Bạn đọc viết:

Cần cách nhìn rộng mở hơn với Dân phòng, Trật tự đô thị…

(Dân trí) - Là độc giả hàng ngày của báo điện tử Dân trí, sau khi đọc 2 bài báo về vụ việc người bán hàng rong bị dân phòng đánh ở TPHCM, bản thân tôi (hiện đang công tác ở 1 phường của TP Đà Nẵng) cũng cảm thấy rất buồn.

Sau khi đọc và suy nghĩ về các hồi đáp, phản hồi của bạn đọc tôi mạn phép viết đôi dòng gửi Ban Biên tập báo Dân trí, rất mong được đăng tải nội dung bài viết để mong mọi người có cách nhìn rộng mở hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Trước hết, tôi hết sức chia sẻ với anh Tình về việc bị những người được gọi là lực lượng dân phòng, trật tự đô thị hành xử như vậy. Phản ứng của bạn đọc sau khi đọc tin và nghe trả lời phỏng vấn của lãnh đạo UBND phường 25 là điều hiển nhiên. Đúng hay sai như thế nào, tôi tin rằng lãnh đạo ở cấp cao hơn sẽ có biện pháp xử lý, giải quyết rõ ràng vụ việc.

 

Còn theo tôi, để xảy ra những vụ việc như thế có rất nhiều nguyên nhân mà cơ bản nhất là vì thực trạng chung: việc tiếp nhận, tuyển dụng con người phục vụ trong 02 lĩnh vực này rất dễ dãi. Hầu hết đều không có yêu cầu nhiều về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn tối thiểu. Lại rất xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, văn hóa giao tiếp, thái độ ứng xử, tác phong làm việc với người dân, nên việc thường xuyên xảy ra những vụ việc như thế là điều tất nhiên.

 

Nhận định như trong bài viết gọi những người làm công tác này là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", tôi thấy hoàn chính xác. Bởi không rõ các bạn có biết là phụ cấp của lực lượng Dân phòng rất thấp, không đáng kể không? còn lương cơ bản của lực lượng Trật tự đô thị chưa đến 2.000.000đ một tháng. Tôi nghĩ, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính góp phần vào việc người ta dễ dãi trong tiếp nhận, tuyển dụng con người vào 02 lực lượng này. Chính vì như thế nên thật khó đòi hỏi những yêu cầu cao hơn, chuyên nghiệp hơn đối với những người làm công tác Trật tự đô thị. Còn lực lượng Dân phòng thì địa phương vận động ra tham gia, hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn, khu dân cư trên tinh thần tự nguyện vì cộng đồng, vì người dân là chính.

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp) 
 

Khi đọc bài báo nói trên tôi thấy có nêu vấn đề “quát tháo, rượt đuổi, quăng quật hàng hóa của những người bán hàng rong khốn khổ”. Những cách làm như thế là vô cùng phản cảm, khó chấp nhận. Nhưng chúng ta cũng cần phải thừa nhận thực tế rằng rất khó khăn để thuyết phục, vận động những người bán hàng rong chấp hành, không vi phạm, bởi vì đó là cuộc sống mưu sinh của họ. Nhưng nếu không xử lý thì thành phố đâu còn là thành phố, không thể xây dựng nếp sống văn minh đô thị...

 

Cũng đã có nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này như bố trí, sắp xếp những người bán hàng rong vào một khu vực nhất định để quản lý. Hoặc bố trí, sắp xếp họ vào trong chợ nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn rồi đâu lại vào đấy. Những người này lại tiếp tục bán hàng rong trên các tuyến đường bởi một lý do đơn giản: vào trong những khu vực đó họ phải cạnh tranh, lợi nhuận giảm và phải chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Tôi không nói đến vấn đề họ phải chịu phí hay thuế vì chính quyền sẽ đề nghị Ban quản lý chợ, cơ quan chức năng… hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn, hộ nghèo như họ. Mà đặc thù của đa số người dân VN chúng ta là thích sự mau chóng, đơn giản. Đi làm về vội vàng, không muốn vào chợ mất thời gian. Dọc đường có sẵn mấy người bán hàng rong đứng dưới lòng đường, cứ dừng xe lại là mua, họ lại bán rẻ hơn trong chợ. Nhiều nhất là tại các ngã ba, ngã tư, đèn xanh, đèn đỏ lúc nào cũng có sẵn hàng rong để phục vụ.

 

Chính vì tâm lý người mua như thế nên những người bán hàng rong thấy rằng buôn bán ở ngoài sẽ thuận tiện, dễ dàng hơn. Tai nạn, kẹt xe cũng có phần của những việc như thế này. Vậy nên tất cả những giải pháp nói trên đều không đem lại kết quả như mong muốn. Mọi người phải thấy rằng rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra cũng từ nguyên nhân các xe máy, xe đạp bán hàng rong (thường có sạp lớn phía sau để đựng rau, quả, trái cây) cồng kềnh, chiếm lòng đường gây ra.

 

Khi không có biện pháp xử lý các trường hợp buôn bán hàng rong, chúng ta phải trả lời nhiều câu hỏi chẳng hạn như: Rất nhiều trường hợp khó khăn, mưu sinh nhưng họ vẫn phải vào chợ phải thuê mặt bằng, chịu các loại thuế, phí. Đồng thời phải chịu sự cạnh tranh, lợi nhuận không nhiều. Còn các trường hợp buôn bán hàng rong không phải chịu những vấn đề như trên. Buôn bán hàng rau, quả… không rõ nguồn gốc (hầu hết là của Trung Quốc mạo nhận sản phẩm của VN mà báo chí, ti vi đã nhiều lần nói đến), nếu chẳng may khi  người tiêu dùng sử dụng có xảy ra vấn đề gì về sức khỏe thì chẳng biết đường nào mà truy trách nhiệm của họ. Như vậy sự công bằng của xã hội đối với những trường hợp buôn bán, kinh doanh trong chợ được giải quyết như thế nào?

 

Rồi còn các vấn đề về mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… Bởi vì đa số người bán hàng rong sử dụng lòng đường, vỉa hè tại nơi đứng bán làm chỗ xả rác luôn.

 

Tôi nghĩ, việc không đồng tính với các cách làm, kiểu làm không chuyên nghiệp mà mọi người gọi là: quát tháo, đuổi bắt, quăng quật hàng hóa là đúng. Nhưng chúng ta cũng nên có cách nhìn đối với tình trạng nói trên một cách rộng mở hơn. Và tôi cũng tin rằng, lực lượng Dân phòng, Trật tự đô thị nói riêng và các lực lượng chức năng nói chung, khi thực hiện nhiệm vụ nhất là khi xử lý tình trạng buôn bán hàng rong bao giờ cũng nhắc nhở, vận động không chỉ là một, hai lần mà rất nhiều lần là đằng khác.

 

Để giải quyết được tình trạng nói trên cần phải xây dựng và thực hiện rất nhiều biện pháp mang tính căn cơ và tầm cấp tỉnh, thành phố mới làm được. Mà điều quan trọng nhất là cần có sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân. Đơn giản và cụ thể nhất là từ ý thức mua hàng, không nên dừng xe ở lòng đường, vỉa hè để mua hàng rong.

 

Đặng Bình Phuơng