Bạn đọc viết:
Biến tướng quy định đưa tiếng Anh vào trường tiểu học
(Dân trí) - Kính gửi Tòa soạn! Tất cả các ví dụ và bình luận ở trên đều nhắc đến vấn nạn trong giáo dục hiện nay ở nhiều khía cạnh khác nhau khi mùa nhập học bắt đầu. Sau đây, tôi sẽ kể về một ví dụ khác, một hiện tượng mới nảy sinh.
Đó là biến tướng chính sách của Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa tiếng Anh vào dạy cho HS lớp 3 trở lên trong các trường tiểu học. Biến tướng đó lại gây thêm nhiều khổ cực cho học sinh tiểu học ở Hà Nội những ngày này.
Qua quan sát sẽ dễ dàng nhận thấy, nhiều trường tiểu học ở Hà Nội hiện nay đều “liên kết” chính thức hoặc không chính thức với các trung tâm ngoại ngữ “gọi là” có yếu tố nước ngoài để… làm khổ học sinh và thu tiền không chính đáng.
Theo đó, lợi dụng chính sách tăng cường ngoại ngữ cho học sinh tiểu học, hiệu trưởng một số trường tiểu học đã đưa ra nhiều chính sách “bắt ép” tính tự nguyện của học sinh và phụ huynh tham gia cái gọi là “Chương trình tiếng Anh tăng cường”. Thực chất của chương trình là mỗi tuần học sinh được học thêm 1 hoặc 2 tiết tiếng Anh do “giáo viên nước ngoài” (mà theo tôi được biết là không ai kiểm tra chất lượng giáo viên) đứng lớp, với sự chuyển tải bằng tiếng Việt của giáo viên tiếng Anh tiểu học của chính trường đó (những người theo đánh giá của Bộ Giáo dục – Đào tạo là "hiếm khi đạt chuẩn").
Thực tế, cách thức tổ chức như vừa nêu không thể “tăng cường” khả năng tiếng Anh cho trẻ do trẻ nói tiếng Việt với giáo viên người Việt, từ đó giáo viên người Việt lại nói tiếng Anh... không chuẩn với giáo viên nước ngoài. Nhưng cái ĐƯỢC ở đây đối với các trường và đặc biệt là với Hiệu trưởng là: tăng nguồn thu đáng kể. Mỗi học sinh tham gia chương trình tiếng Anh tăng cường bị buộc phải nộp học phí tăng thêm ít nhất 900.000 đồng cho một học kỳ. Vậy nếu tính mỗi lớp khoảng 50 học sinh, mỗi kỳ nhà trường có thể thu thêm được 45.000.000 đồng/lớp.
Cứ tính như vậy, mỗi khối 6 -7 lớp, mỗi năm nhà trường thu thêm được hàng tỉ đồng. Dù rằng số tiền này phải chia phần cho các giáo viên ngoại ngữ, nhưng số còn lại chẳng biết các trường chi tiêu ra sao?
Điều đáng nói ở đây là chương trình được thực hiện không theo hướng “tự nguyện” thật sự, mà họ có đủ chiêu thức để bắt buộc học sinh phải tham gia. Thông thường, hiệu trưởng các trường triển khai bằng hai cách phổ biến sau: Một là giao chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm các lớp. Hai là tuyển sinh thông qua áp lực với Ban phụ huynh (mọi người đều biết Ban Phụ huynh hoạt động vì cái gì rồi). Theo đó, giáo viên chủ nhiệm “doạ” học sinh bằng hai cách:
(1) Em nào không tham gia tiếng Anh tăng cường có nguy cơ phải đứng ở sân trường khi các bạn cùng lớp học tiết tăng cường;
(2) Em nào không tham gia chương trình tiếng Anh tăng cường sẽ có nguy cơ bị chuyển sang lớp khác - cái lớp dành cho con em những… phụ huynh “cứng đầu”.
Ở đây, chuẩn mực giáo dục ở bậc tiểu học không còn được tôn trọng khi việc xếp lớp và triển khai chương trình đào tạo lấy yếu tố lợi ích của hiệu trưởng và những người liên quan làm trọng, thay vì lấy lợi ích và sự trưởng thành về trí lực và thể lực của học sinh làm đầu.
Chắc chắn rằng, với các vị phụ huynh, nghe tuyên bố của giáo viên chủ nhiệm như trên, không ai lại nỡ “đày đoạ” con bằng cách dám không tham gia chương trình tăng cường. Mặc dù hầu như ai cũng biết chắc rằng, cái chương trình tăng cường kia sẽ không thể bổ sung thêm kiến thức cho con em mình.