Bạn đọc chia sẻ kinh nghiệm chống trộm trên xe buýt

(Dân trí) - Phải nói rằng hiện tượng trộm cắp, móc túi tại các trạm trung chuyển xe buýt cũng như trên xe xảy ra đã nhiều năm nhưng cho đến nay cái ung nhọt đó vẫn chưa được trị tận tốc, gây bức xúc cho hành khách và dư luận...

Ngoài mong muốn xe buýt – phương tiện giao thông công cộng phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam được nâng cao chất lượng thì việc kêu gọi các ban ngành chức năng sớm tìm ra biện pháp ngăn chặn tình trạng trộm cắp, móc túi... cũng được hành khách đề cập nhiều nhất.

 

Tuy nhiên trong khi chờ đợi các ban ngành “ra tay” thì không ít bạn đọc là “khách ruột” của phương tiện công cộng này đã “mách nước” cũng như chỉ ra mánh khóe của bọn trộm cắp trên xe buýt.
 
Bạn đọc chia sẻ kinh nghiệm chống trộm trên xe buýt - 1

(nguồn ảnh: internet)

 “Kinh nghiệm của mình khi đi xe buýt là: Tiền + Điện thoại nên để vào 1 túi. 1 tay để trong túi, tay kia thì để giữ thăng bằng. Nếu gặp móc túi mà phát hiện kịp thì nên hẩy mạnh hắn ra, hạn chế động chạm không thì mình phải vào viện trước khi về nhà. Nói chung xe buýt Thủ đô còn nhiều cái để bàn lắm. Rẻ thì rẻ thật đấy nhưng quá tải và nhiều tệ nạn” - QuangTrung: quangtrung.do@zing chia sẻ.

 

“Tớ là dân công sở “xịn” đây, xin kể cho bà con cô bác “kỷ niệm” trên bus. Trộm trên bus thì tớ chứng kiến nhiều nhưng có 1 lần thế này: vì lúc về xe đông quá, tớ ngồi ghé xuống bậc cuối của xe. Được một đoạn có tốp sinh viên ở đoạn trường Công đoàn lên. Tớ thấy có cậu trông rõ như sinh viên (SV), mắt đeo kính cận, cặp sách đeo chéo như các bạn SV khác. Vì xe quá đông nên bạn ấy cứ dẫm lên chân tớ, xong rồi lấy túi che qua mặt tớ (vì tớ ngồi, bạn ấy đứng mà). Tớ có cằn nhằn thì bạn ấy cười và xin lỗi vô cùng SV.

 

Tớ vốn “Tào Tháo” nên thử để ý xem sao, hóa ra nó che mắt tớ đi để mở nắp túi xách của 1 bạn gái đang đeo đứng trước mẹt nó. Tớ mới lấy chân của tớ đá vào chân bạn kia thì bạn ấy quay lại tỏ vẻ khó chịu tưởng tớ vô tình, tớ nháy mắt bạn ấy, bạn ấy cũng chẳng hiểu gì. Xong tớ lại thấy tay kia tiếp tục hành động, thế là tớ cuống lên đẩy chân cu cậu và kêu ầm lên là “Em ơi sao cứ dẫm vào chân chị thế”, làm cả nhóm người trên xe chỗ ấy để ý. Tên trộm này lúc đấy mới biết là tớ cố ý làm thế hay sao ấy, nó vội chen lên phía trên xe để xuống. Tớ mới hỏi cô bé kia là có mất gì không, cô bé xem túi xách đã bị kéo hết khóa rồi nhưng may chưa mất gì. Cô bảo có 11 triệu mẹ em vừa gửi để mua máy tính (hix).

 

Trên đường về nhà hôm ấy tớ vẫn run vì sợ tên trộm nhớ mẹt mình trả thù, ko hiểu sao hôm ấy can đảm thế. Nhưng kết luận vẫn là: Nếu hạ tầng tốt, tần suất chạy và chất lượng bus tốt thì đi bus vẫn là văn minh, đảm bảo sức khoẻ, tránh ùn tắc. Đi xe máy khổ quá các bác ạ” - Vũ Phương thanh: meo46bachi@yahoo.com.vn  cho biết.

 

“Đi xe buýt thì rẻ nhưng không an toàn về tài sản đối với những ai đi lần đầu, hoặc quá chủ quan không cảnh giác. Mình thường xuyên qua điểm trung chuyển Long Biên để đi học và tận mắt chứng kiến rất nhiều vụ như thế. Thậm chí những tên móc túi còn đánh, đá, đấm, tát...đối với những người bị mất mà tóm được kẻ móc túi. Chúng còn tung ra những lời lẽ rất côn đồ. Bức xúc hơn là việc sau khi thực hiện xong hành vi trộm cắp, chúng đưa cho đồng bọn rồi lại quay lại hành nghề tiếp.

 

Giờ đây ở trạm trung chuyển Long Biên đã có 2 người phụ trách quản trạm thường xuyên túc trực khiến bọn chúng không còn hành nghề được nữa, nên chúng đã di chuyển xuống bãi đỗ xe Yên Phụ ở gần đó hành nghề. Thỉnh thoảng mình còn thấy bọn chúng ngồi uống nước rất vui vẻ với những lái, phụ xe buýt.

 

Vì vậy mình chỉ muốn các đơn vị chức năng có những biện pháp chủ động để bảo vệ tài sản và quyền lợi của người đi xe buýt như: tăng giá vé lên một ít để có kinh phí cho lực lượng túc trực ở các điểm thường xuyên xảy ra móc túi. Lắp đặt hệ thống loa, màn hình ở các trạm trung chuyển Long Biên và Cầu Giấy để cung cấp thông tin, hình ảnh từ những hành khách đi xe buýt ghi được về những tên móc túi... Tuy nhiên, cần hơn cả là ý thức của hành khách khi đi xe buýt phải biết bảo vệ tài sản của chính mình” - Nguyễn Văn Quỳnh: nvquynh.1005@gmail.com nêu kinh nghiệm.

 

“Mình có người bạn vừa bị móc túi, tóm được tên trộm thì nó cướp luôn điện thoại, may mà giữ được ví (Khi bị tóm chúng sẽ la lên, khoảng 4-5 tên sẵn sàng nhảy vào can thiệp và hôi của). Một lời khuyên cho các bạn hay đi xe bus khi ngành công an chưa xóa được vấn nạn này là: Nếu có mang ví, giấy tờ vì bất đắc dĩ hãy để lại tên, số điện thoại để nếu có mất ví thì còn có cơ hội chuộc lại từ chính kẻ lấy trộm. Hy vọng thời gian tới phía công an sẽ có biện pháp triệt để xóa tình trạng này” – quangminhsc: quangminhsc@gmail.com  

 

“Mình đã đi 2 bus 2 năm và có ít kinh nghiệm. Các bạn không nên mang balo, hoặc balo chỉ để sách vở. Các bạn nên dùng túi đeo chéo người vì túi luôn ở trước người mình và tay luôn đặt trên túi. Không nên để điện thoại trong túi áo quần. Thường thì bạn nào lên xe bus có ghế ngồi ít bị móc. Ở trên xe các bạn nên hạn chế dùng điện thoại vì bọn móc túi rất chú ý và quan sát bạn để điện thoại ở đâu.

Khi đứng ở trạm trung chuyển như ĐH GTVT hay các bến xe  như bến Gia Lâm, Mỹ Đình các bạn không nên đứng nguyên một chỗ, mà nên đi đi lại lại, có khi ngồi khi đứng và nhìn trái nhìn phải để quan sát.

Đứng ở các bến chờ xe đừng nghe nhạc. cảnh giác với người ở cạnh bạn (đa số bọn móc túi không mang theo túi xách hay ba lô). Khi lên xe bus nếu quá đông thì bạn không nên chen chân lên trước mà chờ mọi người lên gần hết rồi lên. Nhận biết khi bị móc túi: Nếu mang balô hay túi xách thì thấy nặng như là có người kéo - lúc đó bọn móc túi đang móc của bạn. Nễu để ví hay điện thoại ở túi quần thì tay của bạn phải đặt cạnh đó và không nên nói chuyện khi đi xe, vì bạn sẽ lãng quên đồ đạc của mình và tạo điều kiện cho bọn móc túi hoành hành” – Vy: Hoathi_3@yahoo.com tiết lộ.

 

“Mình rất ít đi xe bus, nhưng  mỗi lần phải đi phương tiện này mình đều làm như sau: 1/ Nếu bạn mặc quần bò thì hãy nhét ví và điện thoại ở  2 túi trước, ôm chặt cho tới khi lên và xuống xe an toàn.

2/ Nếu bạn có ba lô hoặc túi xách thì hãy cất ví và điện thoại vào đó trước khi đi xe bus (lưu ý chuẩn bị sẵn tiền lẻ hoặc vé xe), nếu cần liên lạc thì phải luôn cầm chắc điện thoại trên tay” -   Nguyễn Cường: ncuong.hanoi@gmail.com chia sẻ.

 

“Mình cũng đi xe bus được 6 năm rồi và chưa bao giờ bị mất 1 cái gì cả. Lý do: không dùng ví, không đeo túi xách lên vai mà xách dưới tay. Điện thoại không để túi quần, lên xe bus không đứng ở khu vực cửa xuống.

 

- Tiền (dù nhiều hay ít): không để trong ví, không để ở  các ngăn nhỏ trong túi, thay vào đó kẹp vào 1 cuốn vở nào đó.

 

 - Điện thoại: có thể dùng cách trên nếu nhỏ gọn, còn loại lớn thì đành phải cầm chắc trong tay hoặc nhét tận cùng/lẫn lộn trong cặp hoặc balô để lỡ có bị rạch cặp hoặc bị kéo khóa thì cũng không thể trong chốc lát mà thấy ngay được.

 

- Khi đứng dưới bến xe bus, chú ý 1 chút các đối tượng tình nghi như: đội mũ lưỡi trai, mắt đảo liên tục, có áo vắt ở tay. Khi lên xe các đối tượng này thường đứng ở khu vực cửa xuống. Nếu chịu khó để ý thì chúng ta còn có thể quen mặt những tên này mà biết để tránh xa nhé!” - hattieu: hattieu10102000@yahoo.com cho hay. 

 

“Cầm điện thoại ở tay cũng không chắc đâu ạ. Chính mình cũng đã chứng kiến một bạn nữ cầm điện thoại trên tay trèo lên xe 32, bị bọn móc túi giật lấy mà không giữ được đấy. Bạn ấy cố giữ nhưng bị giằng khiếp quá nên không giữ được, trong khi mọi người xung quanh cũng đang lên xe như bạn ấy chỉ nhìn và dạt ra thôi” - Hồng Anh: hongânhphm.84@gmail.com lưu ý.

 

Trần Bách

  

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm