Cần có cơ quan chuyên bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Người bị tố cáo thường là những người có chức vụ, quyền hạn hay có thế lực trong xã hội, còn người tố cáo ở vị trí yếu thế hơn, dẫn tới nguy cơ người tố cáo bị trù dập, trả thù. Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể trường hợp nào thì người tố giác và nhân thân của họ được bảo vệ, cơ quan nào chịu trách nhiệm bảo vệ và biện pháp bảo vệ như thế nào.
Khen thưởng bác sỹ Hoàng Thị Nguyệt cùng đồng nghiệp trong việc tố cáo nhân bản kết quả xét nghiệm tại BV Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Thái Hà
Đó là ý kiến của một số chuyên gia tại hội thảo “Bước đầu tiếp cận kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) qua một số lĩnh vực” do Viện Chính sách công và pháp luật phối hợp với Tổ chức Hướng tới Minh bạch vừa tổ chức tại Hà Nội.
Phần lớn yêu cầu bảo vệ của người tố cáo chưa được đáp ứng
Theo thông tin được đưa ra tại hội nghị, từ khi có Luật Tố cáo 2011 đến thời điểm 31/3/2015, các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận 699 yêu cầu bảo vệ của người tố cáo, trong đó có 99 yêu cầu bảo vệ trong các vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 số yêu cầu (32%) được tiến hành, trong đó có 21 trường hợp liên quan đến tố cáo tham nhũng. Báo cáo cũng nêu trường hợp ông Lê Xuân Mậu (nguyên cán bộ Tổng Cty Dâu tơ tằm Việt Nam – người được tuyên dương vì có thành tích PCTN vào năm 2009) từng phải “ngồi chơi xơi nước” dài vì tố cáo cấp trên tham nhũng, đồng thời phải hứng chịu lời chỉ trích “phá hoại đoàn kết nội bộ cơ quan”.
Chồng chéo cơ quan bảo vệ người tố cáo
Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo được giao cho nhiều cơ quan khác nhau và được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật. Trong đó, Luật Tố cáo năm 2011 có một chương về bảo vệ người tố cáo (chương V, Bảo vệ người tố cáo), song mới chỉ đưa ra những quy định chung nhất về người tố cáo, người bị tố cáo… Còn các vấn đề cụ thể liên quan đến tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng cần căn cứ vào Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn.
“Không thể khuyến khích được quần chúng nhân dân tích cực tham gia giải quyết vụ án hình sự khi chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ họ trước các hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.
TS Nguyễn Văn Thịnh
Tuy nhiên, quy định trong Luật PCTN hiện hành cũng rất định tính: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền… áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu” (khoản 2, Điều 65 Luật PCTN năm 2005). Thậm chí, tại dự thảo Luật PCTN sửa đổi đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến vẫn giữ nguyên quy định chung chung nêu trên, mà chưa cụ thể hóa được cơ chế bảo vệ người tố cáo.
Còn Nghị định 76/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo năm 2011 lại giao trách nhiệm bảo vệ người tố cáo cho nhiều cơ quan, gồm: Cơ quan có trách nhiệm giải quyết tố cáo; cơ quan công an nơi người tố cáo, người thân của người tố cáo cư trú, làm việc, học tập; cơ quan công an nơi có tài sản của người tố cáo; tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động hoặc cơ quan có thẩm quyền khác ở địa phương.
Cùng với khuyến nghị hoàn thiện cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, PGS.TS Vũ Công Giao (Viện Chính sách công và pháp luật) và một số đại biểu cho rằng cần thiết lập một cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tố cáo tham nhũng và nên giao trách nhiệm này cho lực lượng công an. Đồng tình với ý kiến trên, TS Nguyễn Văn Thịnh (Cục Pháp chế, Bộ Công an) cho rằng, cần phải có chương trình bảo vệ người tố giác tội phạm. Ở Trung ương, chương trình đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an và có sự tham gia của đại diện VKSND Tối cao, TAND Tối cao. Ở địa phương, đặt dưới sự lãnh đạo của công an tỉnh và có sự tham gia của đại diện VKSND, TAND cùng cấp.
Dương Lê
(Theo báo Tiền phong)