100 tỉ và viễn cảnh thoát “mê cung” biển báo giao thông?

(Dân trí) - “Là người làm trong ngành XDCB của Bộ GTVT, nhưng tôi cũng thấy mấy vị nghĩ ra ‘chiêu trò’ này chắc chỉ tính tiêu tiền của dân theo kiểu ‘phù hợp với thông lệ quốc tế’ thì phải? Cứ kiểu này thì đất nước còn nghèo nữa, dân còn khổ dài dài...”

Một số biển báo nguy hiểm giao thông đường bộ
Một số biển báo nguy hiểm giao thông đường bộ

 

Cần - Đủ - Đúng
 

Lời bình trên của Ngô Vịnh Hà thuyanh_hamy@yahoo.com có thể coi như đã tóm tắt được phần nào những thắc mắc, nghi ngờ, choáng váng… được thể hiện qua đại đa số phản hồi của bạn đọc trước thông tin Tổng cục Đường bộ VN vừa đề nghị Bộ GTVT bổ sung vốn 100 tỉ đồng để “điều chỉnh hệ thống biển báo hiệu đường bộ cho phù hợp với cam kết quốc tế”, dù sự cần thiết của việc làm này cũng phần nào nhận được sự chia sẻ từ dư luận:

 

“Hiện nay có vô số những biển báo giao thông gây khó khăn cho lái xe. Ví dụ có biển cấm vượt mà không có biển hết cấm vượt, nên lái xe có khi đi cả chục km với tốc độ rùa bò vì không dám vượt xe khác, gây tổn thất về thời gian + nhiên liệu và căng thẳng cho lái xe…. Có biển lại cắm bên trái làn đường dễ bị che khuất, khó quan sát, lẫn lộn với biển báo làn ngược chiều. Vị trí cắm biển lung tung không có qui định rõ ràng, lái xe phải quan sát đủ mọi phía tìm biển báo thay vì họ chỉ nhìn vào vị trí được qui định (bên phải, phía trước các hiệu lệnh của biển)… Nhiều ngã tư ngã ba không có biển báo chia làn rẽ nhưng CSGT vẫn phạt, nếu đường đông mà không có biển báo thì lái xe không thể đếm được đường có bao nhiêu làn, những làn nào rẽ phải, rẽ trái… Vì vậy thật cần thiết phải cắm đủ và cắm đúng các biển báo giao thông, tránh để tình trạng lạm dụng để hạch sách lái xe…” - Vũ Thắng:  huythang.dtu@gmail.com

 

“Thực sự rất mừng. Biển báo ở VN thiếu quá nhiều, phải tổ chức cắm biển đủ, đúng thì mới không bị phạt vì thiếu biển và cắm không đúng chỗ. Làm sao cho các em bé chỉ cần biết đọc chữ có thể tự tìm đường về nhà bằng hệ thống biển báo giao thông, đó mới thực sự là 1 biểu hiện của đất nước văn minh. Nhưng thực tế thì sao? Ví dụ cả đoạn đường QL 1 đoạn qua Đồng Văn, Phủ Lý chỉ có 2 cái biển hạn chế tốc độ 50 km, nếu bạn không căng mắt ra nhìn biển thứ nhất thì chắc chắn bạn bị bắn tốc độ... Biển báo hiện tại ở VN theo tôi nghĩ, chỉ có người địa phương mới hiểu, người nơi khác đến không thể lái ôtô được vì không đủ biển hướng dẫn.
 
Còn phân làn nữa chứ. Trong phố gần đến ngã 3 ngã 4 mới kẻ cái vạch cứng, nếu ở bên trái không cho phép đi thẳng, nhưng thỉnh thoảng lại cho cả rẽ phải và đi thẳng. Lúc đó các xe  không nhúc nhích được, mà qua làn đường đi thì ngay lập tức bị phạt....Cho nên cần rất nhiều biển báo ở trên cao để quan sát, tốt nhất là phân làn ở phố và quốc lộ đi tốc độ cao. Nhưng vấn đề là làm biển sao cho giá cả phải phù hợp thôi, tốt nhất là công khai đấu thầu....(Nhưng có đủ biển báo giao thông e là CGST sẽ…thất thu? Còn dân vẫn hoan nghênh thêm, đủ biển báo!)” - Hoàng:  hoangteacher@ymail.com

 

“Cũng không nên suy xét đây là vấn đề lãng phí, dù sao cũng có lợi một phần cho dân. Tuy nhiên từ đây cũng có thể thấy rằng tình trạng ‘xin – cho’ như hiện nay mà nếu không được kiểm tra đánh giá công tâm thì người dân sẽ còn phải cơ cực hơn nữa vì gánh nặng thuế/phí!” - Hoàng Tuyền: ngaykhongem_tt1a@yahoo.com
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Điệp khúc sai - sửa
 
Từ con số 100 tỉ đồng và cách làm thì… báo cáo thì hay lâu nay, thật chẳng dễ dàng gì thuyết phục được dư luận đặt niềm tin vào những lý lẽ xem ra vẫn chưa đủ sức thuyết phục cho con số 10 tỉ kinh phí cho biển báo giao thông:
 

“Việc thay thế biển báo hiệu giao thông là rất cần thiết. Tuy nhiên việc cắm biển phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn để các phương tiện giao thông dễ quan sát nhất. Hiện nay nhiều biển báo giao thông được cắm ở những nơi khuất, biển vừa bé lại vừa thấp, cắm ở lề bên phải của đường nên người tham gia giao thông rất khó quan sát và đã bị CSGT phạt, gây bức xúc. Những biển báo này chỉ khi công an chỉ thì dân mới nhìn thấy, còn để đi tự nhiên thì không thể nhìn thấy được. Tóm lại, người dân sẵn sàng đóng tiền để cắm biển báo mới, nhưng yêu cầu biển phải được giăng ngang đường ở độ cao thích hợp để các phương tiện  giao thông có thể quan sát dễ dàng ở khoảng cách 150 - 200m” -  Nguyễn Văn Lung:  nguyenvanlung@gmail.com

 

“Về thay đổi biển báo cho phù hợp quy chuẩn quốc tế là đúng, nhưng lại vin vào việc đó để thay đổi, dỡ bỏ biển báo sai do lỗi cố ý của ngành GT thì dân không thể chấp nhận được... Cơ quan nào làm sai dù vì bất kỳ lý do nào cũng phải tự hoặc bỏ tiền thuê người dỡ bỏ, chứ đừng lại xin kinh phí rồi bắt dân phải bỏ tiền ra (thông qua thu  phí)…. Thật đúng là vẫn cảnh: Sai đâu sửa đó, mà sai đó thì sửa đâu, mà sửa đâu lại sai đó. Pó tay!”-   Dang Truong Giang: dangtruonggiang@email.com

 

“Hàng năm chi phí cho riêng BIỂN BÁO và SƠN VẠCH đã là vô cùng tốn kém. Thế nhưng bây giờ mới lộ ra là cơ quan quản lý đường bộ đã làm… chẳng theo quy chuẩn nào. Biến báo, vạch sơn không thống nhất, làm ẩu, không có nguyên tắc… gây tốn kém biết bao nhiêu. Đấy là chưa kể đặt biển, kẻ vạch sai, dẫn đến tai nạn giao thông hoặc CSGT phạt vô nguyên tắc… Rồi cũng chẳng thấy ai bị làm sao vì đó là... tiền của dân!” - Nhật Minh Vương: nhatminh2110@yaoo.com

 

“Chỉ có dân là khổ thôi! Các vị làm gì cũng nghĩ đến dân một chút thì tốt biết bao. Đơn giản các vị thử về vùng nông thôn, nhìn những người nông dân 60-70 tuổi vẫn phải quần quật ngoài đồng một nắng hai sương và hãy đặt mình như là con cháu họ thì mới thấm thía nỗi cơ cực của họ. Ôi, mình thật thương cho người dân quê mình! Quan chức ở đâu cũng ít lo cho dân… Ngay từ cấp xã suốt ngày nhìn thấy cái khổ của dân còn thế nữa là ở những cấp cao xa hơn...” - ABC:  anhmaths@gmail.com

 

Ai đã lạc bước vào mê cung đều biết, tìm lối vào thì dễ, nhưng để thoát ra là khó vô cùng. Dân lo cũng phải thôi, vì chẳng biết còn lại được bao nhiêu % của số tiền 100 tỉ đó thực xuất hiện trên các tấm biển báo. Mà nguồn kinh phí đó từ đâu ra nếu không phải vẫn là từ tiền thuế/phí dân đóng góp???

 

Khánh Tùng