Tận thu nguồn "phí học" từ "mỏ" phụ huynh

(Dân trí) - Để có được cái chữ cho con, cũng thật khổ cho cha mẹ học sinh vì loạn thu tiền với chiêu bài "tự nguyện". Dân kêu thì cứ kêu, Bộ GDĐT vẫn cứ điệp khúc "cương quyết chấn chỉnh" song chả thay đổi gì…. Chắc là các thầy cô còn phải lo làm kinh tế.

(minh họa từ internet)
(minh họa từ internet)

 

Nuôi con đi học thời kinh tế thị trường

 

Lý do các thầy cô cũng còn phải lo làm  kinh tế được Bùi Đán danbuivan50@gmail.com viện dẫn ra như trên, có lẽ ai chẳng ít nhiều được nghe nói, được biết về cái gọi là “xã hội hóa” đã, đang và chắc sẽ còn được kêu gọi trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả giáo dục. Như cái cách  bạn đọc Thanh Ba thanhbath@gmail.com (chắc là người trong ngành giáo dục) biện minh cho đóng góp “tự nguyện” cho sự học của con em chúng ta thời kinh tế thị trường này:

 

“Hiện nay có rất nhiều ý kiến về vấn đề đóng góp của phụ huynh học sinh đầu năm học, đa phần đều cho rằng các khoản thu là sai quy định và đề nghị bãi bỏ. Tuy nhiên tôi xin tham gia một số ý kiến nhỏ như sau: Việc thu trên tinh thần tự nguyện (dân chủ) và có mục đích cụ thể, thì nên đồng ý để các cơ sở giáo dục làm. Tuy nhiên cần giám sát chặt chẽ hơn. Ví dụ như: tu sửa trường lớp, mua sắm nhỏ tài sản phục vụ dạy và học.

 

Đa phần các độc giả ngoài ngành giáo dục đâu có hiểu là ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương hàng năm chưa thể đáp ứng được nhu cầu mua sắm của các nhà trường. Nhiều trường học ở trung tâm thành phố nếu chỉ trông chờ vào tiền học phí và các khoản chi hành chính sẽ không chi trả nổi tiền điện, nước... của nhà trường. Nói gì đến sửa chữa trường lớp học. Vì vậy độc giả cũng như phụ huynh học sinh cần thông cảm và chia sẻ khó khăn với các nhà trường. Nên có cái nhìn thật xác đáng và cùng với nhà trường, chính quyền các cấp tháo gỡ khó khăn”.

 

Đặng Hùng Việt danghviet@yahoo.com có cách nhìn khác về những đồng tiền lẽ ra phải là “dưỡng liêm” cho các thầy cô giáo mà không theo cách lấy từ nguồn phụ huynh học sinh này: 

 

“Kinh phí hoạt động dạy và học, kể cả tiền “dưỡng liêm” cho thầy cô giáo hiện nay rất cần đến sự đóng góp của mọi tổ chức và cá nhân, nhằm làm cho nền giáo dục đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Có điều là làm sao huy động được sức dân chứ không chỉ dừng lại ở phụ huynh học sinh của trường và đặc biệt là các khoản đóng góp phải được sử dụng đúng mục đích. Thật đau xót thay khi muốn đảm bảo được cuộc sống lẽ ra thầy cô giáo phải nhận được tiền “dưỡng liêm”, nhưng lại buộc phải nhận những đồng tiền như thể… “bố thí” từ phụ huynh qua học trò của mình!”

 

Nguyen Vu kuhoinguienu@yahoo.com giải thích thay cho ngành giáo dục về cách khai thác “cái mỏ” độc đáo mang tên Phụ huynh học sinh:

 

“Mọi người sao lại nhìn vấn đề một cách không đầy đủ như thế. Tôi có vợ là giáo viên nên cũng nghe được người trong cuộc nói khá rõ. Thứ nhất, các trường bây giờ đa phần đều là tự chủ tài chính, đặc biệt là cấp THPT, nên phải tự lo vấn đề nguồn thu. Mà biết kiếm ở đâu ngoài PHHS nữa chứ? Thứ hai, với mức lương như hiện nay, không thu thêm thì lấy đâu cho GV sống? Thứ ba, quan trọng nhất đối với mức thu thêm cao như vậy, là thu 10 đồng thì chỉ vào tay GV đứng lớp - những người chỉ biết rất ít mà vẫn phải giơ mặt ra nói chuyện với PHHS, được 2-3 đồng lẻ mà thôi”.

 

Đó chỉ là số rất ít những phản hồi biện minh cho cách tận thu đang bị nhiều trường tìm cách “lách quy định” bằng biến tướng: không thu thành 1 món to gây “sốc” nữa, mà chia ra thu thành vô số món nhỏ để phụ huynh…đỡ kêu ca. Nhưng thực tế thì sao khi năm nào, học kỳ nào nhà trường cũng thu với biểu đồ tăng dần đều không khác giá cả của các ngành điện, xăng dầu… là mấy:

 

“Khi đất nước cần, người dân sẵn lòng tự nguyện đóng góp. Nhưng trong việc học hành của con cháu chúng ta mà dân cũng phải tự nguyện đóng tiền nữa theo tôi là vô lý. Chẳng ai tự nguyện móc hầu bao chi cho những việc phi lý, nếu không nói là bị ép buộc. Hiện tượng phải đóng rất nhiều loại tiền vào đầu năm học đã kéo dài hàng chục năm nay rồi, mà Bộ GDĐT vẫn không thể ngăn chặn được thì lại càng thật vô lý nữa. Chả trách bây giờ hình ảnh thầy cô nhìn chung không còn là tấm gương để học sinh noi theo nữa. Vai trò Chi bộ Đảng, Công đoàn của từng trường đâu rồi? Việc lạm thu này  phải do từ hiệu trưởng nhà trường nêu ra, thông qua Chi bộ... Vậy đây có phải là hình thức tham ô tập thể không? Tôi mong Bộ GDĐT hãy mạnh dạn cách chức tất cả hiệu trưởng, có hình thức kỷ luật Bí thư chi bộ Đảng ở những trường có lạm thu, dù chỉ một ngàn đồng. Có vậy mới chấm dứt được tệ lạm thu núp bóng “tự nguyện” - Quang bac ky:  quanngba@2012yahoo.com

 

“Ô hay ! Thế nhà trường là nơi làm kinh tế ư và nếu thế thì các thày cô giáo có còn được coi như khuôn vàng thước ngọc (với học sinh và phụ huynh học sinh) nữa không nhỉ?” - Minh Chính: minhchinhbk@yaoo.com

 

“Núp dưới danh nghĩa "tự nguyện" nhưng thực ra không tự nguyện chút nào. Muốn con không bị cô giáo trù dập thì hãy mau đóng tiền “tự nguyện” đi... Tại trường tiểu học Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội lớp 1 ngồi trên 60 cháu/lớp, đóng mỗi cháu trên 2,5 triệu. Trong đó có tiền quỹ lớp 500 ngàn/cháu, tiền mua máy điều hòa 500 ngàn/cháu (chỉ mua 2 cái loại của Hòa Phát, cao lắm cũng chỉ 15 triệu đ), tiền sửa chữa trường, lát sân... Chưa kể để được nhận danh hiệu "học khá" còn tốn kém, nhất là trái tuyến thì rất "khủng". Cũng đúng thôi vì cô giáo muốn được vào dạy nghe nói cũng đã phải chi... "khủng"? Vậy đấy, Sở rồi Thành phố luôn cấm này nọ nhưng chỉ là cấm hình thức. Vì có vậy trường mới thường xuyên có quà…được chứ...” - Tinheo: tinheo835@yahoo.com

 

“Chữ "đóng góp tự nguyện", theo tôi,  Bộ GDĐT nên thêm vào là: "Phải đóng góp tự nguyện" thì mới phản ánh đúng nội dung của nó. Và cuối cùng nên ghi chú: "Mọi đóng góp cho trường không cần có hóa đơn tài chính". Nếu được vậy dân sẽ đỡ thắc mắc hơn”  - Minh433: minh433@yahoo.com.vn

 

“Năm nào cũng thu và năm sau, học kỳ sau đều thu cao hơn học kỳ trước, năm trước. Có con đi học thời buổi này là một sự vật lộn cho cuộc sống. Nhà giàu có thì không thành vấn đề gì, nhưng với những gia đình lao động kiếm ăn từng ngày thì thật là quá khó khăn. Nhưng không cố thì chẳng lẽ cho con cái mình mù chữ? Nếu nhà nước có chính sách miễn phí cho học sinh từ mầm non cho tới tốt nghiệp trung học phổ thông như nhiều nước thì tốt biết bao, mà có lẽ tổng chi phí hàng năm cho các cháu chỉ cần giảm được một phần những khoản tiền “khủng” bị tham ô, tham nhũng làm thất thoát là đủ thôi. Thật là buồn!” - HAI:  haidinh@yahoo.com

 

Thêm nữa, thêm mãi

 

Bao thế hệ người VN tạm coi là “xưa” chẳng có học thêm học nếm, chẳng có tiền đâu mà đóng góp “tự nguyện” như thời nay mà vẫn nên người. Có lẽ đúng như nhiều bạn đọc đã “xoáy” vào nguyên do chính dẫn tới tệ lạm thu của ngành giáo dục như bây giờ cũng bắt đầu từ “phú quý sinh lễ nghĩa”, từ tệ “chạy” trường, lớp, điểm đến thầy cô… mà ra. Dần dà thầy cô giáo nào cũng kêu quá tải, quá mệt vì phải dạy quá nhiều. Nhưng ai không được dạy thêm cũng đồng nghĩa với có thu nhập “tay ngoài dài hơn tay trong” là… “chết liền”.

 

Nhà trường thì quá tiêu cực rồi. Con tôi mới học lớp 1 được 1 tuần, cô giáo đã bắt đi học thêm bằng cách bắt các con ghi vào sổ mà không hề hỏi ý kiến phụ huynh. Tôi không hiểu lớp 1 thì có gì mà học thêm. Phải chăng chỉ do các cô muốn "làm thêm"...” - Ho:  tranthaoly.4t30@yahoo.com.vn

 

“Con nhà tôi học mầm non Tr.T. Sáng nay thấy trường thông báo các khoảng  thu: Đầu năm:  + 150.000đ thiết bị bán trú/năm; + 150.000đ trang thiết bị /năm; + 400.000đ quỹ lớp/năm; + 40.000đ bảo hiểm/ năm; 2) Hàng tháng: + 20.000 ăn/ngày = 460.000đ/ tháng; + Chăm sóc bán trú 150.000đ/tháng; + Nước uống: 100.00đ/tháng; + Học phí 40.000đ/tháng; + Học tiếng Anh 200.000đ/tháng (tự nguyện); + Học kỹ năng sống; 120 000đ/tháng (tự nguyện); + Múa, võ, vẽ, đàn 60.000/môn /tháng (tự nguyện); + Lúc vừa vào trường trái tuyến đóng 1.000.000đ/tháng XD trường. Nhà tôi có hai con học ở đây. Chẳng biết thế nào nữa, khoản nào cũng có vẻ…hợp lý. Mà hàng tháng vẫn còn khoản bồi dưỡng cô nữa” – P.T.H:  tobiasthuyloi@gmail.com

 

“Con tôi học lớp Mầm, tiền học phí chỉ có 60k/1 tháng, nhưng cộng tất cả các khoản thu lại mỗi thứ một ít tính ra một tháng mất gấp hơn 10 lần như thế.  Đó là chưa kể còn phải đóng tiền đồ chơi, tiền bút tô màu, tiền giấy vệ sinh... Tôi thấy chúng ta cần chấn chỉnh tình trạng này. Nhưng tôi biết rằng chúng ta kêu cũng chỉ là kêu thôi, người ta luôn luôn không nghe, luôn luôn né tránh...” - Tuấn:  tranminhtuan1805@yahoo.com

 

“Tôi thấy hiện nay các trường Mầm non trên cả nước đều đưa ra các khoản thu rất vô lý nhưng chưa có cơ quan nào đứng ra xử lý cả. Nếu chia nhỏ ra nhiều mức thu thì ít, nhưng cộng lại các khoản thu thì là quá lớn đối với người dân nghèo. Nếu một gia đình có 2 con đi học, mức thu bình quân 3 triệu đ/cháu thì đây quả là gánh nặng cho người nghèo rồi. Nhà nước đã cấp kinh phí hoạt động cho các trường, tuy nhiên Hiệu trưởng các trường vẫn đưa ra các khoản thu như: tiền điện, tiền nước, tiền bảo vệ, tiền vệ sinh, tiền bù lương giáo viên hợp đồng, tiền văn phòng phẩm.... Nói tóm lại là quá nhiều khoản thu vô lý. Chúng tôi đều nghĩ rằng đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần ra tay để dẹp bỏ tình hình loạn thu này cho người dân đỡ khổ” - Vinh Mai:  maiducvinh@gmail.com

 

“Xem ra thủ thuật thu tiền của giáo viên thời nay cực kỳ tinh xảo. Nhiều kiểu thu tinh vi và áp lực gần như bắt buộc. Chẳng bao giờ phụ huynh đi họp còn cảm thấy vui vẻ nữa rồi. Trường THCS Hà Huy Tập cũng vậy, khoản thu có vẻ khiêm tốn, nhưng bù lại thì họ lại yêu cầu phụ huynh làm đơn xin học thêm (học vào dịp hè và học trong năm học). Cái khoản thu học thêm mới đáng kể... mà dạy dỗ đâu có chất lượng gì?... Ai không tin, cứ việc hỏi các học sinh mà xem (xin chớ có hỏi giáo viên vì họ sẽ phủ nhận ngay). Thanh tra về làm việc về chỉ thị cấm dạy thêm thì cũng chỉ cho qua, nhận phong bì là xong. Giáo dục thời nay không biết sẽ đi về đâu nữa rồi? Thật buồn hơn bao giờ hết” -  Đoàn Ngọc Đính:  dlanhtnhbanh@gmail.com

 

“Trường học là nơi dạy học sinh chữ Tâm, chữ Đức mà sao các giáo viên lại làm những việc…  như vậy được nhỉ?” - Nguyễn Quang Huy:  123@yahoo.com
 
(minh họa từ internet)
Nhiều phụ huynh "toát mồ hôi" vì đề nghị đóng góp thêm mua sắm thiết bị dạy học của nhà trường (ảnh minh họa)

 

"Mỏ" dễ khai thác nhất?

 

Sự thật lùng nhùng đã nhiều năm như vậy, nhưng những nơi lẽ ra cần có những hành động phù hợp, kiên quyết và cần đi tiên phong xóa bỏ tệ nạn này thì… luôn làm ngược lại. Để hiểu được cốt lõi vấn đề, cần có chiếc chìa khóa vạn năng để mở được ổ khóa xem ra luôn hóc là bởi chính những con người VN ta chỉ vì quyền lợi của mình mà không muốn mở (cũng không muốn cho ai khác mở được) mà thôi.

 

“Sao hội phụ huynh không có ý kiến gì phù hợp với chức năng của hội vậy? Lập ra hội phụ huynh là để bảo vệ quyền lợi cho học sinh, phụ huynh chứ có phải chỉ để lo việc đốc thúc đóng tiền của các hội viên và đem nộp cho trường đâu? Việc ý kiến với các khoản đóng góp đâu có gì khó khăn. Giả sử như việc mua máy chiếu chẳng hạn. Mua năm nay rồi thì năm sau cứ đấy mà sử dụng, chứ tại sao lại bắt học sinh đóng tiền để mua cái mới là sao. Nếu năm nào cũng mua mới thì nhà trường dùng sao hết được? Để đâu, dùng vào việc gì? Chỉ cần hội phụ huynh kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình cơ sở vật chất của trường là nhà trường sẽ không thể đưa ra nhiều khoản thu như thế được” -ABC:  abc@yahoo.com

 

“Nói hoài, nói mãi việc Lạm thu và lời hứa "Công Khai", cụ thể, minh bạch vẫn bỏ ngỏ. Thế nhưng từ Bộ GDĐT cho đến Sở và cuối cùng là trường trong hơn chục năm qua các khoản Lạm thu vẫn là điều Bí Mật, Rất Khó Có Giải Pháp. Điều mà phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung bất bình là các khoản thu lấy danh nghĩa "xã hội hóa giáo dục" bị lạm dụng, kê khống và "rất mau hỏng". Ví dụ năm nào cũng phải nộp tiền mua: máy điều hòa (nếu trường đó có lắp), bình nước nóng, máy chiếu, tivi...  Thậm chí khay ăn bán trú, bàn học, bảng, tủ đựng đồ… ngày trước dùng chục năm không hỏng, giờ "đổi mới" năm nào cũng kêu "hư, sắm lại". Ai kiểm tra, Ai dám nói?

 

Ngẫm cho cùng Bộ biết, Sở biết, các cấp chính quyền biết nhưng chắc chẳng ai thèm lên tiếng bởi họ cần bảo vệ và o bế cho cấp dưới có thêm thu nhập. Và dĩ nhiên nhờ đó họ sẽ được thêm lá phiếu ủng hộ, được khen ngợi "cấp trên năng động, có năng lực" khi lấy phiếu tín nhiệm… Phụ huynh và xã hội hãy cố mà chịu đựng, có con đi hoc phải lo mà góp, đừng kêu la bởi hơn chục năm qua, thậm chí đã kêu lên tận Quốc hội rồi, vậy mà Bộ GDĐT có thèm giải quyết đâu, họ luôn kêu "quá khó"?... Việc cỏn con đó mà còn không làm được thì nói gì đến thực thi chiến lược Quốc gia về sự nghiệp Giáo dục... Sao nghe vẫn cứ như  kiểu làm việc “miễn là có thu” ấy nhỉ?” - Dân Nam bộ:  nguoidannambo@yahoo.com.vn

 

“Kinh doanh giáo dục dễ kiếm tiền và kiếm tiền nhanh quá! Trong khi nhà trường “đầy ví” (tôi tin rằng còn nhiều người trong ngành GD cũng “đầy ví” nữa cơ) để sắm nọ, kia thì phụ huynh còng lưng gánh phí! Còn con em chúng ta thì được hưởng chất lượng giáo dục như thế nào đây? Giáo dục Việt Nam càng ngày chất lượng càng tệ mà phí thì ngày càng đắt đỏ. Tôi thấy nhiều trường mầm non còn dạy cả ngoại ngữ cho các cháu, trong khi tiếng mẹ đẻ còn chưa sõi! Cái này ai cũng hiểu, chỉ có các thầy, các cô không hiểu, Bộ GDĐT cũng… không hiểu! Chán!!!!” - Thuy:  thuyshusaku@yahoo.com

 

“Nếu chúng ta quản lý giáo dục kiểu này thì sẽ cho ra đời những thế hệ học sinh được học chữ nhưng không được học làm người, vì nhà trường và giáo viên sao dạy các em làm người được khi chính nhà trường và giáo viên chỉ chăm chăm vào thu tiền, tăng thu nhập, chạy đua thành tích, dạy thêm...???”- Nguyen Van Luat:  luat82_ln@yahoo.com

 

“Theo tôi, đây là sự thể hiện bất lực và thiếu lương tâm, trách nhiệm của giới quản lý giáo dục. Tôi tin, nếu họ thực sự có tâm thì sẽ không có tình trạng lạm thu. Ngay cả Quỹ Phụ huynh học sinh cũng vậy, đừng để một số phụ huynh nào đó chi  phối số đông, các phụ huynh cũng cần mạnh dạn phản ứng với tệ lạm thu như hiện nay” - Trần Văn Dũng:  dungvn1900@yahoo.com

 

“Câu chuyện này năm nào chẳng vậy, thành tệ nạn trầm trọng rồi. Các cấp đều biết, nhưng làm nửa vời, chỉ chết dân” - Phụ huynh:  to1k45b@gmail.com

 

Chuyện “nói hay đừng” với ngành giáo dục chẳng biết bao giờ mới kết thúc được, rõ khổ!!! Nhưng có lẽ chẳng bao giờ xóa bỏ được lạm thu đâu, vì đang có cơ thu “tiền vào như nước sông Đà”, ai dễ dàng chịu cảnh tự mình đắp đập ngăn chặn dòng “nước chảy chỗ trũng” này lại kia chứ. Mà xem ra nguồn thu dễ nhất chẳng phải là từ cái "mỏ" phụ huynh sao, bởi ai dám "liều" với sự học của con cái... 

 

Kiều Anh