Bóng dáng... ví tiền phía sau những quy định tréo ngoe

(Dân trí) - Cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng. Hết ông nói gà, bà nói vịt lại tới giải thích vòng vo cùng khẳng định của Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT): dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe…là công trình của ban soạn thảo có tới 34 người.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Con số… giật mình!

 

Đã thất kinh về quy định (dù mới chỉ là dự định) mà dù có tránh dùng từ nhạy cảm “ngực lép” để thay bằng “vòng ngực”, “thể lực” (theo lý giải của ông Phạm Thành Lâm, Cục phó Cục Y tế GTVT, Bộ GTVT) thì vẫn rất khó chấp nhận, dư luận càng thêm "kính nể" trước con số 34 cán bộ đóng góp công sức vào cái công trình hiện lên qua ống kính người dân chẳng  khác nào một… tiểu phẩm hài “đặc sắc”. Con số 34 nhanh chóng trở thành tâm điểm để các "diễn viên hài nhân dân" tiếp tục tung hứng vòng quanh,  bởi điều ai cũng thấy là hình bóng ví tiền thấp thoáng phía sau:

 

“34 nhà sáng chế hãy vẽ 3D bộ ngực phẳng và bộ ngực lép, rồi tính diện tích tiếp xúc với không khí thì biết ngay là ngực nào chịu nhiều áp lực. Nhưng nói thật nhé, các bác phải có con số thông kê, làm các thực nghiệm trước khi phát ngôn. Còn không thì các bác… giải tán (ban soạn thảo) sớm cho chúng em nhờ” - Nhomtthoi33:  nhomtthoi33@gmail.com

 

“Tốn 1 đống tiền thuế cho các sếp lập ra cái ban 34 người này làm gì nhỉ? Xin thưa với các… ông giời con (có lẽ) đang quá rảnh rỗi là sao không lo sửa đường, quy hoạch lại đô thị, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế... trước đi?” - Nguyễn Ngọc Tuấn: ngoctuanctttk1@gmail.com

 

“Liệu có phải điều đó chứng tỏ 34 người trong ban soạn thảo ở dạng trình độ… làng nhàng thế thôi?” -   Nguyen Cong Doanh: doanhnc@gmail.com

 

“Là giới chức chắc lâu lâu cũng phải vẽ ra chuyện gì đó mang tính khôi hài để thử trình độ dân trí? Nếu không mấy bác biết làm gì khi nhận những đồng tiền lương do mồ hôi, nước mắt của người dân đóng thuế mà có? Lấy đâu ra việc cho thanh kiểm tra, phạt và phạt...???” - Ngô Thanh Hải:  ngothanhhiacqk@gmail.com

 

 “Càng ngày tôi càng thấy các vị toàn làm những điều vô bổ. Nào là vừa mới bỏ quy định chụp hình CSGT phải xin phép, giờ lại khơi dậy quy định (đã bị phản ứng mạnh)  ngực lép không được lái xe 2 bánh....Chán!!! Thảo nào ngày càng có nhiều người bức xúc, bất mãn…Sao các vị không bỏ thời gian ra suy nghĩ coi làm sao để không còn ‘nhân bản’ xét nghiệm hay tiêm chích vaxin hết date cho người dân mừng? Nhưng tôi  biết, các vị ban ra nhiều quy định tréo ngoe cũng chỉ là để cho cái ví đựng tiền của mình to ra mà thôi, đừng nói với dân là các vị không nghĩ tới chuyện đó nhé!” - Hải: dangtunhai1973@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

… Và chiếc ví

 

Quy định về “vòng ngực”, “thể lực”… để được lái xe tham gia giao thông, nếu xét về mặt phải của vấn đề cũng được một số bạn đọc cho  là đúng và cần thiết. Nhưng đó là  khi mọi khía cạnh liên quan, nhất là mục tiêu, đều phải chuẩn mực và rõ ràng. Đằng này thì...

 

“Tiêu chuẩn đối với người lái xe là hoàn toàn đúng, tránh tình trạng người không đủ sức khỏe cũng điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn chết người. Tuy nhiên để tiêu chuẩn thế nào cho hợp lý, hợp tình mà vẫn đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm của ban dự thảo và các các bộ liên quan. Đừng để khi quy định ra đời lại không thực tế thì dân người ta tiếp tục ‘ném đá’ cho đấy!” - Nguyễn Văn Bốn: bonnasico@gmail.com

 

“Phi công có cần tiêu chuẩn không? - Có. Lái xe tải, xa khách có cần tiêu chuẩn không? - Có. Vậy tại sao xe cá nhân lại không cần? Không lẽ xe máy không gây chết người? Tôi ủng hộ việc cần có một bộ tiêu chuẩn. Tuy nhiên các nhà quản lý hãy bỏ ô tô, thử đi làm, đi nhậu bằng xe máy vài bữa rồi hãy về làm quy định. Như vậy sát thực tế hơn, đỡ bị dân la ó” - Nguyễn Độ: do@yahoo.com

 

“Nên có qui định rõ ràng về hình dáng và kích thước… bộ não khi bổ nhiệm CÁN BỘ của mấy cái... CỤC gì đó thì hơn, cũng để tránh gây tốn kém thời giờ và sự ‘ném đá” của dư luận trái chiều” - Lê Y: ley@yahoo.com.vn

 

“Thật là nhảm khi trả lời rằng ngực nhỏ thì chịu sức gió va đập lớn hơn! Vậy xin hỏi tốc độ cho phép lái xe ở VN tối đa là bao nhiêu? Những con đường ở VN có đủ rộng và dài  để chạy xe với tốc độ cao  không? Những điều kiện nào để có thể làm người ngực nhỏ bị va đập lớn? Tôi hiện nay đang sống ở Mỹ và chỉ cân nặng 110 lbs (pao – 1 pao khoảng 450 gram)  thôi, nhưng tôi vẫn có bằng lái xe 2 bánh với phân khối là hơn 1.300 cm3. Đồng thời tôi cũng có bằng lái xe tải kéo 2 container. Mà đường sá ở Mỹ rất rộng và phải chạy với tốc độ rất cao, vậy thì tôi phải chịu sức ép bao nhiêu, thưa mấy vị (ban soạn thảo)?” - Brian Tran:  britra111@yahoo.com

 

“Tôi cũng ở Mỹ đã 30 năm, tôi đồng ý kiến với anh Brian Tran. Anh nói rất đúng, chỉ ở VN có lẽ các vị ấy thiếu hiểu biết nên mới nhầm lẫn, ra quy định phản khoa học không hà. Nhưng các bác nên nhớ là sắp bước qua năm 2014 rồi, cái gì cũng cần được nghiên cứu sao cho khoa  học chút nhé. Đừng để người nước ngoài đọc quy định mà cười cho dân trí của VN!” – Pham Nam Hien: phamnamhien@yahoo.com

 

“Năm 1985 tôi có sống ở CHDC Đức, tôi thấy cả người cụt 1 tay vẫn được lái xe ô tô miễn là có đi thi lấy bằng và thi đỗ. Ở VN cũng nên cho cả người 'ngực lép' đi thi lấy bằng lái xe, đạt yêu cầu thì cấp bằng, không đạt thì thôi, không cho lái xe. Bàn luận nhiều quá làm rắc rối vấn đề” - Đặng Thị Thu Hằng (TP Hưng Yên): danghang@gmail.com

 

“Dân số chúng ta 80-90 triệu thì có khoảng 50 triệu người cần được lái xe. Bộ Y tế kiểm tra sức khỏe 1 năm 1 lần thì cần kiểm tra 50 triệu lượt, mà nếu để cho chắc chắn 1 năm sẽ kiểm tra 2 lần. Mỗi lần kiểm tra 81-82 chỉ số có lẽ hết khoảng 1 ngày (cả chờ đợi), Bộ Y tế sẽ càng bộn...việc, trong khi việc chính là khám chữa bệnh thì vẫn đầy rẫy tiêu cực xử lý chưa xong. Bộ Y tế sẽ còn làm gì nữa đây?” - Hoàng Thị Hoa:  hoangvan65@yahoo.com

 

“Nếu điều luật này được ban hành thì Bộ Y tế sẽ thu được một lượng kinh phí khổng lồ vì một năm mỗi người phải khám sức khỏe 1 lần. Ngoài ra tiền để lo cho cái vụ khám sức khỏe thành công nữa chứ, nếu không thì kết luận của bác sĩ là: không đủ điều kiện điều khiển phương tiện cơ giới.  là coi như toi đời. Đâu phải ai cũng là lực sĩ?” - Vịt con:  vitconhatinh@gmail.com

 

Rõ ràng dân chỉ thấy chiếc ví (hay nồi cơm, hay… “lợi ích nhóm”) vẫn là đích đến cuối cùng của những quy định vô lý này!

Kiều Anh