Cần có chính sách mạnh mẽ đổi mới quản lí giáo dục
(Dân trí) - Ngành giáo dục đã có các đợt cải cách, đổi mới về chương trình, sách giáo khoa, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy học, cải tiến thi cử, thực hiện cuộc vận động “hai không”, nâng cao vai trò gương mẫu của giáo viên,… nhưng xem ra ít hiệu quả.
Vậy vì sao ngành giáo dục làm nhiều việc mà kết quả thu được chẳng được bao nhiêu, thậm chí còn nhiều mặt đi xuống? Vốn là một nhà giáo, một cán bộ quản lí lâu năm, tôi luôn suy nghĩ, mong góp phần tìm ra giải pháp nhằm khắc phục những mặt yếu kém và bất cập của giáo dục.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Đó là chưa nói tác hại của những cái tiêu cực, như bệnh thành tích, những tiêu cực trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, có thể coi đó là tệ nạn tham nhũng trong giáo dục… đã làm cho những người thầy có tâm huyết nản chí và giáo dục Việt Nam ngày càng xuống cấp.
Xuất phát từ tình hình thực tế đó, tôi xin kiến nghị một số ý kiến về công tác quản lí và thi cử như sau:
I. Công tác quản lí:
1-Trọng dụng người tài và sa thải người yếu kém.
Các đợt cải cách, đổi mới về chương trình, sách giáo khoa, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ, cải tiến thi cử,… chưa phải là mấu chốt, cấp thiết của việc đổi mới giáo dục hiện nay mà Bộ GD nên làm 1 cuộc cách mạng trong quản lí giáo dục. Việc này sẽ có nhiều khó khăn, cản trở nhưng thà phải chịu đau l lần để ta có 1 cơ thể thật sự khoẻ mạnh vẫn hơn là sự trì trệ bấy lâu nay. |
Việc này xem ra như thiếu nhân đạo, nhưng nhìn tổng thể lại là nhân đạo nhất. Phải có 1 áp lực cho tất cả CBGV để họ luôn lo làm tròn trách nhiệm của mình, nếu không chịu phấn đấu rèn luyện tu dưỡng, học tập để đáp ứng nhiệm vụ thì sẽ bị sa thải. Hiện nay có khá nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm vào loại khá giỏi vẫn ở ngoài cổng trường, họ rất thiết tha tìm việc và cống hiến. Phải để họ thay thế những giáo yếu kém.
Cán bộ quản lý cũng vậy, phải đặt họ vào sự thách thức, ban đầu nên phân công về nhận nhiệm vụ ở những đơn vị khó khăn, xem họ có sáng tạo để đưa đơn vị đi lên không. Với ý chí từ trung bình vươn lên khá, khá rồi làm cho tốt hơn, tốt rồi vẫn phải có cái mới. Chính trong khó khăn mới phát hiện ra người tài. Đối với GV cũng nên làm như thế. Mặt khác, cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tương ứng với sự cống hiến của từng người.
2. Phải công bằng trong giáo dục:
(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)
Làm tốt hưởng nhiều, (nâng lương sớm, thưởng…), làm chưa tốt hưởng ít ( kéo dài thời gian nâng lương, hạ bậc lương, chuyển về nơi phù hợp …).
II- Thi cử- xét tuyển:
1. THCS xét TN như những năm qua là ổn, đỡ tốn kém, cần duy trì. Các HS hỏng TN là đích đáng, tỷ lệ TN là phù hợp.
2. Tuyển sinh vào lớp 10:
Cần kết hợp xét và tuyển, theo tỷ lệ 50-50. Việc đánh giá xét ở bậc THCS rất có hiệu quả về giáo dục toàn diện. Ai đó sợ tiêu cực xảy ra ở bậc học này là chưa đúng. Thực tế những năm thực hiện phương châm xét tuyển, học sinh THCS ngoan hơn, lo học hơn, kỉ cương được tăng cường. Phụ huynh, HS đều lo lắng. Phụ huynh chăm lo giáo dục con về hạnh kiểm, học đều các môn. HS lo rèn luyện để không vi phạm kỉ luật, nội quy nhà trường, biết tôn trọng giáo viên, môn học… Cái lợi nhiều thế mà nhiều tỉnh thành vội bỏ hình thức này. Mong các vị lãnh đạo cấp Sở chú ý, không quan liêu, phiến diện khi nghe thông tin 1 chiều rồi vội vã ra quyết định bỏ thi kết hợp với xét tuyển.
3. Ở bậc THPT nên tổ chức thi gọn nhẹ, tiết kiệm hơn. Mấy năm qua chúng ta tổ chức có phần phức tạp, gây lãng phí thời gian, tiền bạc của nhà nước và của ngành, của phụ huynh . Tôi nghĩ rằng Việc này nên giao cho các sở GD tự lo. Sở GD có thể giao cho trường tự tổ chức thi, có giám sát, đánh giá, đảm bảo công bằng, công khai ( giữa các HS, giữa các trường). Nhất thiết phải tổ chức nghiêm túc, ra nhiều mã đề như thi tuyển vào lớp 10. Không để HS quay cóp, GV thiếu nghiêm túc làm ảnh hưởng uy tín của ngành, của nhà giáo như năm qua. Nếu không thực hiện được như thế thì nên xét TN bậc THPT như bậc THCS.
4. Thi đại học:
Khi các môn khoa học xã hội, kĩ năng sống bị xem nhẹ, theo tôi tất cả các khối thi đều bắt buộc thi 2 môn Văn-Toán. Các môn còn lại tuỳ thuộc vào chuyên ngành sát mã thi, hoặc cho học sinh tự chọn 1 trong vài ba môn quy định.
-Ví dụ 1: ĐH Y khoa thì thi Văn-Toán-Sinh; ĐH dược thì thi Văn-Toán-Hoá,…
-Ví dụ 2: ĐH Y khoa, ĐH dược thì ngoài Văn-Toán được chọn 1 trong 2 môn Hoá hoặc Sinh.
Tóm lại, các đợt cải cách, đổi mới về chương trình, sách giáo khoa, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ, cải tiến thi cử,… chưa phải là mấu chốt, cấp thiết của việc đổi mới giáo dục hiện nay mà Bộ GD nên làm 1 cuộc cách mạng trong quản lí giáo dục. Việc này sẽ có nhiều khó khăn, cản trở nhưng thà phải chịu đau l lần để ta có 1 cơ thể thật sự khoẻ mạnh vẫn hơn là sự trì trệ bấy lâu nay.
Trần Quốc Thường
Yên Hồ-Đức Thọ-Hà Tĩnh.
LTS Dân trí- Nhằm từng bước đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thư XI, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định đổi mới công tác quản lý là khâu đột phá và cần tập trung thực hiện để tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ. Đấy là chủ trương đúng nhưng điều quan trọng là xác định nội dung đổi mới quản lý, những công việc gì cần ưu tiên làm trước, từ đấy tác động đến cả hệ thống, tạo ra điểm tựa cho việc đổi mới toàn diện công tác quản lý giáo dục từ trung ương đến địa phương và cơ sở.
Qua thực tiễn hoạt động nhiều năm ở cơ sở giáo dục, tác giả bài viết trên đây đóng góp những ý kiến đáng quan tâm về đổi mới công tác quản lý nhằm tạo ra động lực phấn đấu đối với cán bộ quản lý cũng như đội ngũ giáo viên. Có thể coi đây là một khâu đột phá nhằm xoay chuyển tình thế trì trệ dựa trên sự phân phối bình quân và “đến hẹn” lại lên lương trở thành phổ biến trong ngành giáo dục hiên nay.
Công tác thi cử cũng còn tồn tại nhiều vấn đề cần sớm tìm ra những biện pháp hợp lý, ít tốn kém và có hiệu quả hơn.