Bộ trưởng Giao thông “trực diện” tai nạn giao thông

(Dân trí) - Câu chuyện giao thông, tai nạn giao thông ở VN chắc còn dài dài. BT GTVT đã quyết tâm đưa ra khỏi đội ngũ những người yếu kém. Các ngành khác liên quan sẽ có biện pháp tương tự? Mãi lộ của CSGT trên mọi tuyến đường hẳn cũng là một trong những nguyên nhân...

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Tối chủ nhật 30/6, trên mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định: "nguyên nhân trực tiếp chính là từ những người lái xe, nhưng chúng ta phải thấy nguyên nhân sâu xa chính là từ khâu quản lý nhà nước".

 

Khâu quản lí nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải được Bộ trưởng nói rõ ở phần tiếp theo trong khuôn khổ không dài của chương trình. Đó là việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe, việc đăng kiểm định kỳ các phương tiện giao thông, chất lượng hệ thống đường bộ (bao gồm biển báo), trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, đạo đức của đội ngũ thanh tra giao thông…

 

Trên cương vị của mình, ông Thăng chỉ nói trong lĩnh vực mình quản lí. Khán giả truyền hình, dân chúng nghe/xem phát biểu của ông rất đồng tình về nhận định trên và chia sẻ cùng ông về những thiệt hại, mà nếu làm tốt ở khâu quản lí nhà nước thì đã được giảm thiểu đáng kể. Vì thế…ai chẳng không trăn trở? Bộ trưởng cũng hơn một lần (trong chương trình) nhấn mạnh phải kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những người yếu kém năng lực, đạo đức sa sút…

 

Dân tin những điều ông Thăng nói. Vì ông là người đã nói là làm. Ông đã xử lí nhiều vụ việc rất kiên quyết, nhanh chóng theo phong cách của một Tư lệnh, mang lại hiệu quả tốt.

 

Giao thông vận tải, Giáo dục đào tạo, Y tế là những ngành mà bất kỳ ai cũng cần (kể cả chết rồi cũng vẫn cần). Vì thế  động chạm tới mọi người, mọi gia đình. Luôn là vấn đề nhạy cảm (theo nghĩa tích cực).

 

Cũng chính vì thế, chỉ riêng chuyện làm sao để giảm tai nạn giao thông, nhà nước có Ủy ban An toàn giao thông do một Phó Thủ tướng đứng đầu. Tai nạn giao thông xảy ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp hành tinh. Việt Nam có lẽ là một trong số ít quốc gia đứng Top đầu về số vụ, số người chết và bị thương vì vấn nạn này. Mỗi ngày mấy chục người chết, số người bị thương, tàn phế gấp vài lần người chết, hầu hết đang ở tuổi lao động. 

Thiệt hại quá lớn!!! Tính ra không kém gì số người chết mỗi ngày do chiến tranh ở Trung Đông. Thế mà…hình như không ít người hoặc là vô cảm hoặc là không sợ chết???

 

Ai đã từng cầm lái mô tô, ngồi sau vô lăng ô tô, đã trên từng cây số chắc là đều nhiều lúc thót tim vì phải chạm mặt không ít “đồng nghiệp” hảo hán, cầm lái như không cần biết trên đường, trên đời có ai. Sử dụng một phương tiện văn minh, có giá trị tiền tỉ, nhưng người sử dụng thiếu hiểu biết, văn hóa giao thông thì quá “lùn”. Phải chăng cũng từ cội nguồn sâu xa… “đường ta ta cứ đi; giời của ta, đất của ta”…. Cứ lên xe là liều mình như chẳng có…Quá kinh hãi!!!

 

Tại nạn giao thông không thể đổ hết lỗi cho khách quan. Càng không thể đổ cả lên đầu ông Giao thông, ông Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện. Đã đến lúc cần rạch ròi. Lỗi tại ai phải được xử thật nghiêm. Đi bộ sai luật, gây tai nạn, phải xử. Người gây ra tai nạn, dù không còn sống cũng cần có biện pháp nào đó để người sống đừng lặp lại.

 

Gần đây số tai nạn xe chở khách gia tăng. Lái xe chết. Nhiều chục hành khách chết theo và bị thương. Lái xe ấy dù đã chết vẫn cần được xử thế nào? Câu hỏi đó hình như vẫn còn bỏ ngỏ?

 

Câu chuyện giao thông, tai nạn giao thông ở Việt Nam chắc còn dài dài. Bộ GTVT đã quyết tâm đưa ra khỏi đội ngũ những người yếu kém. Các ngành khác liên quan liệu sẽ có biện pháp tương tự không? Mãi lộ của cảnh sát giao thông trên mọi tuyến đường hẳn cũng là một trong những nguyên nhân không phải sâu xa của tai nạn giao thông mà chúng ta vẫn nghe thông báo mỗi ngày???

 

Giang Sơn