Dừng đèn đỏ, không nhường xe cứu thương: Coi chừng trách nhiệm hình sự

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu việc không nhường đường cho xe cứu thương là nguyên nhân trực tiếp khiến bệnh nhân tử vong, người điều khiển phương tiện có thể bị xem xét trách nhiệm theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Sự xuất hiện của Nghị định 168/2024/NĐ-CP giúp cải thiện đáng kể ý thức của người dân trong việc tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, song cũng gây ra những bất cập, trong đó một trong các vấn đề nổi cộm là việc các phương tiện dừng đèn đỏ mà quyết không nhường đường xe ưu tiên. Nhiều vụ việc đã được đăng tải trên mạng xã hội và gây ra làn sóng tranh cãi lớn với những luồng quan điểm khác nhau. 

Vậy theo quy định của pháp luật, người dừng đèn đỏ, không nhường đường xe ưu tiên có bị xử phạt không? Và nếu việc không nhường đường là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới người phải đi cấp cứu nguy kịch, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, người không nhường đường có thể phải chịu trách nhiệm hình sự không?. 

Dừng đèn đỏ, không nhường xe cứu thương: Coi chừng trách nhiệm hình sự - 1

Hình ảnh xe cứu thương bất lực trước dòng phương tiện dừng đèn đỏ đang gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu thuộc nhóm xe ưu tiên. Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường, trạm thu phí phải ưu tiên cho xe ưu tiên qua trạm trong mọi tình huống, không được gây cản trở.

Theo khoản 3, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ, người điều khiển phương tiện không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị xử phạt về hành vi "Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ". Mức phạt cho ô tô là 6-8 triệu đồng còn với xe máy là 1-2 triệu đồng. 

Đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mức phạt cho ôtô hiện nay tăng lên thành 8-20 triệu đồng, còn xe máy là 4-6 triệu đồng. 

Sự chênh lệch lớn về mức phạt vô tình trở thành nguyên nhân khiến nhiều người bất chấp, nhất quyết không nhường đường xe cứu thương. Tuy nhiên, theo khoản 1, Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, người vi phạm nếu thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết sẽ không bị xử phạt.

Còn theo khoản 11, Điều 2 Luật này, tình thế cấp thiết được hiểu là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

"Trong trường hợp xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ, thiệt hại của hành vi vượt đèn đỏ, chuyển làn để nhường đường cho xe cứu thương gây ra là nhỏ hơn thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Do đó, trong trường hợp này, người thực hiện hành vi vi phạm hành chính sẽ không bị xử phạt.

Không những vậy, trong trường hợp hành vi không nhường đường cho xe cứu thương đang làm nhiệm vụ là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bệnh nhân tử vong, người điều khiển phương tiện còn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015", ông Hùng bình luận. 

Bởi vậy, luật sư khuyến cáo người dân cần liên tục cập nhật, trau dồi các kiến thức của pháp luật để có thể áp dụng vào đời sống, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Việc không nhường đường cho xe cứu thương có thể là lỗi vô ý nhưng nếu không nắm rõ quy định của pháp luật và dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện hoàn toàn có nguy cơ đối diện với vòng lao lý.