"Dưới tán hoa siren": Bức tranh sinh động cuộc sống người Việt tại Nga

Viên Minh

(Dân trí) - Dưới ngòi bút hiện thực sinh động của nhà văn Nguyễn Đình Lâm, dường như ai cũng có thể trở thành nhân vật. Họ quen đấy nhưng cũng lạ lắm, khi được khoác lên mình chiếc áo văn chương.

Ngày 20/5, tại Hà Nội, Tiến sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Lâm đã ra mắt tập truyện ngắn Dưới tán hoa siren.

Tác phẩm gồm 16 truyện ngắn, là những câu chuyện có thật về người Việt tại Nga, từ góc nhìn của tác giả - người sống và làm việc ở đất nước này hơn 20 năm.

Đó là những sinh viên bỏ các kỳ nghỉ hè về nông trường lao động nặng nhọc kiếm tiền, hay mạo hiểm buôn bán chui, tâm trạng lúc nào cũng lo sợ bị bắt; Là những người buôn bán cò con vất vả quanh năm nhưng lại bị lừa tiền, lâm vào cảnh nợ nần, túng quẫn; Những cô gái Việt hiền lương, dòng đời xô đẩy, buộc phải bán thân để tồn tại nơi xứ người...

Dưới tán hoa siren: Bức tranh sinh động cuộc sống người Việt tại Nga - 1

Nhà văn Nguyễn Đình Lâm ra mắt tập truyện ngắn "Dưới tán hoa siren" ngày 20/5 tại Hà Nội (Ảnh: Ban Tổ chức).

Nhà văn Nguyễn Đình Lâm kể khi còn ở nước Nga, dù là nghiên cứu sinh nhưng để có tiền gửi về vợ con, ông phải làm đủ thứ nghề từ làm thêm, phụ hồ đến đi buôn…

Có những hôm đi làm mệt quá, ông nằm ngủ trên bãi phân bò mà không hề hay biết.

Trái ngược với hiện thực là một giấc mơ rất đẹp: "Tôi mơ đến món trứng rán mà nhà báo Lê Xuân Sơn thường rán cho tôi ăn. Một chi tiết đối lập nhưng nó rất thú vị và khiến tôi ấn tượng đến tận bây giờ".

Là một nhân vật được nhà văn Nguyễn Đình Lâm "gọi tên" trong truyện ngắn mở đầu Dưới tán hoa siren (cũng là tiêu đề tập truyện ngắn), nhà báo Lê Xuân Sơn cho biết ngày đó, ở nước mình "không có trứng với thịt mà rán". 

"Anh Lâm thích ăn món trứng thịt rán nên khi sang Nga có nhiều thịt chúng tôi cũng có cơ hội để… hoang hơn. 5 quả trứng mà tôi trộn với 3 lạng thịt xay. Làm nhiều quen tay, tôi còn lật trứng bằng cách hất lên cao như làm xiếc. Vì thế, cứ khi nào tôi rán trứng là chị em ở gần đó lại chạy đến xem…", ông Sơn nói. 

Dưới tán hoa siren: Bức tranh sinh động cuộc sống người Việt tại Nga - 2

Bìa sách "Dưới tán hoa siren" (Ảnh: Ban Tổ chức).

Ngoài nhà báo Lê Xuân Sơn, tập truyện ngắn còn có nhiều nhân vật là "những người sống quanh tôi" được tác giả đưa vào thành nhân vật văn chương, như em gái, em họ, con gái...

Trong Chuyến buôn cuối cùng, nhân vật Lê Khắc Hưng - người thích nghe nhạc cổ điển là ông Lê Khắc Hùng học cùng tác giả; nhân vật Sang - sinh viên Đại học giao thông đường sắt Matxcova - là Hồ Ánh Sáng, người em cùng quê.

Nhân vật Hoàn trưởng phòng trong Chiếc xe đạp cũ là anh Trần Viết Hoàn cùng cơ quan. Trong Chuyến bay nhớ đời, nhân vật Huy học giỏi chính là luật sư Trần Hữu Huỳnh - bạn học, người viết lời tựa cho cuốn sách này. 

Tập truyện ngắn này trở nên ý nghĩa rất lớn với nhà văn Nguyễn Đình Lâm bởi đây là cuốn sách ông yêu thích nhất trong những tác phẩm đã viết. Nó gom góp những kỷ niệm, những ân tình của cả một đời người nhiều lăn lộn bể dâu.

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho hay dưới ngòi bút hiện thực sinh động của nhà văn Nguyễn Đình Lâm, dường như ai cũng có thể trở thành nhân vật. Họ quen đấy nhưng cũng lạ lắm, khi được khoác lên mình chiếc áo văn chương.

Có những người thân từng sống, làm việc và lao động tại Nga, nên khi đọc Dưới tán hoa siren, ông Nguyễn Quang Thiều như nhìn thấy họ trong sự bất trắc, trong nỗi tuyệt vọng, trong giá lạnh tuyết trắng và nỗi buồn dằng dặc xa cố hương mà trước đó ông không hề biết.

"Nhân vật trong truyện của Nguyễn Đình Lâm là bản thu gọn số phận mỗi kiếp người", ông Thiều nói, nhận xét lối viết của tác giả giản dị, súc tích, đi thẳng vào vấn đề và nếu không có nhà văn bước đến thì những số phận ấy sẽ trôi đi, thậm chí bị lãng quên. 

Dưới tán hoa siren: Bức tranh sinh động cuộc sống người Việt tại Nga - 3

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: Ban Tổ chức).

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cũng nhận định Dưới tán hoa siren đã mang cả không gian rộng lớn của nước Nga, cộng đồng người Việt xa xứ, mang biết bao số phận để đặt vào câu chuyện ngắn ngủi của mình.

"Rồi từ câu chuyện ngắn ngủi ấy lại bao phủ đời sống này, để chúng ta nhìn thấy nhân loại này, cuộc sống này và nhìn thấy chính chúng ta ở trong đó", ông Nguyễn Quang Thiều nói. 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, cho hay "thích văn Nguyễn Đình Lâm chính bởi sự chân thực và sinh động". 

"Đến với văn chương của Nguyễn Đình Lâm chính là để được chứng kiến đời sống của người Việt xa xứ. Trong văn của anh, tôi thấy bóng dáng của người Việt, của người Nghệ Tĩnh, dù làm việc gì cũng cố gắng nhiều hơn người khác", ông Thế Kỷ nói. 

Nhà văn Nguyễn Đình Lâm quê Nam Đàn, Nghệ An, đã có 20 năm sống, học tập và làm việc trên đất Nga. Ngoài vai trò doanh nhân, nhà văn, ông còn là Tiến sĩ sử học.

Hiện tại, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga.

Các tác phẩm đã xuất bản: Con kiến tật nguyền (tập truyện ngắn đầu tay, 2004), Tình yêu hàng chợ (tập truyện ngắn, 2005), Mong manh xứ bạch dương (tiểu thuyết, 2009), Truyện ngắn chọn lọc (2011), mới nhất Dưới tán hoa siren.