Bạn đọc viết:
Cao thủ võ Nhất Nam và hành trình 25 năm “tải đạo” lên núi
(Dân trí) - Không quản mưa nắng, không một ngày ngừng nghỉ, suốt 25 năm qua những kỹ thuật chiến đấu của dòng võ phát tích trên quê hương Bác Hồ, được một người thầy cần mẫn truyền thụ cho hàng vạn học trò tại xứ Mường Lò- Nghĩa Lộ.
Không bổng lộc, chế độ đãi ngộ gì, lại thường xuyên bê trễ việc nhà, bởi phải giành mọi tâm sức cho phong trào, nên đã có người nói anh là “vác tù và hàng tổng”. Anh không buồn, bởi sau bao nỗ lực, di sản của tổ tiên đã nảy mầm xanh tươi trên quê hương anh, như lời dặn dò của thầy Chưởng môn lúc chia tay. Anh là Võ sư, Họa sỹ Đào Hoàng Long - Giáo viên trường THCS Nguyễn Quang Bích, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Nhọc nhằn thuở “khai môn lập phái”
Dưới ánh trăng, hiện ra những đường quyền cước biến ảo như chớp, kèm tiếng hét đặc dị mà Đào Hoàng Long thị phạm cho em trai mình xem. Một lò võ gia đình hình thành từ những buổi tập đêm như thế, đặt “viên gạch” đầu tiên xây lên phong trào tập luyện võ thuật Nhất Nam mạnh mẽ và bền bỉ ở xứ Mường Lò trong suốt 25 năm qua.
Ngày đầu “khai môn lập phái” tại Nghĩa Lộ, đúng vào thời điểm căng thẳng ở biên giới phía Bắc lắng dịu dần, nên bộ đội xuất ngũ về địa phương ngày một nhiều. Họ đều trải qua tập luyện nhiều môn phái võ khác nhau. Có anh học võ biên phòng, người tập thiếu lâm tự, võ đặc công, hồng gia quyền, thất sơn quyền thề… Việc một “anh giáo làng” thư sinh, nom hiền khô lại mở lò dạy một môn võ lạ, với cái tên nghe cũng thật lạ- võ Nhất Nam, đương nhiên sẽ gây tò mò cho các “đấng bậc hảo hán” tại chỗ.
Để vượt qua những trở lực không đáng có vào buổi “trứng nước”, anh đã ứng xử nhã nhặn, khiêm nhường. Thay vì chấp nhận tỉ thí, anh kết bạn với họ. Rồi khi đã thành bạn, việc trao đổi, giao lưu quyền cước mới diễn ra, và lần nào anh Long cũng hạ đối thủ chỉ trong chớp mắt, bằng những đòn tỳ ép triệt tấn, phạt trụ, lồng bộ hạ, cầm nã…hiểm độc. Sau khoảng một năm, những lời thách đấu thưa thớt dần, vì trong lớp võ của anh, học trò lại chính là những người đã “so găng” với anh khi trước. Cũng từ lúc này, người em trai bắt đầu giúp việc trợ giáo cho số bạn học cùng trang lứa với cậu.
Ngày 22/12/1988, đánh dấu mốc quan trọng của võ phái Nhất Nam tại Nghĩa Lộ. Đây là lần đầu tiên các môn sinh Nhất Nam ra biểu diễn công khai tại Đêm hội chào mừng ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, do CLB Thanh Niên thị trấn Nghĩa Lộ tổ chức. Hàng chục tiết mục quyền cước, binh khí, đối kháng… được các môn sinh phô diễn trong tiếng vỗ tay cổ vũ của hàng trăm người. Tiếng thét ma quái, đặc dị của dòng võ dân gian miền lưu vực sông Lam, sông Mã (châu Ái, châu Hoan cổ), báo hiệu một di sản phi vật thể vô giá của tổ tiên, đã chính thức bén rễ, sinh sôi tại miền đất núi xa lạ Mường Lò - Nghĩa Lộ.
Ngày ấy đã lùi xa 25 năm. Từ một lò võ gia đình, võ Nhất Nam đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, riêng có của Nghĩa Lộ hôm nay. Từ năm 2008 võ Nhất Nam đã đi vào tất cả các trường tiểu học, THCS… trên địa bàn thị xã như một môn học chính khóa, trong phong trào “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và đào tạo phát động. Phòng Giáo dục thị xã là đơn vị tổ chức và triển khai đề án này, với số lượng môn sinh hơn 4 nghìn em. Những hiệu quả trong rèn luyện thể chất, tính kỷ luật, nhất là sự hứng khởi của học sinh, đã được công nhận.
Tính đến nay, anh Long cùng các học trò đã để lại phía sau hàng trăm cuộc biểu diễn lớn nhỏ, phục vụ các kỳ cuộc, sự kiện chính trị, lễ hội văn hóa tại địa phương. Điển hình như vào Đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, ban tổ chức đã có công văn mời anh đưa 300 võ sinh về Hà Nội biểu diễn chào mừng Đại lễ. Ngày “xuất quân”, bà con xứ Mường đã vẫn động, quyên góp từng nghìn cho con cháu về Thủ đô góp sức. Trong tuần lễ văn hóa ấy, các môn sinh của anh đã tham gia thi đấu với làng võ Hà Nội, đã đoạt nhiều huy chương vàng với các màn công phu đặc dị.
Trong một lần gặp gần đây, bà Hoàng Thị Hạnh - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ đã chia sẻ với GS.VS. Võ sư Chưởng môn Ngô Xuân Bính, về ý tưởng đưa môn võ Nhất Nam phát triển ra các tỉnh biên giới phía Bắc, vừa để rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu niên, giáo dục truyền thống, lòng tự tôn dân tộc, vừa để bảo tồn di sản văn hóa này. Đồng thời, tạo ra chất “đề kháng” chống lại những hoạt động lôi kéo, kích động người dân ở các địa bàn trọng yếu này vào các hoạt động phá rối an ninh của các thế lực thù địch. Bà Hạnh cho biết, ý tưởng này xuất phát từ những điều nhìn thấy từ phong trào tập luyện võ Nhất Nam tại Nghĩa Lộ trong 25 năm qua.
Đau đáu một nỗi niềm
Từ chỗ đến xem tập vì tò mò, anh như bị “hút” vào bởi tính hiệu quả rất cao trong chiến đấu của môn phái này, nên xin theo học Thầy. Những năm bao cấp với bao thiếu thốn, vất vả, nhất là với một sinh viên xa nhà thì nỗi lo “đứt bữa” luôn thường trực. Thế nhưng tình yêu với môn phái quá lớn, đã giúp anh vượt qua mọi khó khăn để cần mẫn theo học Thầy. Chuyên tâm luyện tập qua ngày, qua tháng, anh trở thành một trong số những “cao đồ” của Võ sư Ngô Xuân Bính, được Thầy giao làm trợ giáo tại nhiều lớp võ.
“Điều lớn nhất mà tôi “ngộ” được từ Thầy, đó là “đạo” của người học võ. Học võ trong tâm pháp của môn phái, phải như một hình thức tu đạo, chứ không chỉ là rèn cho “cứng tay, mạnh chân”. Học để hiểu cuộc đời, biết tuân theo các quy luật, chuẩn mực, có thái độ sống tích cực, gần gũi thiên nhiên, trân trọng và bảo vệ những giá trị hướng thiện, bảo vệ cộng đồng, quê hương đất nước. Nhờ tập võ Nhất Nam, tôi thêm tự hào về truyền thống thượng võ hào hùng đánh giặc mấy ngàn năm và lòng tự tôn dân tộc của tổ tiên” – anh Long chia sẻ.
Ngày ra trường, anh đứng trước sự lựa chọn: trở về quê nghèo dạy học hay sang Cu Ba dạy võ, theo lời mời của các chuyên gia nước này. Buổi chia tay, Thầy gọi anh lại dặn dò: “con hãy mang theo di sản này để truyền bá ở quê hương con”. Đinh ninh với trọng trách Sư phụ đã ủy thác, anh quyết định trở về xứ Mường Lò, Nghĩa Lộ, bắt đầu hành trình “gieo mầm di sản” mấy mươi năm qua.
“Động lực nào khiến anh vượt lên khó khăn để gây dựng được một phong trào tập luyện võ thuật như hiện nay?” –tôi hỏi. Anh Long cho biết: “Mấy chục năm qua thầy trò tôi tâm huyết, bởi nặng lòng với tâm nguyện của Thầy, nhưng hơn cả đó là vì Nhất Nam là di sản của tổ tiên để lại cho con cháu, nếu không biết giữ sẽ mất”.
Theo anh, những tinh hoa nghệ thuật chiến đấu của tiên tổ, mà nếu không có sự kế tục, phát triển, sẽ bị cơn lốc toàn cầu hóa, sự giao thoa văn hóa làm mai một dần và đến lúc nào đó sẽ mất đi. Bản thân môn phái này sau bao biến cố thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, cũng đã bị thất truyền khoảng 30-40%. Có thời gian dài người ta không hề biết vùng Thanh Nghệ chính là cái nôi võ học của đất nước. Anh Long cho biết, hiện thầy Bính đã phát triển võ Nhất Nam tại hàng chục nước trên thế giới.“Có giao lưu với các võ sỹ nước ngoài, mới thấy họ trân trọng, say mê học võ Nhất Nam hơn chính người Việt. Điều này khiến mình thực sự buồn, nếu không kế thừa đầy đủ, có lẽ một ngày nào đó chúng ta phải học lại võ Nhất Nam từ người nước ngoài”- anh chia sẻ.
Đưa cho tôi xem đề án phát triển võ Nhất Nam ra toàn tỉnh Yên Bái, anh nói phía trước anh còn chặng đường dài, và thời gian cũng không còn nhiều, khi anh đã chuẩn bị bước sang tuổi 47.
Phương Hạnh - Nhật Nam