, sản phẩm tương đương, giá của Nhà nước bao giờ cũng cao hơn nhiều so với tư nhân thực hiện. Vì sao cao hơn thì không cần phải giải thích.

Đề xuất thay đổi từ hình thức xe công sang thuê xe dịch vụ đưa đón cán bộ từng được đưa ra, cái lợi cũng được chỉ ra, nhưng đến nay không thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là đa số cán bộ không ai muốn bỏ đi quyền lợi cá nhân. Xe công phục vụ cho riêng mình, thậm chí là cho vợ con mình là một loại quyền lợi cá nhân.

Ai cũng nói vì nước, vì dân, nhưng chỉ riêng chuyện xe công cũng không dễ “buông bỏ”.

Lê Thanh Phong

(Theo báo Lao động)