Bàn về "tôn sư trọng đạo" thời hiện đại
(Dân trí) - Lời răn dạy … muốn qua sông thì bắc cầu Kiều/ muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy…, cùng những hình ảnh người thầy chống đò chở chữ qua sông, cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi… trong xã hội của chính chúng ta ngày nay liệu còn được bao nhiêu ý nghĩa?
Câu hỏi đó có lẽ đã, đang và sẽ còn day dứt trong tâm can biết bao người dân VN trong những xô bồ của cuộc sống hôm nay. Mới hôm qua đây thôi, tôi vừa được nghe một người bạn cũ có vợ là giáo viên than thở: “Ngày xưa coi hai nghề cao quý nhất là ngành Y và nghề giáo. Vậy mà sao bây giờ cũng chính hai nghề này lại có nhiều điều tệ hại đến thế, làm mất lòng tin của chính con em của chúng ta đến thế? Thật không thể hiểu nổi cái tâm, cái đạo đức của nhiều nhà giáo, nhiều y bác sĩ để ở đâu?”
Cảnh cư xử với những người bệnh vốn đã bộn bề khổ đau tại các cơ sở y tế nước ta thế nào, trong bài viết này xin được miễn luận bàn thêm bởi càng nói chỉ càng thêm buốt nhói từ tận tâm can. Giờ đây đúng là muốn tìm được những “lương y như từ mẫu” có lẽ cũng khó như tìm lời giải cho… bài toán giao thông....
Còn với các thầy cô giáo… Đúng là không phải không còn những “cô giáo như mẹ hiền”, những thầy cô đang phải sống trong cảnh đạm bạc ở những vùng khó khăn, vẫn hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhưng không thể nói bức tranh chung về nghề giáo giờ đây mảng sáng nhiều hơn mảng tối được nữa rồi, và sức hút của ngành từ chỗ rất lớn trước đây nay trở nên gần như mất hẳn, chẳng còn thu hút được người tài vào ngành vốn được ca tụng là “cao quý” này nữa.
Câu hỏi được đặt ra qua bài blog “Quân, Sư, Phụ - Tam cang giả”: Làm sao để thay đổi được nhận thức xã hội, để con người có cái nhìn tốt đẹp về nghề giáo, phục hưng lại hình ảnh người thầy như xưa, ngành sư phạm được ưa chuộng, thu hút được nhân tài…. rõ ràng không phải dễ bởi ai cũng có cái lý của mình.
Cathy Nguyen nhấn mạnh tới khía cạnh “có thực mới vực được đạo”:
“Cứ để cho ngành giáo dục “rơi tự do” đến lúc nào “chạm đáy” thì sẽ thấy được giải pháp tốt thôi. Khi không còn ai muốn theo ngành Sư phạm nữa thì sẽ không có được đội ngũ kế cận cho ngành, lúc đó sẽ không có ai dạy dỗ cho học sinh nữa thì làm sao học sinh có kiến thức để đi thi vào ngành này, ngành khác? Sở dĩ như vậy bởi vấn đề đãi ngộ cho những người theo ngành Sư phạm là rất quan trọng. Nếu lương bổng đủ để những người theo nghề có được cuộc sống ấm no, thì tự khắc người ta sẽ chọn con đường đó. “Có thực mới vực được đạo” mà”.
Man cũng lý giải nguyên nhân dẫn tới sự giảm sút trong chất lượng của nhiều thầy, cô giáo hiện nay theo hướng đó.
“Để làm được điều đó, trước tiên là chất lượng nhà giáo. Muốn có chất lượng nhà giáo, trước tiên phải là chế độ lương bổng. Nếu lương nhà giáo cao, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nhân tài. Lúc đó, cần gì bàn tới việc nâng cao chất lượng giáo dục khi người dạy toàn là những người giỏi, cần gì bàn tới chuyện cần vực dậy đạo đức nhà giáo bị thoái hóa khi tiền không còn chi phối nhà giáo. Người ta có câu: "Có tiền mua tiên cũng được". Tiền tuy không phải là tất cả, nhưng nó cũng mang lại rất nhiều điều, và là một phương tiện không thể thiếu để đạt đến những điều khác
Hùng Đại Việt nói về nguyên nhân của sự sa sút trong quan niệm “tôn sư trọng đạo” hiện nay:
“Suy đi thì phải nghĩ lại, muốn có "tôn sư trọng đạo" thì trước tiên thầy phải cho ra thầy. Chứ ngày nay tôi thấy đạo đức của một số thầy, cô giáo xuống cấp trầm trọng, thầy có khi chẳng ra thầy nên bị một số học sinh coi thường… Thử hỏi như vậy làm sao mà "tôn sư trọng đạo" được. Tôi nghĩ một người thầy, cô giáo mà học thức uyên thâm, đạo đức mẫu mực thì mọi người sẽ nghiễm nhiên "tôn sư trọng đạo", chả cần phải nói nhiều làm gì?”
Tô Sỹ Dũng nêu rõ những yếu tố cần và đủ:
”Để ngành giáo dục tốt hơn thì chính những người làm giáo dục phải hội tụ được những yếu tố cần và đủ của một người Thầy. Thầy thì phải ra Thầy và phải loại bỏ ngay những ‘con sâu mọt’ trong ngành để tránh ‘làm rầu nồi canh’. Chính phủ cũng cần tạo điều kiện tốt hơn cho ngành giáo dục, như chế độ trợ cấp, phụ cấp lương cho người lao động trong ngành”.
Từ góc độ học sinh, Trần Quí Nhơn nêu những vấn đề còn tồn tại giữa Thầy với trò:
Pham Trung Kiên luận giải sâu xa hơn từ những vấn đề của xã hội cùng sự cần thiết phải gương mẫu từ những người đang trao nhiệm vụ đứng trên bục giảng, nuôi dưỡng những mầm tài năng cho tương lai:
“Xã hội phát triển, nhiều người mải chạy theo cuộc sống cơm áo gạo tiền nên có lẽ dần đánh mất lương tâm của mình. Người thầy muốn học sinh yêu mến, quý trọng thì trước tiên mình phải gương mẫu, quan tâm dạy bảo các em các về mọi mặt không chỉ kiến thức học tập mà còn cả kiến thức xã hội. Ví dụ như cần tạo ra nhiều cuộc giao lưu để tăng độ thân thiết giữa thầy và trò như đi thăm, tặng quà cho các gia đình các em khó khăn. Đặc biệt đã là người thầy thì nên tránh xa việc “mua bán điểm”.
Trần Văn Hùng nêu các dẫn chứng khác nhau để so sánh:
“Thời bao cấp trước đây, chúng tôi đi học rất cực khổ và các thầy cô cũng vậy, nhưng dù dạy thêm hay ôn luyện thi gì thầy cô cũng không lấy tiền. Có hôm mua cho thầy chai xá xị, có hôm tổ chức mời thầy về nhà làm con gà đãi thầy… Thế thôi, vậy mà thầy cô hết lòng dạy dỗ chúng tôi. Hầu như ai cũng lương ba cọc ba đồng không đủ tiền mua thuốc trị bệnh lao vì bụi phấn, mà thầy cô nào cũng đam mê nghề. Còn hôm nay xã hội phát triển, được nhà nước ưu đãi mọi thứ nhưng có một số thầy cô lại đánh mất phẩm chất của người thầy, thì hỏi làm sao xã hội tôn trọng được?
Về các thầy cô giáo hôm nay, Huy có những lời góp ý khả thẳng thắn và gay gắt:
“Thầy cũng nhiều loại thầy lắm. Thầy giỏi và đạo đức thì ai dám coi thường, nhưng thầy kém, "thầy chạy" thì đã làm ‘pha loãng’ sự kính trọng của xã hội với người thầy. Theo tôi những phản ứng thiếu tôn trọng những người thầy thiếu đạo đức cũng là 1 tất yếu của xã hội (nó cho thấy quá trình tự chọn lọc của xã hội). Muốn người thầy được tôn trọng thì phải tạo ra đội ngũ người thầy giỏi chuyên môn, đạo đức tốt. Vậy không ít người thầy hiện nay có những phẩm chất gì để người ta tôn trọng? Hay chỉ là vì 1 suất biên chế ? vì tiền, vì là ‘COCC’ (con ông cháu cha), lại lấy học sinh làm công cụ kiếm tiền, thích "phụ đạo" hơn là chính đạo....? Đó là sự thương mại hóa ngành giáo dục. Kết quả của các nguyên nhân thì có rồi đó, nhưng có dám nhìn thẳng vào sự thật để tìm cách giải quyết hay không thôi. Đã dám nhìn, dám thay đổi thì kiểu gì chả làm được”.
Quản Lệnh nhấn mạnh tới chủ nghĩa thực dụng và yếu tố đồng tiền:
“Chủ nghĩa thực dụng, đồng tiền làm vua trong mọi lĩnh vực đã xô đổ bức tường "Quân, Sư, Phụ, Tam cương giả". Ngày nay xu thế hưởng thụ của xã hội sau tác động của chủ nghĩa thực dụng càng đẩy xa mọi quan niệm đạo đức ‘Tam cương giả…’ ra khỏi ý thức con người…”
Dẫu có thế nào, ngành giáo dục nói riêng cũng như nhiều lĩnh vực khác trong xã hội nói chung rõ ràng đang rất cần những bàn tay mạnh mẽ và những nguồn chất xám quý giá cùng góp sức chấn chỉnh lại. Và chắc chắn, bức tranh về chân dung những người thầy cô giáo của chúng ta không thể không sáng đẹp trở lại… ít nhất là như ngày xưa và có thể còn hơn thế nữa, khi tất cả chúng tôi cùng dốc sức, đồng lòng vì một mục tiêu chung là để có nguồn nuôi dưỡng những thế hệ tương lai "con hơn cha là nhà có phúc".
Thanh Nguyễn