Vụ du khách tử nạn khi rơi dù lượn: Các ý kiến về ký miễn trừ trách nhiệm

Hoài Sơn

(Dân trí) - Trong trường hợp du khách tử nạn do nhảy dù lượn ở Đà Nẵng, hiệu lực pháp lý của giấy miễn trừ trách nhiệm không phải là tuyệt đối và cần dựa vào kết quả điều tra vụ việc cuối cùng.

Giấy miễn trừ trách nhiệm có giá trị pháp lý hay không?

Liên quan đến vụ việc một du khách tử nạn khi tham gia hoạt động nhảy dù tại khu vực núi Sơn Trà, theo thông tin từ Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, trước đó du khách H.Q.T. (36 tuổi, tạm trú TPHCM) đã liên hệ và đặt dịch vụ trải nghiệm dù lượn không động cơ.

Trước khi tham gia dịch vụ, công ty và du khách này đã thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình như khai báo thông tin tại chốt kiểm soát, mua bảo hiểm tai nạn, ký cam kết miễn trừ trách nhiệm.

Vụ du khách tử nạn khi rơi dù lượn: Các ý kiến về ký miễn trừ trách nhiệm - 1

Lực lượng chức năng cứu hộ nạn nhân vào chiều 8/7 (Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp).

Bạn đọc báo Dân trí đã có nhiều ý kiến xung quanh câu chuyện du khách đã ký cam kết miễn trừ trách nhiệm trong bối cảnh vụ việc chưa có kết luận cuối cùng từ cơ quan chức năng.

“Miễn trừ trách nhiệm không có giá trị pháp lý. Khi tai nạn xảy ra, cơ quan công an vẫn phải xác minh, điều tra. Trong quá trình điều tra, nếu xác định có dấu hiệu tội phạm (không đủ tiêu chuẩn, người điều khiển không đủ điều kiện...) sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những người có liên quan", bạn đọc Khac Hiep chia sẻ.

Tài khoản Minh Vu Le nêu ý kiến: “Tai nạn rủi ro ngoài ý muốn thì bên cung cấp dịch vụ miễn trừ trách nhiệm, còn đền bù đã có bảo hiểm”.

“Nếu dịch vụ kém thì không thể ký cam kết miễn trừ trách nhiệm được, chẳng khác gì bắt du khách phải đánh cược với tính mạng của mình”, bạn đọc Ngô Đức bình luận.

Vụ du khách tử nạn khi rơi dù lượn: Các ý kiến về ký miễn trừ trách nhiệm - 2

Dù lượn là môn thể thao mạo hiểm tại thành phố Đà Nẵng (Ảnh: A Núi).

Không đồng tình với ý kiến trên, bạn đọc Mạnh Bùi Đức nêu quan điểm: “Ngay từ đầu du khách đã tự “đặt cược” mạng của mình. Bao nhiêu trò an toàn không chơi, xong cứ thích những thứ mạo hiểm. Vốn dĩ từ “mạo hiểm” đã mang nghĩa nguy hiểm”.

Một ý kiến khác của bạn đọc Truc Phuong nêu: “Bay trên không là trò chơi mạo hiểm, chủ quan một xíu là gánh hậu quả bất cứ lúc nào. Đôi khi các bộ phận kiểm tra trước khi bay hoặc phi công ngày nào cũng lặp đi lặp lại công việc kiểm tra an toàn dẫn đến tâm lý chủ quan, đến lúc gặp điều kiện bất lợi về thời tiết hay sức khỏe thì gặp sự cố”.

Cần dựa vào kết quả điều tra, không dựa trên sự phỏng đoán

Luật sư Hải Nhi, Công ty luật FDVN nêu quan điểm, thông thường việc ký giấy miễn trừ trách nhiệm trước khi tham gia các trò chơi mạo hiểm (như trò chơi cảm giác mạnh, leo núi, nhảy bungee, lặn biển,…) là khá phổ biến ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.

Tuy nhiên, hiệu lực pháp lý của loại giấy này không phải là tuyệt đối và nó không thể loại bỏ toàn bộ trách nhiệm pháp lý của đơn vị tổ chức nếu có rủi ro xảy ra.

Vụ du khách tử nạn khi rơi dù lượn: Các ý kiến về ký miễn trừ trách nhiệm - 3

Thành phố Đà Nẵng đã cho tạm dừng hoạt động dù lượn để rà soát (Ảnh: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch).

Theo quy định của pháp luật, sự tự nguyện thỏa thuận của các bên trong các loại hợp đồng về việc miễn trừ trách nhiệm cũng là một căn cứ để các bên còn lại không phải chịu một số trách nhiệm pháp lý khi xảy ra các sự kiện pháp lý không mong muốn.

Việc miễn trừ cũng được đặt ra khi gặp trường hợp bất khả kháng mà không thể khắc phục được hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại.

Do vậy, việc đánh giá cụ thể mức độ miễn trừ, khả năng xử lý các hậu quả pháp lý giữa hai bên phải dựa vào các nội dung cụ thể mà các bên đã ký kết, phải dựa vào các kết quả điều tra về nguyên nhân, các vấn đề khác nhau liên quan đến vụ việc chứ không dựa trên sự phỏng đoán chủ quan.

Hiện nay, hoạt động dù lượn, diều bay thuộc hoạt động thể thao mạo hiểm, theo quy định “bay dù lượn” là một trong những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách, nên cần tuân thủ các điều kiện theo Nghị định 36/2019/NĐ-CP để đảm bảo an toàn tối đa cho người tham gia.

Ngoài vấn đề xem xét trách nhiệm và nghĩa vụ có tính chất dân sự giữa các bên, doanh nghiệp cũng cần thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Nếu có vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về xử lý hành chính theo quy định trong lĩnh vực thể thao hoặc các chế tài pháp lý khác.

Theo Luật sư, nếu các bên có lỗi dẫn đến thiệt hại cho bên còn lại thì chịu trách nhiệm pháp lý đối với nhà nước liên quan đến vấn đề đảm bảo pháp lý trong việc tuân thủ điều kiện kinh doanh. Do đó, các vấn đề pháp lý cụ thể cần dựa trên kết quả điều tra rõ ràng về trách nhiệm của các bên.

Theo báo cáo ban đầu của cơ quan chức năng, chiều 8/7, ông H.Q.T. (36 tuổi, tạm trú TPHCM) lên bán đảo Sơn Trà thuê dịch vụ bay dù lượn. Người dẫn bay là ông L.M.P. (41 tuổi).

Khi bay đến khu vực bãi Nam, thuộc bán đảo Sơn Trà, dù lượn xảy ra sự cố dẫn đến du khách T. bị rơi xuống rừng, gần bờ biển. Phi công P. rơi xuống bãi cát ven biển, được đưa đi cấp cứu.

Nhiều lực lượng vào rừng tìm kiếm du khách. Đến khoảng 19h30 cùng ngày, thi thể ông T. được tìm thấy.