1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lật tàu ở Hải Dương: “Tiếc” một barie, bao nhiêu người mất mạng

(Dân trí) - Người dân cho biết, tại đây năm nào cũng có người chết vì tai nạn. Cách đây khoảng 2 năm, trong vòng 10 ngày xảy ra 3 vụ tai nạn liên tiếp làm chết 3 người; đều theo một “kịch bản”: đi xe máy vượt đường sắt khi tàu lao tới.

Những tai nạn được báo trước

 

Sau vụ lật tàu chở hàng trăm khách tại đoạn giao nhau giữa tỉnh lộ 390B và đường sắt Hải Phòng - Hà Nội (xã Hồng Lạc, Thanh Hà, Hải Dương), nhiều cán bộ địa phương khẳng định, đây không phải là tai nạn đường sắt duy nhất xảy ra tại đây.

 

Có mặt tại hiện trường, hàng chục người dân lên tiếng phản ánh về tình trạng thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông do va chạm với tàu hỏa tại điểm giao này. Tuy nhiên, chưa bao giờ đoạn giao này được trang bị rào chắn, đèn báo hay còi báo hiệu có tàu tới.
 
Lật tàu ở Hải Dương: “Tiếc” một barie, bao nhiêu người mất mạng

Đoạn đường giao cắt này bao năm nay dù thường xuyên xảy ra tai nạn nhưng không hề có barie, đèn báo

 

Bà N.T.M. bán nước ngay cạnh điểm xảy ra tai nạn cho biết, tại đây năm nào cũng có người chết vì tai nạn. Cách đây khoảng 2 năm, trong vòng 10 ngày xảy ra 3 vụ tai nạn liên tiếp làm chết 3 người; đều theo một “kịch bản”: đi xe máy vượt đường sắt khi tàu lao tới.

 

Còn ông Trần Minh An, một người dân địa phương, cho hay: “Chúng tôi ở đây chứng kiến tai nạn đường sắt nhiều lần. Nặng thì chết người, nát xe, nhẹ thì cũng bị văng ra gãy xương. Lần này vì lật tàu nên mới nhiều người biết. Bây giờ bảo lỗi của người tham gia giao thông đường bộ cũng không đúng. Đây là tỉnh lộ cơ mà, không đi lối này thì đi lối nào? Đường sắt và đường lộ giao nhau, có ai đi sai phần đường của mình đâu”.

 

Hàng trăm hộ dân hơn một ngày qua kéo nhau ra hiện trường vụ tai nạn, chủ yếu để nghe ngóng xem nhà chức trách có nhắc gì đến việc làm đường chắn không. Bởi đó là mơ ước của họ bao năm nay.

 

Anh Nguyễn Văn Thành, một công nhân thường ngày đi làm qua đây, nói hàng ngày có gần nghìn công nhân của huyện Thanh Hà và huyện lân cận đi làm qua đoạn đường này. Cách đây không lâu, một công nhân vừa đi qua đoạn giao nhau  này thì tàu lao tới, đuôi xe bị tàu gạt văng, ngã xuống đường chấn thương sọ não. “Tàu khách còn biết giờ mà canh chừng né, tàu hàng thì chả biết chạy giờ nào. Chúng tôi đi qua đây mỗi ngày lần nào cũng  phải nín thở. Sợ chết lắm!”, anh Thành cho biết.

 

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Công an huyện Thanh Hà cũng thừa nhận đây là nút giao thông vẫn hay xảy ra tai nạn.

 

Tại hiện trường vụ tai nạn khi chưa được giải tỏa, tàu PL5 bị lật 3 toa, đầu tàu xoay ngang lao xuống phía dưới, đâm thẳng vào một đống vật liệu xây dựng. Các toa tàu và xe ô tô cũng như rơ-moóc hàng bị văng ra hàng chục mét. Nhiều bánh tàu bay khỏi thân tàu văng tung tóe. Tàu bị bật đường ray lật ngay tại vị trí va chạm.
 
Hiện trường ngổn ngang nơi xảy ra lật tàu
Hiện trường ngổn ngang nơi xảy ra lật tàu

 

“Tiếc 3 triệu để mất hàng chục tỷ”

 

Vốn là tỉnh lộ rộng 6 mét nhưng tuyến đường nối khu dân cư Thanh Hà ra quốc lộ 5 lại chỉ được các nhà quản lý đường sắt coi là đường mòn tự phát. Sự an toàn của hàng nghìn con người tại điểm đen giao thông này bao lâu nay không được để ý? Việc đặt một barie chắn tàu ở đây quá khó? Một cán bộ huyện Kim Thành cho biết, làm một cái rào chắn đắt nhất cũng chỉ mất 3 triệu đồng, nhưng địa phương đề xuất nhiều rồi mà chả thấy gì. Bây giờ lật tàu thì mất hàng chục tỷ. Nếu các toa tàu bị lật có hành khách ngồi kín thì mất mát về người là khôn lường.

 

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo công an huyện Thanh Hà nói rõ quan điểm: “Vì đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn do va chạm với tàu hỏa tại đây nên công an huyện cũng đã kiến nghị nhiều về việc tổ chức đường chắn hay đèn báo, còi báo mỗi khi có tàu hỏa chạy qua. Tuy nhiên đến giờ này mọi việc vẫn chưa có gì biến chuyển. Nếu không sớm có biện pháp thì đây chưa phải là vụ tai nạn cuối cùng”.

 

Nhiều người dân cũng cho hay, lần nào họp khu phố, tiếp xúc cử tri dân cũng ý kiến về chuyện này. Kiến nghị mãi không được, có lúc người dân tình nguyện ra đứng làm “barie sống” báo hiệu cho người đi đường biết sắp có tàu đi tới.

 

Lãnh đạo ga Tiền Trung, cách chỗ xảy ra vụ tai nạn lật tàu 300 mét, nói thêm: “Riêng trong ngày 11/7 đã có 20 chuyến tàu bị hủy do việc cứu hộ chưa thực hiện xong. Thiệt hại về kinh tế và lộ trình hoạt động của ngành đường sắt là rất lớn. Tuy nhiên làm barie thì chúng  tôi không có chức năng”.

 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng Ban An toàn giao thông đường sắt, thuộc Tổng cục Đường sắt Việt Nam cũng phân trần: “Dọc tuyến quốc lộ 5 có rất nhiều đường ngang dân sinh đi qua đường sắt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Chúng tôi đã có văn bản đề xuất với Tổng cục Đường sắt từ năm 2011. Trên thực tế, chúng tôi không thể tự cắm biển báo, tự dựng rào chắn được”.

           

Thu Hằng