Bữa ăn trường học vẫn còn là nỗi lo

Dinh dưỡng đóng vai trò quyết định đối với thể lực và góp phần nâng cao trí tuệ của học sinh. Đối với các bậc phụ huynh, bên cạnh việc học thì chuyện con ăn uống ở trường cũng là một nỗi lo canh cánh. Nỗi lo này không phải không có cơ sở bởi thời gian qua có nhiều vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra liên quan đến bếp ăn trường học.

Khó khăn từ cơ sở vật chất

Năm học 2017-2018, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội có 2.642 trường học, trong đó có 1.084 trường mầm non, 728 trường tiểu học. Hiện nay, thành phố có 1.685 trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở giáo dục phục vụ gần 800.000 suất ăn bán trú từ 1 đến 4 bữa/ngày theo đặc thù từng trường. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Hà Nội, sau nhiều vụ việc xảy ra liên quan tới an toàn thực phẩm trường học, thời gian qua, công tác kiểm tra vệ sinh thực phẩm các bếp ăn trường học được thành phố chú trọng. Kết quả kiểm tra, giám sát của đoàn liên ngành Sở Y tế và Sở GD&ĐT tại các quận, huyện năm học 2017-2018 đạt được kết quả đáng ghi nhận. Trên địa bàn thành phố chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận, vẫn còn xảy ra sự cố an toàn thực phẩm quy mô nhỏ tại một trường mầm non và một trường tiểu học, còn có vụ báo chí phản ánh liên quan đến vệ sinh dụng cụ chứa đựng thực phẩm. Qua các đợt kiểm tra định kỳ, một số nhân viên ý thức thực hành trong chế biến thực phẩm chưa cao, có người không đeo găng tay khi chia suất ăn. Hiện nay, một số trường do không có cơ sở vật chất nên phải nấu nhờ các trường khác rồi vận chuyển đến, nên khó khăn trong kiểm soát.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, trong số các trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh có 236 trường thuê nấu tại trường, 242 trường thuê các đơn vị cung cấp suất ăn. Điều này gây không ít lo lắng cho các bậc phụ huynh có con học tại các cơ sở giáo dục này. Còn nhớ vụ việc Công ty Trung Thành cung cấp số lượng lớn rau, củ, quả và thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ vào 7 trường mầm non và tiểu học khu vực quận Tây Hồ bị cơ quan chức năng phát hiện đầu năm 2016. Theo cam kết với nhà trường thì doanh nghiệp này phải cung cấp thực phẩm, gồm: Thịt, rau an toàn có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, tất cả rau, củ, quả của doanh nghiệp này lại được thu gom từ các chợ đầu mối, sau đó công ty "biến" thành rau an toàn bằng cách đóng bao bì trước khi đưa đến các trường học. Rút kinh nghiệm sau vụ việc này, ông Phạm Xuân Tài, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ, cho biết: "Quận Tây Hồ đang hợp tác với 30 công ty cung cấp thực phẩm. Khâu kiểm tra, kiểm soát thực phẩm từ đầu mối các đơn vị đưa thực phẩm vào hệ thống trường học được quận quan tâm. Tuy vậy, hiện mặc dù các cơ sở cung ứng thực phẩm vào trường học đều có đầy đủ điều kiện, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm… nhưng thực tế thủ tục cấp giấy phép cho các doanh nghiệp này còn quá đơn giản và dễ dàng. Do đó, trong quá trình hợp tác, các công ty cung ứng thực phẩm nếu làm ăn không giữ chữ tín như trường hợp Công ty Trung Thành kể trên thì các trường học rất khó kiểm soát khâu đầu vào thực phẩm".

Cần đề cao trách nhiệm của cơ sở giáo dục

Chúng tôi đến Trường Mầm non Xuân La (Tây Hồ) đúng dịp nhà trường tổ chức bữa trưa cho học sinh bằng hình thức buffet. Khác với mọi ngày, giờ ăn trưa hôm đó khiến các em học sinh thích thú. Thực đơn của bữa buffet rất hấp dẫn với 13 món đủ cả cơm, thức ăn mặn, miến xào, xúc xích rán và các món phụ, tráng miệng… Cô giáo Nguyễn Bích Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Dinh dưỡng cho học sinh được nhà trường đặt lên hàng đầu. Trong 8 năm qua, Trường Mầm non Xuân La đã duy trì tổ chức cho trẻ ăn buffet 2 tuần/lần, nhằm tạo cho trẻ hào hứng hơn với bữa ăn:.


Bữa ăn buffet của học sinh Trường Mầm non Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Bữa ăn buffet của học sinh Trường Mầm non Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Để duy trì được cách làm này, vấn đề an toàn thực phẩm được nhà trường kiểm soát rất chặt chẽ ngay từ khâu đầu vào. Nhà trường đưa ra yêu cầu rất cao với đơn vị cung cấp thực phẩm khi ký hợp đồng. Hằng ngày, nhà trường cử 5 cán bộ giám sát, đồng thời thường xuyên đưa những mẫu thực phẩm đi kiểm tra xác suất. Không chỉ bảo đảm về chất lượng thực phẩm, năm nào nhà trường cũng cho nhân viên đi tập huấn, bồi dưỡng về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã triển khai sử dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng áp dụng cho các trường tiểu học theo quyết định đã ban hành của Bộ GD&ĐT. Kết quả, sau hơn một năm triển khai đã có 174 trường nghiên cứu phần mềm, 28 trường đã áp dụng bộ thực đơn hằng ngày, trong đó 16 trường vận hành thành thạo phần mềm và áp dụng bộ thực đơn cân bằng dinh dưỡng hằng ngày. Các thực đơn được xây dựng dựa trên nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho lứa tuổi tiểu học tại Việt Nam của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bảo đảm bữa trưa đáp ứng 30-40% nhu cầu dinh dưỡng cả ngày. Thông qua phần mềm, các em học sinh được trang bị những kiến thức về dinh dưỡng và thực phẩm, từ đó hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng học đường.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội: Để vừa bảo đảm được chế độ dinh dưỡng cho học sinh nhưng vẫn kiểm soát được an toàn thực phẩm là câu chuyện đáng bàn trong các trường học hiện nay. Bởi thực tế, lực lượng thanh tra của các phòng GD&ĐT còn quá mỏng so với số trường của các quận, huyện nên việc kiểm soát thực phẩm đầu vào gặp khó khăn. “Vì vậy, hiệu trưởng các trường sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất. Khi để xảy ra việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học; các cấp có thẩm quyền phải xem xét trách nghiệm của họ trong quản lý và đưa ra hình thức kỷ luật”, ông Tiến khẳng định.

Theo NGUYỄN HOÀI

Báo Quân đội nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm