Kẻ đào trộm lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát đối diện mức án nào?
(Dân trí) - Luật sư cho rằng vì lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát là di tích lịch sử nên hành vi của các đối tượng đào trộm thuộc trường hợp định khung tăng nặng 2-7 năm tù.
Công an quận Phú Xuân (thành phố Huế) đang tích cực điều tra, làm rõ vụ việc lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị xâm hại, đào bới.
Qua kiểm tra của ngành chức năng, kẻ xấu đã khoan phá lớp bê tông phía trên, đào sâu xuống bên dưới ở ngay phần đầu huyệt mộ.
Qua theo dõi vụ việc, luật sư Phan Văn Chiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh), cho rằng với hiện trường như trên, hành vi này của các đối tượng rõ ràng có dấu hiệu cấu thành tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo quy định tại Điều 319, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cũng theo luật sư, vì lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát là di tích lịch sử nên hành vi của các đối tượng đào trộm thuộc trường hợp định khung tăng nặng quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 319 Bộ luật hình sự. Cụ thể là "Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa" và đối diện với khung hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, mức phạt tù cao nhất của tội danh này.
Ngoài đối diện với việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các đối tượng thực hiện hành vi đào trộm mộ phải bồi thường thiệt hại gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra. Các đối tượng còn phải đền bù một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người đã khuất.
Mức bồi thường này do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá 30 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 9h ngày 5/1, bảo vệ thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng bà con dòng tộc Nguyễn Phước Tộc vào lăng Trường Thái (tại phường Long Hồ, quận Phú Xuân, thành phố Huế) dọn dẹp vệ sinh, dâng hương dịp cuối năm, phát hiện phần huyệt mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào phá.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng đào bới lăng mộ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm mồ mả mà còn phá hoại di tích.
Cũng theo vị lãnh đạo, việc đào trộm lăng mộ để tìm vàng bạc, đồ tùy táng đã xảy ra cách đây 40-50 năm, nếu có gì quý thì đã bị lấy đi từ lâu. Vì vậy, việc lăng mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào bới lần này là một sự việc hy hữu, chưa rõ mục đích của kẻ gian.
Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chỉ đạo bộ phận liên quan khẩn trương khắc phục, trả lại nguyên trạng công trình.
Lăng Trường Thái, tức lăng Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng Đế là nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765). Ông là vị chúa thứ tám trong 9 đời chúa Nguyễn, ông nội vua Gia Long.
Ông là người đã ban hành quy định nhằm định chế lại chế độ y quan trong triều chính, quy định lại chiếc áo dài của cả nam lẫn nữ nhằm phân biệt y phục giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.