Bật mí thú vị về phim “mẹ chồng - nàng dâu” đang gây bão trên VTV

(Dân trí) - Sau thành công của bộ phim “Mẹ chồng tôi” cách đây hơn 20 năm, NSND Khải Hưng tiếp tục mang đến cho khán giả hình ảnh cặp mẹ chồng - nàng dâu mới trong bộ phim “Hạnh phúc không có ở cuối con đường” qua diễn xuất của NSƯT Diệu Thuần và diễn viên Thuỳ Dương.

Trong phim, NSƯT Diệu Thuần vào vai bà Hà - một cán bộ thời bao cấp, là một mậu dịch viên nghỉ hưu. Bị ảnh hưởng của công việc nên bà Hà khá kỹ tính, cực đoan nhưng trong sâu thẳm trái tim, bà lại có rất nhiều tình cảm của một người mẹ. Đây là vai diễn đã để lại nhiều cảm xúc với diễn viên gạo cội này.

Kết hợp với người mẹ chồng kỹ tính là cô con dâu Thục Quyên hiện đại, trẻ trung, năng động, là hình mẫu đại diện cho lớp thanh niên ở thời kỳ đổi mới. Vai diễn này do diễn viên trẻ Thùy Dương thể hiện và được đánh giá khá tròn vai.

NSƯT Diệu Thuần trong vai bà mẹ chồng kỹ tính, cực đoan... nhưng sâu thẳm lại rất yêu con.
NSƯT Diệu Thuần trong vai bà mẹ chồng kỹ tính, cực đoan... nhưng sâu thẳm lại rất yêu con.

Nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng - người chấp bút kịch bản phim cho biết, ông viết kịch bản phim này từ sự gợi ý của đạo diễn NSND Khải Hưng vào đầu 2010. Lúc đầu, “cha đẻ” của Táo quân gợi ý cho anh viết một bộ phim về chân dung doanh nhân thành đạt, đi lên từ tay trắng. Sau đó, cả hai cùng thảo luận, xây dựng cốt truyện, hệ thống nhân vật, tính cách, số phận của từng nhân vật để viết thành đề cương.

“Tôi nghĩ, anh Khải Hưng hoàn toàn đủ tư cách là đồng tác giả với tôi ở kịch bản này. Như vậy, nếu câu hỏi là màu sắc của ai nhiều hơn, tôi nghĩ là ngang nhau. Với kịch bản bộ phim này, tôi muốn chia sẻ với khán giả một điều rằng, cuộc đời mỗi con người thực chất là một hành trình tìm kiếm hạnh phúc, một hành trình đầy gian nan, bất trắc và không thể lường trước được những thử thách nào đang chờ đợi ta trong suốt chặng đường đó. Mỗi người sẽ tự viết nên số phận của mình bằng cách vượt qua thử thách và đó cũng là ý nghĩa cuộc sống, là hạnh phúc của họ”.

Bộ phim phản ánh thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, trong khoảng 10 năm từ 1997 đến 2007. Sự thay đổi các hệ giá trị ở thời kỳ này khá rõ nét, đầy biến động và kịch tích. Bởi vậy nó là nguồn chất liệu hiện thực phong phú cho các tác phẩm nghệ thuật. Trước đó, biên kịch Đỗ Trí Hùng từng viết nhiều kịch bản về cùng đề tài này như: Chuyện vặt gia đình, Kẻ không cầu may, Người nổi tiếng...

Theo nhà biên kịch này, khó khăn khi viết thể loại phim dài tập là phải dựng cho được số phận của nhân vật. Sự hấp dẫn của phim chính là số phận của nhân vật. Biên kịch phải làm thế nào để khán giả phải theo dõi hành trình của nhân vật đến không dứt ra được.

Nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng.
Nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng.

Để làm việc này, tư liệu thực tế chỉ có tính chất gợi ý, nó không phải là phần quan trọng nhất của người sáng tác bởi sáng tác là hư cấu. Vì lẽ đó, sự hay dở, thành bại của tác phẩm phụ thuộc khả năng hư cấu, tức trí tưởng tượng của tác giả. Sự hư cấu phải bảo đảm tính chân thực, tức bịa phải như thật. Bởi vì nó không thật nên nó phải đặc biệt, độc đáo và lạ để có thể quyến rũ người xem.

Toàn bộ các nhân vật trong kịch bản phim hoàn toàn do biên kịch cùng đạo diễn “bịa ra” rồi tạo ra số phận của họ. Những số phận đó phải đảm bảo được yêu cầu phản ánh bộ mặt của một thời kỳ, đồng thời lại rất riêng biệt và độc đáo.

Thục Quyên là nhân vật trung tâm. Ngay từ đầu, khi yêu Quang, Quyên đã gặp bao khó khăn và cô ấy phải vượt qua. Sau đó, người chồng vỡ nợ, phạm tội vào tù, bản thân không có việc làm tay trắng… tình thế buộc cô phải mạnh mẽ, vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác để đi đến thành công. Vì vậy, số phận của Quyên là số phận đặc biệt và có tính chất lôi cuốn khán giả.

“Nếu cái hay của phim truyền hình dài tập là phụ thuộc vào tình huống, cốt truyện, số phận nhân vật thì vai trò của kịch bản rất quan trọng, bởi vậy các đạo diễn - như NSND Khải Hưng - trước khi làm phim, anh ấy làm việc rất kỹ với biên kịch về kịch bản, bởi vai trò của kịch bản quyết định già nửa thành công của bộ phim.

Kịch bản phim này không chỉ có tôi tâm đắc mà cả với đạo diễn Khải Hưng cũng vậy, bởi cả tôi và anh ấy đều là những người sống thời tuổi trẻ trong thời bao cấp, rồi chứng kiến sự đổi thay của thời chuyển đổi cơ chế cho đến giờ. Nhiều giá trị cũ đã biến mất, giá trị mới được tạo dựng và cả những phản giá trị, hay nói cách khác là mặt trái của thị trường xuất hiện.

Cảnh Quyên đưa con gái đi tìm gặp Quang gây xúc động với khán giả.
Cảnh Quyên đưa con gái đi tìm gặp Quang gây xúc động với khán giả.

Bộ phim là một chuỗi các sự kiện và chi tiết khiến tôi tâm đắc. Đặc biệt, những sự kiện liên quan tới nhân vật chính Thục Quyên. Chẳng hạn, việc cô ấy dám đối diện với bà Hà mẹ của Quang. Ngay sau khi hai người đăng ký kết hôn, thậm chí Quang rất lo lắng, sợ hãi thì Quyên vẫn dám xác định rằng “dù thế nào em vẫn phải đến vì mẹ là mẹ chồng em”.

Hoặc chi tiết Quyên một mình mang hai con nhỏ vào tận miền Nam tìm chồng. Lúc đó, Quang đang trốn nợ, đầy bi quan và tuyệt vọng nhưng Quyên đã thuyết phục được Quang quay về đối diện với hậu quả do sai lầm của mình gây ra. Và sự kiện tôi đặc biệt tâm đắc đó là sự kiện ở phần cuối phim, khán giả sẽ thực sự nhận ra những giá trị của cuộc sống khi phần cuối phim lộ diện”, biên kịch Trí Hùng chia sẻ.

Từng tốt nghiệp ngành Triết học tại Đại học Tổng hợp Bratislava - Slovakia (Tiệp Khắc cũ) nhưng Đỗ Trí Hùng lại được xem là người viết kịch bản khá “mát tay”. Anh đã làm tác giả kịch bản của rất nhiều bộ phim truyền hình đình đám như: Những người săn lùng cái đẹp, Chuyện vặt gia đình, Năm ngày làm thượng đế, Đi tìm ngôi sao…

Sự kết hợp của cặp bài trùng nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng và đạo diễn NSND Khải Hưng dường như lần nào cũng để lại tiếng vang rất lớn, sau các chương trình nhận được sự yêu mến như: Văn nghệ chủ nhật, Gặp nhau cuối tuần…

Hà Tùng Long